Đây là chia sẻ về ứng dụng AI của TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (Tập đoàn CMC) – “cha đẻ” của bộ gõ Vietkey tại nhóm thảo luận về chủ đề “Ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lao động”.

TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (Tập đoàn CMC) – “cha đẻ” của bộ gõ Vietkey
ẢNH: N.H
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu diễn ra ngày 20.7 tại ĐH VinUni.
Chiến lược làm chủ công nghệ “Make in Việt Nam”
Theo TS Đặng Minh Tuấn, việc làm chủ về công nghệ và sử dụng công nghệ trong đặc thù của Việt Nam để dựa vào thế mạnh đó tạo đột phá cho chính Việt Nam và phục vụ cho người dân, doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt là trong giai đoạn gần đây, thế giới có rất nhiều biến động, việc lệ thuộc vào một bên thứ 3, lệ thuộc vào công nghệ sẽ dẫn đến cả quốc gia bị suy yếu, sụp đổ.
“Cha đẻ” của Vietkey chia sẻ: “Trong 10 năm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC, chúng tôi luôn luôn đặt mục tiêu phải làm chủ công nghệ để không bị phụ thuộc, đơn cử như xây dựng 1 hệ thống có thể hoạt động mà không cần internet, không cần giao diện lập trình ứng dụng (API) của nước ngoài…”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ, TS Đặng Minh Tuấn cho rằng, chúng ta phải làm chủ công nghệ lõi và đi tìm các bài toán đặc thù của Việt Nam mà thế giới chưa quan tâm và chưa có điều kiện nghiên cứu đặc thù của Việt Nam.
“Chúng ta tìm những bài toán đó để giải quyết với phương châm là làm chủ công nghệ?”, TS Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hiện nay thế giới thay đổi nhanh, công nghệ thay đổi còn nhanh hơn, trong vòng vài tháng 1 sản phẩm mới, 1 mô hình mới ra đời, cái sau lại ưu việt hơn cái trước.
“Chúng tôi đã từng nghiên cứu một mô hình nhưng vài tháng sau phải “đập đi” làm lại là việc bình thường. Có những nghiên cứu theo đuổi 10 năm đành phải vứt bỏ để theo kịp xu thế mới, nhưng với tinh thần “Make in Việt Nam”, nếu chúng ta không bắt đầu thì không biết lúc nào có thể làm chủ được công nghệ”, ông Tuấn chia sẻ.
Đại diện Tập đoàn CMC cho biết thêm, việc làm chủ công nghệ có khả năng tối ưu hóa cho từng bài toán cụ thể khác nhau. Hiện Việt Nam còn rất nhiều bài toán chi tiết hàng ngày cần phải giải quyết như: ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, cháy rừng…
Chia sẻ thêm về an toàn dữ liệu, tính đạo đức trong ứng dụng AI, “cha đẻ” của Vietkey lưu ý, nếu chúng ta tải một văn bản để hỏi Chat GPT vô hình trung chúng ta đã gửi tài liệu ra máy chủ nước ngoài, thậm chí trên đường truyền có thể bị lộ lọt thông tin.
“Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi xây dựng hệ thống không cần dùng internet, trong các trường hợp cần bảo vệ dữ liệu ở mức cao. Cạnh đó, chúng tôi áp dụng tất cả các biện pháp kỹ thuật để hạn chế lộ lọt thông tin theo tiêu chuẩn an toàn bảo mật để không bị lộ lọt, mất dữ liệu”, ông Tuấn thông tin.Theo vị chuyên gia, AI chỉ mang tính trợ giúp, quyết định cuối cùng vẫn là con người, về mặt trách nhiệm như thế nào trong luật chưa quy định rõ.
“Hy vọng trong thời gian tới sẽ có văn bản hướng dẫn hành xử của hệ thống AI, sẽ quy trách nhiệm, cũng như bản quyền liên quan đến AI”, ông Tuấn bày tỏ.
Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ AI ở 3 lĩnh vực trọng tâm
Theo PGS Hồ Phạm Minh Nhật, ĐH Texas – Austin (Mỹ), Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ AI ở 3 lĩnh vực trọng tâm.

PGS Hồ Phạm Minh Nhật, ĐH Texas – Austin (Mỹ)
ẢNH: T.H
AI trong y tế giúp giải quyết bài toán quá tải của hệ thống y tế. Thay vì bệnh nhân phải đến bệnh viện, các robot trang bị AI có thể đóng vai trò trung gian, kết nối bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa với bác sĩ. Robot có thể thực hiện các chẩn đoán sơ bộ, sau đó bác sĩ sẽ xem xét và đưa ra tư vấn. Mô hình này chỉ cần các AI “đủ thông minh” chứ không đòi hỏi hạ tầng quá lớn.
AI trong quản lý môi trường, để giám sát và kiểm soát ô nhiễm không khí. Các công ty có thể dùng AI để theo dõi lượng khí thải carbon của mình. Đây được dự báo sẽ là một lĩnh vực phát triển mạnh trong 5 năm tới.
AI trong robot, sự tiến bộ của AI đang mở đường cho việc phát triển robot đa năng có khả năng giúp đỡ con người trong cuộc sống hàng ngày (chăm sóc người già, việc nhà). Việt Nam có thể đi đầu trong lĩnh vực này vì chúng ta có đủ nhân tài và công nghệ cần thiết để bắt đầu.
Một trong những trọng tâm chiến lược của Việt Nam là phát triển AI an toàn và xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn dành riêng cho tiếng Việt. Việc này để bảo vệ dữ liệu người dùng và đảm bảo an ninh quốc gia, tránh việc thông tin nhạy cảm bị rò rỉ khi sử dụng các mô hình của nước ngoài. Để làm được điều này, Việt Nam cần nỗ lực xây dựng kho dữ liệu tiếng Việt chất lượng cao và tự phát triển công nghệ lõi.