Dấu hiệu sớm cảnh báo đục thủy tinh thể

Dấu hiệu sớm cảnh báo đục thủy tinh thể

bởi

trong

Nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng và khó nhìn vào ban đêm có thể là những dấu hiệu sớm của đục thủy tinh thể.

Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể, phần trong suốt của mắt đảm nhiệm chức năng hội tụ ánh sáng vào võng mạc bị suy giảm độ trong suốt. Tình trạng này có thể xảy ra do lão hóa hoặc các yếu tố như bệnh lý, chấn thương khiến cho protein trong thủy tinh thể bị biến đổi và tích tụ, tạo thành các vùng đục, cản trở đường đi của ánh sáng đến võng mạc.

ThS.BS Lê Thanh Huyền, Trung tâm mắt Công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết người trên 40 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, sử dụng các thuốc có thành phần chứa corticoid, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc lâu dài với tia UV nên khám mắt thường xuyên hơn vì có nguy cơ đục thể thủy tinh. Người có những triệu chứng dưới đây nên đi khám sớm.

Thị lực giảm

Dấu hiệu đục thủy tinh thể đầu tiên dễ nhận thấy là nhìn mờ dần hoặc có cảm giác như nhìn qua một lớp kính bẩn. Ban đầu, mờ mắt có thể xuất hiện và mất đi theo từng đợt, nhất là vào buổi sáng hoặc khi mệt mỏi, sau đó thị lực sẽ ngày càng giảm dần.

Nhận diện màu sắc kém

Khi đục thủy tinh thể phát triển, khả năng nhìn màu sắc của mắt trở nên kém hơn hoặc xu hướng ngả vàng. Điều này là do thủy tinh thể đục dần, có màu vàng hoặc nâu nhạt, ảnh hưởng đến khả năng nhận biết màu sắc. Người bệnh thường thấy các vật màu trắng có sắc vàng nhạt, khó phân biệt các màu xanh dương và tím. Quá trình này diễn ra từ từ đến mức nhiều người chỉ nhận ra sự khác biệt về màu sắc sau khi được phẫu thuật thay thủy tinh thể.

Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng

Người bị thường cảm thấy nhạy cảm hơn với ánh sáng chói và lóa. Ánh nắng phản chiếu từ xe hơi, đèn đường và đèn pha đối diện có thể gây chói mắt khó chịu hoặc tạo quầng sáng và vệt sáng xung quanh. Tình trạng này đặc biệt khó chịu khi lái xe, nhất là vào ban đêm hoặc dưới nắng gắt.





Dấu hiệu sớm cảnh báo đục thủy tinh thể

Kiểm tra tình trạng đục thủy tinh thể. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Khó nhìn trong đêm

Khi bệnh tiến triển, khả năng nhìn trong điều kiện thiếu sáng ngày càng kém đi. Người bệnh thường nhận thấy cần nhiều ánh sáng hơn trước để đọc sách và có thể gặp khó khăn khi lái xe ban đêm do độ chói từ đèn pha đối diện tăng lên.

Thay đổi độ khúc xạ thường xuyên

Theo bác sĩ Huyền, thị lực thay đổi dần theo tuổi là bình thường, nhưng đục thủy tinh thể có thể gây ra những thay đổi nhanh và thường xuyên hơn. Người bệnh có thể phải thay kính mới sau vài tháng, thay vì một hoặc hai năm một lần. Một số trường hợp có thể tạm thời nhìn rõ hơn ở cự ly gần mà không cần kính, nhưng đây thường là dấu hiệu của đục thủy tinh thể đang tiến triển chứ không phải thị lực thực sự cải thiện.

Song thị

Một triệu chứng đặc trưng của đục thủy tinh thể là nhìn một vật thành hai hoặc nhiều hình ở một mắt, ngay cả khi nhắm mắt còn lại. Nguyên nhân là do vùng đục trên thủy tinh thể khiến ánh sáng bị tán xạ, tạo ra nhiều hình ảnh thay vì một ảnh rõ nét. Triệu chứng này có thể gây mất phương hướng và ảnh hưởng đến khả năng nhận biết độ sâu và thăng bằng, khiến các hoạt động như lái xe hoặc lên cầu thang nguy hiểm hơn.

Bác sĩ Huyền khuyến nghị người bệnh nên đi sớm khi có bất kỳ thay đổi nào về thị lực. Phát hiện và can thiệp kịp thời không chỉ giúp bảo vệ thị lực mà còn giảm các biến chứng có thể xảy ra như tăng nhãn áp.

Khuê Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nhãn khoa để bác sĩ giải đáp