Con tôi học giỏi nhưng chọn đại học ngành không ‘hot’

Con tôi học giỏi nhưng chọn đại học ngành không ‘hot’

bởi

trong
Con tôi học giỏi nhưng chọn đại học ngành không ‘hot’

Con tôi học giỏi đều các môn, đủ sức đỗ nhiều trường ‘hot’ như Kinh tế, Sư phạm, Luật, Ngoại thương… nhưng cuối cùng lại chọn ngành Tâm lý học.

Trong nhiều năm đi dạy thỉnh giảng ở các trường đại học, cao đẳng, tôi đã gặp hàng trăm sinh viên – những gương mặt rạng rỡ nhưng không giấu nổi sự hoang mang trong ánh mắt. Có em tâm sự rằng chỉ đăng ký ngành này vì điểm thi vừa đủ, có em chọn trường vì gần nhà, có em học vì bố mẹ muốn vậy… và cũng không ít em, học được một năm, rồi lặng lẽ nghỉ. Không tốt nghiệp. Không chuyển tiếp. Không định hướng rõ ràng. Mà là rẽ ngang đi xuất khẩu lao động, hay ôn thi lại, hoặc đơn giản là… bỏ dở giữa chừng.

Cứ mỗi mùa tuyển sinh, người người nhốn nháo hỏi nhau ngành nào “hot”, trường nào dễ xin việc, điểm chuẩn năm ngoái là bao nhiêu? Nhưng ít ai đặt câu hỏi ngược lại: em muốn làm gì, em giỏi gì, em hạnh phúc khi làm việc trong lĩnh vực nào? Và khi câu hỏi gốc bị bỏ quên, lựa chọn thường chỉ là sự đoán mò dựa vào điểm số, truyền miệng hoặc mong muốn của người lớn.

Ngày 16/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ngay lập tức, không khí trong nhiều gia đình trở nên căng thẳng. Phụ huynh ngồi bàn bạc, học sinh dò điểm, chọn nguyện vọng, cân nhắc trường. Trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, tin nhắn hỏi thăm, nhờ tư vấn ngành học bắt đầu dày đặc. Rất nhiều em hoang mang vì chưa biết học ngành gì. Có em thích nghệ thuật nhưng bố mẹ muốn học kinh tế. Có em muốn làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nhưng phụ huynh chỉ tin vào ngành y, ngành sư phạm. Mâu thuẫn âm ỉ trong chính gia đình, trong tâm trí các em lúc này là điều rất phổ biến.

Nỗi buồn lớn nhất trong nghề giảng dạy của tôi là mỗi học kỳ đều chứng kiến 4-5 sinh viên nghỉ học giữa chừng. Đầu vào một lớp là 30 em, nhưng chỉ sau một năm học, con số còn lại chỉ là 18-20. Mỗi lần điểm danh vắng mặt, nhìn vào những chiếc ghế trống là tôi lại chạnh lòng. Tôi tự hỏi: các em ấy giờ ra sao? Gia đình các em có hiểu chuyện gì đã xảy ra không? Nếu được định hướng tốt hơn từ đầu, liệu có em nào đã không phải rẽ ngang?

Chính vì thế, tôi mong rằng trong thời điểm nhạy cảm này – khi học sinh và phụ huynh đang bắt đầu đăng ký nguyện vọng đại học – hãy thật sáng suốt, thật tỉnh táo. Bởi chọn sai hôm nay, là trả giá bằng cả tuổi trẻ và tài sản mai sau.

Một sinh viên tôi từng dạy theo học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Em rất lễ phép, cần mẫn và có tố chất. Nhưng chỉ sau một năm, em quyết định sang Đài Loan lao động với lý do: “Em muốn kiếm tiền sớm, vì học xong cũng chưa chắc có việc làm ngay”. Tôi không thể trách em. Nhưng tôi buồn cho một ước mơ chưa kịp nảy mầm đã bị nhổ bỏ.

>>

Năm 2024, con gái tôi cũng bước vào ngưỡng cửa đại học. Con học giỏi đều các môn, có thể thi vào nhiều trường “hot” như Kinh tế, Sư phạm, Luật hay Ngoại thương. Nhưng cuối cùng, con lại chọn ngành Tâm lý học – một ngành học không ồn ào, không thuộc “top xu hướng”, nhưng là đam mê cháy bỏng từ lâu. Nếu xét theo mong muốn cá nhân, tôi thích con theo ngành Sư phạm, giống mẹ. Nhưng tôi đã không ép buộc. Tôi chọn đồng hành, lắng nghe, và tôn trọng. Bởi tôi hiểu: nghề nào cũng có giá trị nếu được làm bằng đam mê và nỗ lực.

Ngày con nhập học, tôi tự nhủ: “Con đã đi đúng con đường của mình. Không phải con đường của mẹ, không phải con đường của xã hội, mà là con đường do con chọn. Mẹ mong con sẽ luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề con đã chọn”.

Rất nhiều phụ huynh hiện nay vẫn đặt nặng thương hiệu trường: Đại học A, Đại học B, “phải vào trường lớn thì mới có tương lai”. Nhưng tôi xin được nói thẳng: trường tốt không cứu được một lựa chọn ngành sai. Ngược lại, nếu ngành học phù hợp, sinh viên có đam mê và có định hướng rõ ràng, thì dù học ở trường nào, các em cũng có thể tỏa sáng.

Chọn trường giống như chọn hành trình nhưng chọn ngành là chọn đích đến. Hành trình nào rồi cũng có thể rẽ lối, nhưng nếu chọn sai đích ngay từ đầu, ta sẽ mất cả chặng đường mà không đến nơi mình muốn.

Theo thống kê từ một số trường cao đẳng và đại học, tỷ lệ sinh viên bỏ học sau năm nhất hoặc năm hai hiện nay không hề nhỏ. Có trường mỗi khóa mất tới 20-30% số lượng sinh viên đăng ký ban đầu. Lý do rất đa dạng: không yêu thích ngành học, gặp khó khăn tài chính, hoặc phát hiện ra rằng chương trình học quá nặng nề, không đúng kỳ vọng.

Tôi còn nhớ trường hợp của một sinh viên học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc nhưng lại mơ làm ca sĩ. Sau một năm học, em dừng lại, thi lại vào một trường nghệ thuật. Gia đình em mất hai năm học phí, mất cả chi phí ăn ở, sách vở và tất nhiên, cả một năm tuổi trẻ của con gái họ.

Mỗi sinh viên nghỉ học là mấy chục triệu đồng học phí, chi phí ăn ở, tài liệu, thời gian, công sức… tan theo mây khói. Mà con số này không nhỏ. Ước tính mỗi năm, hàng trăm nghìn sinh viên bỏ học giữa chừng. Nếu mỗi người đã tiêu tốn trung bình 20-30 triệu đồng/năm, tổng thiệt hại là hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể những tổn thất vô hình như niềm tin, cơ hội, động lực sống.

Có thể nói, việc sinh viên chọn nhầm ngành, nhầm trường là hậu quả của cả một chuỗi sai lầm hệ thống từ tư vấn tuyển sinh, đến sự định hướng của phụ huynh, nhà trường phổ thông, rồi cả chính các em.

Tư vấn hướng nghiệp ở bậc phổ thông hiện nay còn sơ sài, mang tính hình thức. Các buổi định hướng thường là những bài thuyết trình chung chung, thiếu cá nhân hóa, thiếu tính trải nghiệm thực tế. Phụ huynh thì thường có tâm lý muốn con theo nghề ổn định, “nhàn hạ”, “có tương lai”, dù chính họ cũng không nắm rõ công việc đó là gì. Trong khi đó, học sinh ở tuổi 18 lại chưa đủ kỹ năng và trải nghiệm để hiểu rõ mình thực sự muốn gì.

>>

Khi một sinh viên nghỉ học giữa chừng, đó không chỉ là thất bại cá nhân. Đó là sự lãng phí nguồn lực xã hội. Nhà trường mất đi một chỉ tiêu đào tạo, lớp học mất đi sự ổn định, giảng viên cảm thấy hụt hẫng. Gia đình thiệt hại về tài chính, tinh thần. Và quan trọng nhất, chính người trẻ ấy mất đi những tháng năm có thể được dùng để phát triển đúng hướng.

Hãy thử hình dung: nếu 100.000 sinh viên bỏ học mỗi năm, với mỗi người đã tiêu tốn trung bình 20-30 triệu đồng/năm, thì tổng thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể tổn thất vô hình như niềm tin, cơ hội và động lực học tập.

Muốn giải bài toán này, không thể chỉ chờ các em học sinh “tự giác tìm hiểu”, chúng ta không thể tiếp tục “đánh cược tương lai” bằng những buổi tư vấn kiểu phong trào. Hướng nghiệp phải được thực hiện nghiêm túc, bài bản, liên tục từ lớp 10 trở đi.

Các buổi gặp gỡ với người trong nghề, các tiết học trải nghiệm, các chuyến đi thực tế… cần được tổ chức nhiều hơn, sâu sát hơn. Các trường trung học phổ thông cần đưa hoạt động hướng nghiệp vào chương trình một cách nghiêm túc. Nên có các tiết học chính thức về nghề nghiệp, các buổi gặp gỡ trực tiếp với cựu sinh viên, người đang làm nghề, hoặc chuyến tham quan trải nghiệm tại doanh nghiệp.

Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp khi tổ chức tuyển sinh cũng cần nói rõ yêu cầu ngành nghề, triển vọng nghề nghiệp, mô tả công việc tương lai thay vì chỉ tô vẽ màu hồng. Phụ huynh cũng cần được “hướng nghiệp” để hiểu con, lắng nghe con thay vì áp đặt. Phụ huynh cần học cách lắng nghe và đồng hành chứ không áp đặt. Và chính học sinh phải tập đặt câu hỏi: em là ai, em hợp với gì, và liệu ngành học này có thực sự dành cho em?

Có nên cổ vũ học nghề, học trung cấp thay vì đại học? Trong một số trường hợp, câu trả lời là “có”. Nếu một học sinh yêu thích thực hành, không hợp môi trường hàn lâm, thì học nghề là một lựa chọn hợp lý. Thậm chí, học trung cấp, học nghề còn có thể đi làm sớm, ổn định sớm và tích lũy kinh nghiệm thực tế, điều mà nhiều cử nhân đại học phải học lại sau khi ra trường. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng cần được cân nhắc kỹ càng. Không phải ai học nghề cũng thành công và không phải ngành nào cũng có thể “tay nghề là đủ”. Quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp.

Học sinh ngày nay có nhiều nguồn tham khảo, nhưng cũng dễ bị nhiễu loạn bởi mạng xã hội, bạn bè, hoặc áp lực thành tích. Trong bối cảnh đó, kỹ năng quan trọng nhất chính là biết lắng nghe bản thân. Nếu em thấy hạnh phúc khi sửa chữa máy móc, có thể em hợp nghề kỹ thuật. Nếu em thích viết, thích đọc, có thể em hợp ngành báo chí, văn học. Đừng chọn ngành vì người khác bảo “ngành này dễ xin việc”. Vì khi không yêu thích công việc, bạn sẽ không làm tốt. Mà làm không tốt thì cơ hội thành công cũng chẳng bao giờ đến.

Chọn ngành, chọn trường không phải chuyện một mùa thi. Đó là bước đi đầu tiên của hành trình nghề nghiệp hàng chục năm sau này. Làm sao để bước đi ấy không chệch hướng, không khiến ta phải quay đầu giữa chừng? Câu trả lời nằm ở việc hiểu rõ bản thân, tìm hiểu kỹ ngành học và được hỗ trợ đúng lúc, đúng cách.

Là một giảng viên thỉnh giảng, tôi không mong gì hơn ngoài việc được giảng dạy cho những sinh viên biết rõ mình đang học vì điều gì. Những ánh mắt sáng long lanh trong lớp học không phải vì môn học dễ hay điểm cao mà là vì các em đang đi đúng đường. Và cũng mong rằng, xã hội sẽ không còn phải chứng kiến những câu chuyện dở dang, những năm tháng bị lãng phí, những túi tiền của cha mẹ bị tiêu tốn cho những lựa chọn vội vàng.

Con đường đại học không phải là đại lộ duy nhất. Nhưng nếu đã đi, hãy đi bằng tất cả nhận thức, bản lĩnh và niềm tin của mình. Tuổi trẻ chỉ có một lần. Xin đừng đánh đổi nó bằng sự mơ hồ.

Vũ Thị Minh Huyền