Khoảng trống sân chơi trẻ em nhìn từ cú sốc làng Háo Hức

Khoảng trống sân chơi trẻ em nhìn từ cú sốc làng Háo Hức

bởi

trong

Khi kỳ nghỉ hè của năm nay đã đi hết nửa chặng đường thì đầu tháng 7 này, làng Háo Hức – một đơn vị chuyên tổ chức chương trình trải nghiệm cho trẻ – gây xôn xao khi bị phụ huynh tố hàng loạt vấn đề bất chấp mức phí lên tới cả chục triệu đồng cho khoảng thời gian hơn một tuần.

Bên cạnh tình trạng nhà vệ sinh bị phản ánh là bẩn khiến trẻ ngứa, không dám đi vệ sinh; thiếu nước, chỗ ăn ngủ không đảm bảo, trẻ tham gia trại hè còn bị bắt nạt và đội ngũ chăm sóc học viên thiếu sự sâu sát… Sau đó, nhà sáng lập – MC Minh Trang – đã phải đăng đàn xin lỗi.

Vụ việc “Làng Háo Hức” có thể là cú sốc với nhiều phụ huynh, nhưng dường như đó là một kết quả được báo trước, phơi bày khoảng trống lớn dành cho các hoạt động vui chơi, ngoại khóa an toàn, bổ ích và dễ tiếp cận dành cho trẻ em ở đô thị.

Nếu được tự do lựa chọn, khả năng cao nhiều trẻ em thành phố sẽ chỉ chọn ở trong phòng điều hòa và gắn chặt với các thiết bị màn hình, nhưng đó là vì chúng ta chưa cho trẻ đủ những lựa chọn thay thế hấp dẫn khác. Nhiều lần đưa nhóm học sinh THPT – lứa tuổi vốn đã quen với màn hình điện thoại – đi trải nghiệm giữa thiên nhiên, tôi may mắn được chứng kiến và lắng nghe vô số sự “ồ, à” của các em khi được thả mình vào không gian rộng lớn của đất trời, được tiếp xúc, tận mắt quan sát những sinh vật thú vị, phóng tầm mắt lên bầu trời thăm thẳm lấp lánh ánh sao. Các em được giao tiếp với thiên nhiên bằng chính các giác quan của mình, được nghe, chạm, ngửi, thấy. Các em có cơ hội bộc lộ bản thân qua những cuộc trò chuyện sâu sắc với người khác, có những giây phút suy ngẫm một mình – điều mà các em ít khi làm trong nhịp sống hối hả hàng ngày. 

Nhiều nghiên cứu khoa học đã thực hiện đánh giá chất lượng hoạt động mùa hè dựa trên đặc điểm tâm sinh lý ở trẻ. Theo đó, một mùa hè đúng nghĩa cần đáp ứng được một số nhu cầu cơ bản để trẻ phát triển lành mạnh, cả về thể chất, tinh thần và nhận thức. 

Về thể chất, kỳ nghỉ hè là thời gian vàng để phục hồi, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ không lành mạnh nếu thiếu vận động. Các nghiên cứu cho thấy, nhóm trẻ không tham gia các hoạt động thể chất trong kỳ nghỉ bị tăng cân và chỉ số khối cơ thể (BMI) đáng kể. Ngược lại, nhóm tham gia các chương trình hè lại duy trì được vóc dáng và sức khỏe. Vận động không chỉ giúp chống béo phì mà còn giải phóng năng lượng, giúp trẻ ngủ ngon và phát triển hệ cơ xương.

Khoảng trống sân chơi trẻ em nhìn từ cú sốc làng Háo Hức

Trẻ tham gia vui chơi trong công viên một khu đô thị gần Hà Nội (Ảnh: Trường Thịnh).

Về sức khỏe tâm thần, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Giấc ngủ (nhà xuất bản Oxford), một mùa hè bị xáo trộn lịch sinh hoạt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ, từ đó tác động tiêu cực đến cảm xúc và hành vi của trẻ. Hơn thế, trẻ cần được kết nối xã hội thực sự, được vui đùa cùng bạn bè để học các kỹ năng giao tiếp, giải quyết xung đột và xây dựng sự tự tin. Việc dành quá nhiều thời gian với màn hình và mạng xã hội được cho là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe tâm thần, từ việc làm gia tăng các triệu chứng lo âu, trầm cảm đến việc khoét sâu thêm cảm giác cô đơn và sự tự ti đến từ những so sánh xã hội không ngừng trên mạng.

Về rèn luyện trí tuệ và nhận thức, các nghiên cứu cũng chỉ ra hiện tượng “tụt dốc mùa hè”, khi trẻ có thể mất đi một phần kỹ năng đọc và toán do không được rèn luyện. Tuy nhiên, giải pháp không phải là các lớp học thêm nhồi nhét, mà qua những hoạt động kích thích tư duy một cách vui vẻ: đọc cuốn sách yêu thích, khám phá bảo tàng, chơi cờ, hay tham gia một dự án khoa học nhỏ.

Để đáp ứng những nhu cầu chính đáng này, bên cạnh lựa chọn cho con về quê với ông bà, lựa chọn phổ biến nhất hiện nay cho phụ huynh thành thị chủ yếu là các trại hè tư nhân với chi phí đắt đỏ, phổ biến ở mức 5-10 triệu đồng/tuần ở Hà Nội và TPHCM, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội (tính đến 2024) là 6,86 triệu đồng/người/tháng, và ở TPHCM là 6,51 triệu đồng. Mức chi phí này vô hình trung biến một mùa hè bổ ích, an toàn trở thành một dịch vụ chỉ dành cho gia đình có điều kiện, đó là chưa nói đến có những trại hè với chi phí đắt đỏ nhưng chương trình và điều kiện an toàn không tương xứng.

Trong điều kiện ấy, câu hỏi đặt ra là các không gian công cộng và các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em đang ở đâu, thực hiện các chức năng liên quan đến trẻ em vốn đã được quy định trong Luật như thế nào?  

Vấn đề này được nhiều quốc gia trả lời bằng một nguyên tắc đơn giản: biến không gian công cộng thành những người bạn đồng hành của trẻ em và gia đình. Tại Copenhagen (Đan Mạch), mô hình “sân chơi phế liệu” (byggelegepladser) là một ví dụ điển hình. Tại đây, trẻ được cung cấp vật liệu thật như gỗ, búa, đinh và được tự do sáng tạo, xây dựng dưới sự hướng dẫn của các nhà sư phạm được đào tạo bài bản. Họ không tổ chức hoạt động, mà chỉ hỗ trợ, đảm bảo an toàn và khuyến khích sự sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ.

Tại Đức, các chương trình hè Ferienspiele (trò chơi kỳ nghỉ) do chính quyền địa phương tổ chức cực kỳ phổ biến. Với chi phí rất thấp, trẻ em được tham gia vô số hoạt động đa dạng từ thể thao, nghệ thuật, dã ngoại đến các chuyến tham quan, được dẫn dắt bởi các nhân viên xã hội và tình nguyện.

Rộng hơn, hệ thống thư viện công cộng ở Bắc Mỹ và Bắc Âu trở thành trung tâm cộng đồng mỗi khi hè về. Họ tổ chức các cuộc thi đọc sách có thưởng, các workshop STEM (trải nghiệm giáo dục thông qua hoạt động thực tế, khám phá và giải quyết vấn đề gắn với khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), câu lạc bộ lập trình, chiếu phim… tất cả đều miễn phí. Các bảo tàng ở Anh luôn có những gói hoạt động, lộ trình khám phá riêng cho gia đình, biến việc học hỏi trở nên thú vị.

Ở khu vực châu Á, Singapore hay Hàn Quốc cũng là những quốc gia có không gian công cộng tuyệt vời cho trẻ nhỏ vui chơi, khám phá.

Điểm chung của các mô hình này là sự đầu tư có chủ đích của chính quyền, sự công nhận mọi trẻ em đều xứng đáng có một mùa hè vui vẻ, an toàn và bổ ích, bất kể điều kiện kinh tế của gia đình khác nhau.

Quay trở lại Việt Nam, chúng ta cũng có nhiều hoạt động được duy trì, đơn cử như hoạt động sinh hoạt hè với Đoàn thanh niên. Tuy nhiên, với số lượng hàng triệu trẻ em ở lứa tuổi đi học, chúng ta cần tối ưu hóa nguồn lực và tiềm năng của những không gian và thiết chế văn hoá công quan trọng cho trẻ như thư viện, bảo tàng và công viên.

Hãy thử hình dung, chỉ riêng Hà Nội đã có mạng lưới gần 1.100 thư viện và phòng đọc cơ sở. TPHCM cũng có hàng trăm điểm như vậy. Đó là cả “mỏ vàng” về không gian công cộng, nhưng bao nhiêu trong số đó đang thực sự là điểm đến mơ ước của con trẻ mỗi chiều hè, thay vì những căn phòng khóa cửa im lìm?

Cần một cuộc cách mạng để biến những địa điểm đó thành những không gian sáng tạo cộng đồng, nơi người thủ thư không chỉ giữ sách, mà còn là “người điều phối hoạt động, người kết nối tri thức” năng động. Thực tế, thư viện tư nhân Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội), một thư viện dựa phần lớn trên đóng góp của các bạn tình nguyện là thanh niên địa phương, đã làm được điều này và trở thành một hình mẫu đáng học hỏi.

Nhà văn hóa và không gian sinh hoạt cộng đồng ở địa phương là một thiết chế khác đang bị lãng phí. Thay vì bị bỏ trống hoặc cho thuê làm nhà hàng tiệc cưới, cần có quy hoạch quyết liệt, yêu cầu một tỷ lệ thời gian và không gian nhất định dùng cho hoạt động cộng đồng miễn phí, đặc biệt là cho trẻ em.

Cuối cùng, ngay cả các công viên và không gian ngoài trời cũng cần được tái thiết để trở nên sống động hơn, thay vì chỉ là những không gian tĩnh. Các địa phương hoàn toàn có thể tổ chức thư viện lưu động cuối tuần, sân khấu kịch nói ngoài trời, workshop trồng cây, hay mang các trò chơi dân gian đến công viên vào mỗi buổi chiều.

Ngân sách hạn chế có thể là một rào cản, nhưng tiềm năng xã hội hóa và tận dụng nguồn lực từ cộng đồng là vô cùng dồi dào. Lực lượng tình nguyện cho các hoạt động này hoàn toàn có thể huy động từ nhóm sinh viên đang nghỉ hè hay những người cao tuổi đã về hưu, những “kho báu sống” của cộng đồng.

Thử tưởng tượng một nhà văn hóa phường không còn im ắng mà rộn rã tiếng cười. Góc này, các bạn sinh viên tình nguyện đang dạy trẻ làm robot từ vật liệu tái chế; góc kia, các bác hưu trí đang kiên nhẫn chỉ cho lũ trẻ cách chơi ô ăn quan, cách làm một chiếc diều giấy. Đó không chỉ là hoạt động trông trẻ, đó là sự trao truyền văn hoá và nuôi dưỡng lòng thấu cảm liên thế hệ – điều mà không trại hè đắt tiền nào có thể mua được.

Tác giả: Bùi Trà My tốt nghiệp cao học ngành Phê bình sáng tạo tại Goldsmiths, University of London, và Tâm lý học tại University of Glasgow, Anh. Cô hiện là nhà giáo, một cây viết độc lập và là dịch giả của các đầu sách làm cha mẹ như “Cái giá của đặc quyền”, “Nuôi dạy con teen giữa thời đại lo âu”, “Nuôi dạy con trong thời đại số”.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!