
Biển báo giới hạn 60 km/h được đặt khuất phía sau một tán cây báo hại tôi bị phạt nguội, dù bản thân luôn cố gắng tuân thủ pháp luật.
Là một người thường xuyên lái xe đi công tác giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất sơn tốc độ giới hạn, làn xe và chỉ dẫn giao thông trực tiếp lên mặt đường như Cục Cảnh sát giao thông mới đưa ra. Tôi cho rằng đây là một hướng đi thiết thực, sát thực tế. Vì trên thực tế, việc tuân thủ giao thông không chỉ phụ thuộc vào ý thức, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện quan sát và thông tin sẵn có trên đường. Không phải ai vi phạm cũng cố tình – nhiều khi là do thiếu thông tin, hoặc thông tin không rõ ràng.
Cách đây vài tháng, tôi từng có một trải nghiệm khiến bản thân nhớ mãi. Hôm đó, tôi lái xe từ Hà Nội về Thái Nguyên. Qua một đoạn đường, tôi đi với tốc độ 80 km/h vì nhớ đây là tốc độ tối đa cho phép. Nhưng khi rẽ vào đường dẫn qua một tuyến nhánh nhỏ, tôi không để ý có biển báo mới giới hạn 60 km/h được đặt khá khuất phía sau một tán cây.
Không lâu sau, tôi nhận được thông báo phạt nguội vì vượt quá tốc độ cho phép. Tôi cũng quay lại hiện trường và nhận ra đúng là biển báo rất khó thấy, nhất là nếu đi vào buổi tối hoặc trời mưa. Nếu khi đó con số “60” được sơn rõ ràng trên mặt đường, tôi tin chắc mình đã giảm tốc độ kịp thời.
Tôi đánh giá cao đề xuất sơn tốc độ lên mặt đường ở chỗ nó tăng tính trực quan và nhắc nhở liên tục cho người điều khiển phương tiện. Việc nhìn xuống mặt đường là phản xạ tự nhiên của người lái, do đó nếu có chỉ dẫn được sơn rõ ràng, tài xế sẽ dễ tiếp nhận và ghi nhớ hơn nhiều so với việc phải căng mắt nhìn tìm biển báo, nhất là trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc khi biển bị che khuất.
>>
Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa chỉ dẫn trên đường và hệ thống giám sát thông minh, ứng dụng AI như Trung tâm điều khiển giao thông mới ra mắt cũng giúp việc thực thi luật công bằng hơn. Người dân sẽ không còn cảm giác “bắt lỗi mơ hồ”, mà sẽ thấy rõ ràng đâu là giới hạn và họ cần tuân thủ điều gì.
Từ trải nghiệm cá nhân, tôi xin góp thêm một vài ý nhỏ:
Thứ nhất, nên sơn lại định kỳ để đảm bảo độ rõ nét, tránh tình trạng sau một thời gian chữ mờ, khó đọc.
Thứ hai, ưu tiên các đoạn giao cắt, rẽ nhánh, điểm chuyển tốc độ – đây là nơi dễ vi phạm nhất.
Thứ ba, có thể kết hợp giữa sơn và biển điện tử ở một số tuyến cao tốc, nơi tốc độ giới hạn có thể thay đổi theo điều kiện thời tiết, mật độ giao thông.
Thứ tư, thêm biển cảnh báo “khu vực có giám sát tốc độ” như chị Trần Bích Quyên đề xuất, giúp người dân tự giác hơn.
Việc ứng dụng công nghệ, kết hợp giữa hiển thị trực quan và giám sát thông minh sẽ không chỉ giúp giảm vi phạm mà còn giúp người dân cảm thấy được hỗ trợ. Càng rõ ràng, minh bạch bao nhiêu thì ý thức tuân thủ của người dân càng được nâng cao bấy nhiêu. Tôi tin rằng, nếu không cố tình vi phạm, thì người dân cũng không có gì phải lo sợ, chỉ cần có đủ thông tin để hành xử đúng. Và việc sơn chỉ dẫn giao thông xuống mặt đường chính là cách giúp chúng ta làm được điều đó.
- Biển báo giao thông bẫy tôi trên cao tốc
- ‘Biển báo đường dẫn cao tốc TP HCM – Trung Lương đánh đố tài xế’
- Lái ẩu trên cao tốc nhưng đổ tại đường sá, biển báo
- Tài xế Việt ‘tay lái xe, mắt tìm biển báo’
- Biển báo đánh đố ‘bẫy’ tài xế Việt
- Vị trí đặt biển báo giao thông khiến tôi khó đi đúng luật