Cô gái ở TPHCM mất 5,5 triệu trong tích tắc khi đặt phòng qua fanpage

Cô gái ở TPHCM mất 5,5 triệu trong tích tắc khi đặt phòng qua fanpage

bởi

trong

Đặt niềm tin vào fanpage “tick xanh” 

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị N.N. cho biết thấy trên TikTok có nhiều người giới thiệu về “The Clay Resort”, chị đã truy cập vào Facebook để tìm hiểu thêm.

Khi thấy fanpage cùng tên, có “tick xanh” (xác nhận chính chủ), tương tác nhiều, chị tin tưởng đây là trang chính thức của resort nên mới nhắn tin hỏi đặt phòng.

Cô gái ở TPHCM mất 5,5 triệu trong tích tắc khi đặt phòng qua fanpage

Fanpage có “tick xanh” nhiệt tình tư vấn cho chị N.N. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chị N.N. kể, khi chị liên hệ, phía fanpage tư vấn rất nhiệt tình, chủ động nhận hỗ trợ mọi yêu cầu. Sau khi thống nhất, họ đề nghị chị chuyển khoản trước 50% chi phí để giữ chỗ – tương đương 5,5 triệu đồng cho hai đêm lưu trú.

Tin tưởng vào sự chuyên nghiệp ban đầu, chị N.N. đồng ý chuyển khoản. Thế nhưng, sau khi thanh toán, chị bắt đầu cảm thấy bất thường. 

“Họ nhắn bảo tôi đã chuyển khoản sai mã đặt phòng và yêu cầu chuyển thêm một lần nữa để xác nhận. Họ gửi tôi một tài khoản Facebook mới, bảo liên hệ kế toán trưởng để nhận lại tiền đã chuyển nhầm, nhưng tôi nhắn thế nào cũng không ai trả lời”, chị kể lại.

Khi chị N.N. nhắn tin tiếp để hỏi thêm về quy định mang thú cưng, thông tin nhận phòng, fanpage này không còn phản hồi như trước. Nghi ngờ, chị tra cứu số điện thoại của nơi này trên Google Maps thì phát hiện khác hoàn toàn so với số đã liên hệ trước đó.

“Tôi nhắn lại hỏi thì bị chặn ngay. Lúc đó tôi mới hiểu là mình bị lừa”, chị bộc bạch.

Cô gái ở TPHCM mất 5,5 triệu trong tích tắc khi đặt phòng qua fanpage - 2

Nhiều người cũng có bài viết trên mạng xã hội, cảnh báo về các hình thức lừa đảo này (Ảnh: Chụp màn hình).

Sau khi bị chiếm đoạt tiền, chị N.N. lập tức nhắn tin cảnh báo cho fanpage chính thức của resort – nơi có dấu “tick xanh” thật và số điện thoại trùng khớp với thông tin trên Google – đồng thời báo cáo fanpage giả mạo với nền tảng Facebook.

“Khi so sánh hai fanpage, tôi mới thấy fanpage giả mạo đã sao chép toàn bộ bài đăng từ trang chính, nhưng trễ khoảng 30 phút đến vài tiếng. Họ sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ, thậm chí cả nội dung bình luận giống nhau, rất khó phân biệt nếu không để ý kỹ”, chị N.N. cho biết.

Điều khiến chị tiếc nuối nhất không chỉ là số tiền bị mất, mà còn là kế hoạch nghỉ dưỡng gia đình bị đảo lộn. Khi biết mình bị lừa, chị gần như không còn tâm trạng để chuẩn bị chuyến đi nữa. Việc tìm chỗ ở mới cũng trở nên rất khó khăn vì luôn trong tâm lý sợ bị lừa thêm lần nữa.

Cái bẫy mang tên “đặt phòng online” mùa du lịch

Không chỉ riêng trường hợp của chị N.N., thời gian qua, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều phản ánh từ người dùng về việc bị lừa khi đặt phòng khách sạn, resort qua các fanpage giả mạo.

Cô gái ở TPHCM mất 5,5 triệu trong tích tắc khi đặt phòng qua fanpage - 3

Nhiều đơn vị lưu trú có tiếng bị mạo danh (Ảnh: Chụp màn hình).

Nhiều nạn nhân cho biết họ cũng bị thuyết phục tin tưởng bởi giao diện chuyên nghiệp, lượng tương tác lớn và dấu “tick xanh” trên các trang này. Sau khi chuyển khoản giữ chỗ, phía đơn vị lưu trú giả lập tức mất liên lạc hoặc tiếp tục giở chiêu trò yêu cầu chuyển thêm tiền với lý do sai mã đặt phòng, nhầm thông tin.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tình trạng fanpage giả mạo cơ sở lưu trú đang trở thành một hình thức lừa đảo phổ biến, đặc biệt vào mùa du lịch cao điểm. Các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khiến nhiều người dễ rơi vào bẫy nếu không cảnh giác.

Những fanpage này thường nhắm đến các homestay, resort nổi tiếng đang gây sốt và làm giả từ tên gọi, hình ảnh, thậm chí cả giọng điệu tư vấn.

Chỉ cần gõ tên một homestay, resort đẹp ở Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang hay Phú Quốc, người dùng có thể thấy hàng loạt fanpage trùng tên hoặc tương tự, với hình ảnh y như nhau.

Nhiều trang trong số đó là fanpage giả, hoạt động theo mô hình lừa đảo có tổ chức: Chạy quảng cáo tiếp cận khách, sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân để nhận cọc, rồi sau đó… biến mất.

Với du khách, cái giá phải trả không chỉ là vài trăm nghìn đồng hay vài triệu đồng tiền cọc. Có người đặt phòng cả nhóm, khi tới nơi không có chỗ, vừa bối rối vừa tức giận. Một số du khách lỡ chuyến đi, phải tìm phòng gấp giữa lúc cao điểm giá tăng, chất lượng không đảm bảo.

Trước tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực du lịch ngày càng gia tăng, từ tháng 2, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có văn bản gửi tới các sở quản lý du lịch địa phương cũng như đưa ra lời khuyến cáo cho người dân.

Cụ thể, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin của các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nói chung và cơ sở lưu trú du lịch nói riêng trước khi đặt dịch vụ.

Khi thực hiện giao dịch thanh toán, người dân chỉ nên đặt dịch vụ tại các website, fanpage chính thức của đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch do cơ quan quản lý du lịch địa phương cung cấp hoặc qua các nền tảng đặt dịch vụ có uy tín. 

Đồng thời, Cục cũng yêu cầu sở ban ngành của các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

“Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách hàng là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ lừa đảo trong lĩnh vực du lịch.

Những biện pháp này không chỉ bảo vệ quyền lợi du khách mà còn góp phần nâng cao uy tín ngành du lịch Việt Nam trong mắt du khách trong và ngoài nước”, một phần nội dung trong công văn của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nêu rõ.

Ngày 6/7, Bộ Công an cảnh báo về thủ đoạn mạo danh các doanh nghiệp lữ hành, khu du lịch, nghỉ dưỡng… đăng tải thông tin nhận đặt tour, đặt phòng khách sạn nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Theo cơ quan chức năng, các đối tượng lừa đảo thuê dịch vụ cấp “tick xanh” Facebook hoặc mua lại các tài khoản Facebook có “tick xanh” từ trước, đổi tên thành khu du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc các doanh nghiệp lữ hành có uy tín.

Từ đó, chúng tạo sự tin cậy cho người dân, chạy quảng cáo và đăng tải thông tin nhận đặt vé máy bay, phòng khách sạn…

Trước tình trạng trên, Bộ Công an cảnh báo người dân cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin của các tài khoản mạng xã hội rao bán hoặc quảng cáo về các combo du lịch, phòng nghỉ khách sạn, khu nghỉ dưỡng…; kiểm tra thông tin đăng tải từ nhiều nguồn khác nhau: Facebook, TikTok, website chính thống của doanh nghiệp, cơ sở lưu trú…

Trước khi đặt phòng, người dân cần kiểm tra tính minh bạch của các tài khoản mạng xã hội; hầu hết các tài khoản giả mạo đều mới được thành lập hoặc mới được đổi tên và đăng bài quảng cáo trong thời gian ngắn.