U.23 Việt Nam mài sắc vũ khí bóng bổng
Chiến thắng 3-0 trước U.23 Lào trong ngày ra quân giúp U.23 Việt Nam đạt được ba mục tiêu quan trọng: chiếm ngôi đầu bảng, bảo toàn lực lượng, đồng thời khởi động nhẹ nhàng, trong bối cảnh chưa cần bung hết sức.
Có thể tin U.23 Việt Nam còn giữ nhiều mảng miếng cho các trận tới, bởi suy cho cùng, U.23 Đông Nam Á là hành trình dài hơi. Mục tiêu của thầy trò HLV Kim Sang-sik là giành ngôi đầu bảng, tương đương vé trực tiếp vào bán kết. Khi vượt qua vòng bảng rồi, cuộc chiến mới thực sự bắt đầu.

U.23 Việt Nam (áo trắng) chưa bung hết sức
ẢNH: ĐỒNG NGUYÊN KHANG
Dù U.23 Việt Nam chưa thể hiện hết “bài vở”, nhưng vẫn có những ý tưởng chơi bóng đã nhen nhóm thành hình trong cách vận hành của học trò thầy Kim. Trong đó, dễ thấy nhất là các tình huống bóng bổng.
2 trong 3 bàn thắng của U.23 Việt Nam vào lưới U.23 Lào xuất phát từ bóng bổng. Ở pha nâng tỷ số lên 2-0, Nguyễn Đình Bắc đá phạt góc vừa tầm để Nguyễn Hiểu Minh cắt mặt đánh đầu ghi bàn. Trong khi đó ở bàn thắng thứ ba, quả phạt góc của Khuất Văn Khang tạo ra tình huống lộn xộn, nơi các nhân tố cao to của U.23 Việt Nam làm chủ không gian trên cao, khiến đối thủ không thể phá bóng. Hiểu Minh đã nhanh chân tận dụng cơ hội để sút tung nóc lưới ấn định chiến thắng 3-0.
Tất nhiên, hàng thủ “thấp bé nhẹ cân” của U.23 Lào chưa phải thuốc thử cho năng lực không chiến của U.23 Việt Nam. Song, rõ ràng ưu thế chiều cao sẽ là mũi tên tiên phong, mở đường cho học trò HLV Kim Sang-sik tìm mành lưới của bất cứ đối thủ nào, bởi U.23 Việt Nam có đủ điều kiện để biến bóng bổng thành vũ khí.
Trước tiên, trong tay thầy Kim là đội hình có chiều cao tốt bậc nhất lịch sử U.23 Việt Nam, với 8 cầu thủ cao 1,8 m trở lên: thủ môn Trần Trung Kiên (1,91 m), Nguyễn Tân (1,8 m), Cao Văn Bình (1,83 m), các trung vệ Lê Văn Hà (1,84 m), Phạm Lý Đức (1,82 m), Nguyễn Hiểu Minh (1,84 m), cùng các tiền vệ Nguyễn Văn Trường (1,82 m), Viktor Lê (1,8 m).
Hiểu Minh đã tận dụng chiều cao 1,84 m cùng sức bật cực tốt để ghi bàn. Không chỉ trung vệ của PVF-CAND, mà Lý Đức (1,82 m) cũng rất mạnh trong các pha tấn công nhờ bật nhảy dũng mãnh và chọn vị trí hay. Chưa kể, Văn Trường, Đình Bắc và Quốc Việt cũng chịu khó băng cắt tìm thời cơ ở những quả tạt.

Lý Đức (số 3) và Hiểu Minh (số 4) là những trung vệ cao trên 1,8 m của U.23 Việt Nam
ẢNH: ĐỒNG NGUYÊN KHANG
Đồng thời, U.23 Việt Nam có những chân tạt bóng và đá phạt cố định cực “dẻo”. Trong đó, không thể bỏ qua thủ quân Văn Khang, người có những quả tạt chân trái với điểm rơi tốt, được giao nhiệm vụ đá phạt góc và phạt trực tiếp. Đình Bắc, Văn Trường, Thái Sơn, Phi Hoàng cũng tạt bóng ở mức ổn định. Chân tạt tốt kết hợp không chiến giỏi sẽ tạo nên công thức hoàn hảo để U.23 Việt Nam “không kích” đối thủ.
Áp đảo U.23 Campuchia?
So với U.23 Lào, đối thủ U.23 Campuchia (chạm trán U.23 Việt Nam lúc 20 giờ ngày 22.7) có chiều cao tương đồng. Đội bóng xứ chùa tháp chuộng những cầu thủ có thể hình khiêm tốn nhưng khéo léo và tốc độ.
U.23 Campuchia có thể triển khai bóng bài bản, ban bật có đường nét hơn U.23 Lào. Tuy nhiên, điểm yếu bóng bổng hai đội là như nhau. Nếu rơi vào thế bế tắc, U.23 Việt Nam đủ sức dùng ưu thế bóng bổng để khuynh đảo cầu môn đối thủ.
Trong các buổi tập, bên cạnh bài tập kiểm soát bóng và triển khai tấn công xuyên tuyến chiếm gam màu chủ đạo, HLV Kim Sang-sik cũng tập cho học trò nhiều mảng miếng cố định. Các pha dàn xếp phạt góc của U.23 Việt Nam lúc này đã có ý đồ rõ ràng: ai đứng cột gần, ai chạy cột xa, ai đóng vai trò “chim mồi” để khóa trung vệ đối thủ, ai sẽ chạy tự do để tìm khoảng trống… thay vì “chạy loạn” như trước đây.
Nhưng, mài giũa thế nào để bóng bổng thực sự trở thành quân bài chủ lực lại là bài toán không dễ giải với U.23 Việt Nam. Mỗi đối thủ mang một kiểu chơi dị biệt, buộc Văn Khang cùng đồng đội phải điều chỉnh để thích nghi. Trận gặp U.23 Campuchia sẽ mang tới cho học trò ông Kim thêm bài học và “mẫu” để phân tích, nhằm hoàn thiện lối chơi cho chặng đường chinh phục.