“Với 2,5 triệu, tôi có thể ăn xoài Việt Nam cả tuần không hết”
“Ở Nhật, 5 kg gạo chất lượng cao từ sản phẩm nghiên cứu của chúng tôi có thể bán với giá 1 triệu đồng. Một quả xoài Miyazaki có giá 2,5 triệu. Với 2,5 triệu, tôi có thể ăn xoài Việt Nam cả tuần không hết.”, TS Đinh Hùng Cường bày tỏ.
Lý giải vì sao một quả xoài Miyazaki ở Nhật có thể được bán với giá hơn 2 triệu đồng, trong khi xoài Việt Nam dù ngon nhưng giá trị lại thấp hơn rất nhiều, TS Cường cho rằng, câu trả lời không chỉ nằm ở thương hiệu.
“Họ kể một câu chuyện cho sản phẩm của họ”, TS Cường nói.

TS Đinh Hùng Cường nêu ý kiến tại tổ thảo luận
ẢNH: TUẤN MINH
Đó là câu chuyện về sự chăm chút tỉ mỉ, từ việc cắt tỉa để mỗi cây chỉ giữ lại vài chục quả tinh túy nhất, cho đến việc bọc từng quả trong túi lưới để thu hoạch đúng thời khắc nó vừa rụng – thời điểm ngon nhất.
Theo anh Cường, sự chênh lệch giá cao như vậy không đơn thuần nằm ở chi phí sản xuất hay marketing, mà nằm ở một thứ vô hình nhưng vô cùng quyền lực: giá trị cảm nhận.
Nông sản Việt Nam từ lâu đã được định vị là một mặt hàng thô, bán theo cân, theo tấn, tập trung vào số lượng. Trong khi đó, các quốc gia như Nhật Bản đã thành công trong việc biến nông sản thành một “tác phẩm”, một sản phẩm cao cấp chứa đựng văn hóa, niềm tin và cả một câu chuyện thương hiệu hấp dẫn.

Các đại biểu tham gia tổ thảo luận tại diễn đàn
ẢNH: TUẤN MINH
Đặc biệt, anh Cường nhấn mạnh về chất lượng nông sản. Bằng một hình ảnh đầy ám ảnh, anh kể về quê hương Phú Thọ của mình: “Ngày xưa, tôi còn thấy con cua con ốc ở ngoài đồng. Bây giờ ra tôi đố các vị nhìn thấy con đỉa ở đấy. Mà “dai như đỉa” nó còn chả sống được thì bảo là những sản phẩm cho cây trồng, cho con người ăn như thế thì làm sao mà nó sẽ đảm bảo được?”.
Theo anh Cường, việc chuyển sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh trở nên vô cùng cấp thiết. Việc tạo ra những sản phẩm an toàn, không chỉ ngon mà còn “lành”, chính là bước đi đầu tiên để xây dựng lại nền móng cho một câu chuyện thương hiệu bền vững.
Không cần nhiều tiền, chúng ta vẫn có thể nghiên cứu được
Để kể được những câu chuyện mới về nông sản Việt – những câu chuyện về sự an toàn, bền vững và đổi mới, theo TS Cường, chúng ta cần những sản phẩm đột phá từ nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, con đường đưa những sản phẩm này từ phòng lab ra thị trường tại Việt Nam còn quá nhiều chông gai. Những rào cản về thủ tục sở hữu trí tuệ, cơ chế tài chính và hệ sinh thái sản xuất đang khiến nhiều ý tưởng tiềm năng bị “mắc kẹt”.
Dựa trên kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn lớn của Nhật, anh Cường đề xuất những giải pháp tháo gỡ rào cản ở Việt Nam. Trong đó, cần phòng thí nghiệm mở (Open Lab).
Thay vì mỗi doanh nghiệp tự đầu tư, Nhà nước có thể xây dựng các phòng thí nghiệm dùng chung tại các sở khoa học – công nghệ, được trang bị máy móc hiện đại. Các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp có thể đến sử dụng và trả phí, giúp giảm gánh nặng đầu tư ban đầu.

Đại biểu thảo luận và nêu những câu hỏi về báo cáo của anh Cường tại diễn đàn
ẢNH: TUẤN MINH
Đặc biệt, cần rút ngắn thời gian cấp bằng sáng chế. Anh Cường nhìn nhận, quy trình cấp bằng kéo dài 3 – 4 năm như hiện tại đang làm lỡ mất cơ hội vàng của sản phẩm. Vì thế, anh đề nghị cần rút ngắn xuống còn 1 năm để doanh nghiệp nhanh chóng có “tấm khiên pháp lý” bảo vệ mình và tự tin cạnh tranh.
Đồng thời, anh Cường cho rằng các nhà sáng tạo không nhất thiết phải xây dựng nhà máy. Họ có thể tập trung vào R&D và marketing, việc sản xuất để cho các nhà máy chuyên gia công đảm nhiệm.
“Tôi có ý tưởng và tôi đã bảo hộ, tôi yên tâm về mặt pháp lý rồi. Tôi gửi ra bên ngoài nhà máy đấy, họ đáp ứng 100%, đóng bao bì cho bạn luôn”, anh nói thêm.