Đói nghèo và bệnh tật bủa vây
Một buổi chiều hè oi ả giữa tháng 7, chúng tôi tìm đến xóm Duộng Rềnh, xã Quyết Thắng, tỉnh Phú Thọ. Ở cuối con đường dẫn qua nhà văn hóa xã hiện ra 2 căn nhà cấp 4 cũ nát, ẩm thấp. Nơi ấy, vợ chồng anh Bùi Văn Hiện (SN 1986) và người anh trai Bùi Văn Hoàng (SN 1982) đang sống chật vật sau những biến cố dồn dập của gia đình.
Trong căn nhà trống hoác, anh Hiện với dáng người nhỏ thó, khuôn mặt khắc khổ, nước da sạm nắng ngồi chia sẻ với chúng tôi: “Ngày trước, bố mẹ em quá khó khăn nên cả 2 anh em đều không được đi học nên mù chữ cả”.
Không còn cha mẹ, vợ chồng anh Hiện cưu mang, chăm sóc anh trai tâm thần bất ổn sau tai nạn (Video: Gia Khoa).
Cũng do nhận thức hạn chế, hai anh em là lao động tự do, ai thuê gì làm nấy. Trước đây, anh Hoàng từng theo bạn bè lên Sơn La khai hoang, nhưng được vài năm lại trở về quê xin đi làm phụ hồ.
Anh Hiện kể: “Anh Hoàng từng nói với mọi người, trong thời gian làm trên Sơn La đã lấy vợ và sinh được 1 cô con gái. Tuy nhiên, cuộc sống vùng cao quá khó khăn, anh đành quay về quê phụ hồ với ước mong dành dụm được ít tiền sẽ đón vợ con về đoàn tụ”.

Anh Bùi Văn Hoàng trước ngôi nhà cũ nát, xuống cấp trầm trọng cha mẹ để lại (Ảnh: Xuân Quang).
Thế nhưng, cuối năm 2020, tai nạn ngã giàn giáo trong lúc đang làm việc khiến anh Hoàng bị chấn thương nặng, ước mơ đoàn tụ cũng vụt tắt từ đó.
Theo anh Hiện, hôm ấy trời mưa, giáo tre trơn, anh Hoàng trượt chân ngã từ tầng 2 xuống đất rồi ngất lịm. May mắn người dân kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu, anh Hoàng giữ được mạng sống sau gần 2 tuần điều trị. Tuy nhiên, di chứng sau tai nạn khiến anh Hoàng lúc tỉnh lúc mê, thỉnh thoảng lại gọi tên ai đó trong vô thức.
Chi phí điều trị cứu mạng sống cho anh Hoàng quá lớn, cả gia đình phải chạy vạy vay mượn khắp nơi.

Sau tai nạn, anh Hoàng đập bỏ giường, dựng một cái lán cao hơn 2m để ở (Ảnh: Xuân Quang).
Anh Hiện cho biết thêm, do không có điều kiện chữa trị tiếp nên anh Hoàng ngày càng có nhiều biểu hiện bất ổn, thường xuyên la hét, đập phá.
“Không biết có phải do quen công việc leo trèo trước đây hay không mà sau tai nạn, anh Hoàng đập bỏ giường rồi dựng cái lán cao hơn 2m trong nhà bằng tre và gỗ nhặt nhạnh được. Mỗi lần anh lên xuống rất nguy hiểm. Khi còn sống, bố mẹ em nhiều lần khuyên can, nhưng anh Hoàng không nghe”, anh Hiện kể.

Gia đình anh Bùi Văn Hiện và chị Bùi Thị Vượt luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xóm Duộng Rềnh (Ảnh: Xuân Quang).
Hai đám tang liên tiếp và nỗi lo của người ở lại
Chia sẻ về bản thân, anh Hiện cho biết, anh và chị Bùi Thị Vượt (SN 1990) kết hôn năm 2015. Do nhà bố mẹ chật chội nên vợ chồng anh xin dựng cái lán tạm bên cạnh để ở riêng. Sau này, bà con trong xóm thương tình đã giúp đỡ xây thành căn nhà cấp 4.
Chị Vượt hiền lành nhưng chậm chạp, nhận thức hạn chế. Hàng ngày, chị chỉ biết làm đồng, quanh quẩn bên con trâu, thửa ruộng.
Gia cảnh vốn đã khó khăn, vợ chồng anh Hiện lại nặng gánh chăm lo cho anh Hoàng cùng khoản nợ lớn sau tai nạn. Trong khi đó, bố mẹ anh Hiện đã già yếu, thường xuyên đau ốm nên cuộc sống càng thêm cơ cực.
Đầu năm nay, trong một lần đi khám vì những cơn ho kéo dài kèm tức ngực, bà Bùi Thị Nhỉnh (SN 1958, mẹ anh Hiện) được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Bác sĩ khuyên bà cần nhập viện điều trị ngay thì mới có cơ hội kéo dài sự sống.
Thế nhưng, chi phí điều trị lớn nên bà Nhỉnh đành xin về, cầm cự bằng những bát thuốc nấu từ lá rừng. Bà không muốn vì mình mà vợ chồng anh Hiện lâm vào cảnh khốn cùng, khi khoản vay chữa bệnh cho anh Hoàng suốt mấy năm qua vẫn chưa trả nổi.

Anh Hiện trong gian bếp chắp vá từ mấy tấm phên nứa và gỗ tạp (Ảnh: Xuân Quang).
Trong khi cả nhà đang dồn lực chăm sóc bà Nhỉnh và anh Hoàng thì tai họa lại ập đến. Tháng 2 năm nay, ông Bùi Văn Cường (SN 1962, bố anh Hiện) đột ngột qua đời. Chưa kịp nguôi ngoai nỗi mất mát thì đến tháng 5, bà Nhỉnh cũng trút hơi thở cuối cùng.
Hai đám tang chỉ trong chưa đầy 3 tháng khiến anh Hiện như rơi xuống vực thẳm. Nỗi đau mất cha mẹ và cả gánh nặng nợ nần đè nén tâm can người đàn ông khốn khổ.
Mong có thể tìm được vợ con của anh trai
Mấy tháng nay, trong căn nhà trống trải, lạnh lẽo bố mẹ để lại, anh Hoàng sống lặng lẽ như cái bóng. Lúc tỉnh, ai thuê gì anh cũng làm, nhưng khi lên cơn thì lại đi lang thang khắp làng trên xóm dưới.
Còn anh Hiện, sau khi lo tang lễ cho bố mẹ, anh lại khăn gói xuống Hà Nội làm thuê với hy vọng kiếm tiền trả nợ. Nhưng sức yếu, công việc hôm có hôm không nên thu nhập bấp bênh.
Điều khiến anh Hiện đau đáu nhất là, từ khi anh Hoàng phát bệnh, không ai biết tin tức hay địa chỉ của vợ con anh ở Sơn La để báo tin. Anh vẫn mong một ngày nào đó có thể tìm lại được vợ con của anh trai mình.

Chị Bùi Thị Tình (áo hồng), Trưởng xóm Duộng Rềnh cho biết, bà con lối xóm luôn quan tâm đến gia đình anh Hoàng và Hiện (Ảnh: Xuân Quang).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Bùi Thị Tình, Trưởng xóm Duộng Rềnh cho biết, gia đình anh Hiện là hộ nghèo đặc biệt khó khăn ở địa phương. Mặc dù chính quyền, bà con lối xóm luôn quan tâm và hỗ trợ, nhưng do nguồn lực có hạn nên cuộc sống của gia đình anh vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu.
“Hiện nay, 2 anh em Hoàng và Hiện rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tương lai mịt mù vì đói nghèo, bệnh tật. Qua báo Dân trí, tôi tha thiết mong bạn đọc và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ, để gia đình các anh vượt qua giai đoạn khốn khó này”, chị Tình bày tỏ.