AnhCần cẩu Carl Serens được sử dụng để nâng mái vòm 245 tấn của nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C vào vị trí, giúp đẩy nhanh tốc độ xây dựng.
Quá trình nâng mái vòm của nhà máy Hinkley Point C bằng cần cẩu SGC-250. Video: EDF
Interesting Engineering hôm 18/7 đưa tin, công ty EDF Energy có trụ sở tại London, nâng mái vòm nặng 245 tấn lên tòa nhà lò phản ứng bằng cần cẩu xây dựng lớn nhất thế giới. Để nâng mái vòm vào vị trí, các nhà xây dựng sử dụng cần cẩu SGC-250 có biệt danh là “Big Carl” theo tên Carl Serens, người sáng lập công ty chế tạo cần cẩu.
Được thiết kế và sản xuất bởi công ty Serens ở Bỉ, cần cẩu SGC-250 hay còn có biệt danh là Big Carl có lực nâng lên tới 5.000 tấn, nhờ momen tải trọng tối đa 250.000 tấn – mét, có nghĩa nếu khối hàng đặt cách trụ trung tâm 100 m, lực nâng tối đa là 2.500 tấn. SGC-250 đang hoạt động trong dự án ở nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C tại Anh.
SGC-250 có chiều cao 0,25 km ở cấu hình cao nhất. Lực nâng khổng lồ của phương tiện là kết quả từ dầm chính cần cẩu chế tạo từ thép độ bền cao với chiều cao 160 m và cánh tay ngang gần 100 m. Hoạt động chế tạo mẫu cần cẩu bắt đầu vào tháng 8/2017 và ra mắt vào tháng 11/2018.
Khác với các mẫu nhỏ hơn như SGC-120 nằm trên vòng thép, do quy mô hoạt động, SGC-250 di chuyển trên đường ray thép cho phép cỗ máy dịch chuyển giữa các vị trí mà không cần lắp ráp lại. SGC-250 chạy trên 96 bánh xe và có thể xoay 360 độ nhờ trang bị 128 bánh xe khác. Tuy nhiên, SGC-250 chỉ là cần cẩu lớn nhất thế giới trên cạn bởi có cần cẩu lớn hơn nằm trên tàu bán chìm Sleipnir của Hà Lan. Con tàu có hai cần cẩu, mỗi cần cẩu có thể nâng 10.000 tấn.
Nhà máy điện hạt nhân mới tại Somerset, Hinkley Point C, gồm hai cụm lò phản ứng hạt nhân. Đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng tại Anh trong 30 năm qua. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện không thải carbon cho hơn 6 triệu hộ gia đình, BBC. Mái vòm cho tòa nhà chứa cụm máy 2 của Hinkley Point C cao 14 mét (khoảng 45 feet) và được làm từ 900 mối hàn. Khi lắp lên tòa nhà, toàn bộ cấu trúc cao 44 mét. Các kỹ sư phát triển sử dụng phương pháp đúc sẵn để đẩy nhanh quá trình và đưa nhà máy vào hoạt động sớm nhất có thể. Dự án Hinkley Point C tiêu tốn khoảng 33 tỷ USD.
An Khang (Theo Interesting Engineering, BBC, IFL Science)