Làm thế nào để người tài được tin dùng, được trọng dụng?

Làm thế nào để người tài được tin dùng, được trọng dụng?

bởi

trong

Chiều 20.7, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 6, với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới” đã họp phiên bế mạc.

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Chính sách chiến lược T.Ư; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.

Làm thế nào để người tài được tin dùng, được trọng dụng?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, anh Bùi Quang Huy, anh Nguyễn Tường Lâm và các trí thức trẻ tham dự diễn đàn

ẢNH: TUẤN MINH

Mở rộng không gian cống hiến của người trẻ có tài

Phát biểu bế mạc diễn đàn, anh Nguyễn Tường Lâm cho rằng, việc trọng dụng nhân tài không chỉ là một nhu cầu, mà là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của đất nước. “Không phải chỉ vì chúng ta cần người tài, mà vì đất nước không thể phát triển nếu thiếu nguồn tri thức quý báu này không được trọng dụng”.

Từ đó, anh Nguyễn Tường Lâm đặt ra một vấn đề cốt lõi, đó là làm thế nào để tạo ra một cơ chế hiệu quả để người tài được tin tưởng và phát huy hết năng lực của mình. 

“Vấn đề không chỉ tìm người tài mà còn làm thế nào để người tài được tin dùng, được trọng dụng”, anh Tường Lâm nói.

Làm thế nào để người tài được tin dùng, được trọng dụng?- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu bế mạc diễn đàn

ẢNH: TUẤN MINH

Nói về ý nghĩa của diễn đàn, anh Nguyễn Tường Lâm khẳng định: “Đây không đơn thuần là một hoạt động phong trào, càng không phải là một hội thảo chuyên đề. Chúng tôi hướng tới một hành động chiến lược, hành động để tập hợp trí tuệ Việt Nam, hành động để mở rộng không gian cống hiến của người trẻ có tài và hành động để kết nối một lực lượng hiện tại với khát vọng phát triển đất nước trong tương lai.”

Nhìn lại 2 ngày làm việc sôi nổi, anh Nguyễn Tường Lâm đánh giá cao chất lượng của các phiên thảo luận. Các trí thức trẻ đã vượt ra khỏi giới hạn chuyên môn hẹp để cùng nhau suy nghĩ về những bài toán lớn của đất nước như chuyển đổi xanh, an ninh năng lượng và lương thực, công nghệ tiên tiến, và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Anh Nguyễn Tường Lâm đặc biệt trân trọng tinh thần đối thoại, phản biện và sự chủ động đề xuất những sáng kiến thiết thực.

Làm thế nào để người tài được tin dùng, được trọng dụng?- Ảnh 3.

Các trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu có dịp được gặp gỡ, chung tay hành động vì sự phát triển của đất nước

ẢNH: TUẤN MINH

“Việc đồng hành cùng trí thức trẻ không phải là một phong trào”

Nói về vai trò của T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Tường Lâm cho biết, T.Ư Đoàn sẽ tiếp tục xây dựng một cấu trúc và cơ chế đủ sâu rộng để tiếp nhận và phát huy các đề xuất chính sách, sáng kiến công nghệ từ cộng đồng trí thức trẻ.

Anh Nguyễn Tường Lâm khẳng định, T.Ư Đoàn rất vinh dự và luôn sẵn sàng là cầu nối để truyền tải các ý kiến, các nguyện vọng của các trí thức trẻ người Việt tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, các trường viện, nhằm tháo gỡ các rào cản và tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ hiệu quả.

Làm thế nào để người tài được tin dùng, được trọng dụng?- Ảnh 4.

Ra mắt Ban điều hành Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu nhiệm kỳ 2025 – 2027

ẢNH: TUẤN MINH

Kết thúc bài phát biểu, anh Nguyễn Tường Lâm đã truyền đi một thông điệp rằng, hành trình của diễn đàn như một cuộc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi lớn của dân tộc. 

“Câu trả lời ấy không có sẵn, nhưng nếu chúng ta còn niềm tin, còn kết nối, còn khát vọng phụng sự thì câu trả lời sẽ dần hình thành từ chính những diễn đàn như thế này, từ chính những con người đang ngồi tại đây”, anh Lâm khẳng định.

 Chuyển từ tư duy “xin – cho” sang “đặt hàng và đồng hành”

Tại phiên bế mạc diễn đàn, PGS – TS Đào Việt Hằng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, đã tổng kết các kết quả và kiến nghị chính từ diễn đàn.

Các đề xuất chính của diễn đàn tập trung vào việc cụ thể hóa các chủ trương chính sách, đặc biệt là Nghị quyết 57, thông qua các giải pháp thực tiễn. Những kiến nghị này xoay quanh 4 nhóm chủ đề chính:

Về công nghệ và năng suất lao động: Phát triển các sản phẩm chiến lược, phổ cập AI qua các dự án như “Bình dân học AI” và xây dựng ngân hàng dữ liệu mở. 

Về kinh tế xanh và bền vững: Thúc đẩy các mô hình sản xuất xanh, tài chính xanh và tiêu dùng xanh.

Về thích ứng biến đổi khí hậu: Đề xuất thành lập các quỹ hỗ trợ và nền tảng kết nối dữ liệu giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp. 

Về văn hóa và giáo dục: Xây dựng chiến lược văn hóa số quốc gia và các chương trình giáo dục vì sự phát triển bền vững.

Theo chị Hằng, mô hình hợp tác “5 nhà” (Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nhà đầu tư – Cộng đồng) là nền tảng để triển khai hiệu quả các dự án. Mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi từ tư duy “xin-cho” sang “đặt hàng và đồng hành”, tạo ra một môi trường để trí thức trẻ trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và giải quyết các vấn đề của đất nước.