
Chuyên gia khuyến cáo nam giới khi gặp vấn đề rối loạn cương dương cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị – Ảnh: BVCC
Rối loạn cương dương là gì?
Theo bác sĩ Trần Thị Thu Hà, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, rối loạn cương dương được định nghĩa là tình trạng không thể đạt được hoặc duy trì sự cương cứng đủ để thực hiện một cuộc giao hợp thỏa mãn.
Đây là rối loạn phổ biến, có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ thanh niên đến người cao tuổi. Trong đó tỉ lệ mắc rối loạn cương dương ở nam giới dưới 50 tuổi dao động từ 9,1 đến gần 50%, và có thể lên tới hơn 90% ở nhóm trên 70 tuổi.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn cương dương có thể khá rõ ràng nếu người bệnh chú ý. Nhiều trường hợp vẫn còn ham muốn tình dục nhưng dương vật không đủ cứng để thực hiện giao hợp. Có khi dương vật chỉ cương trong thời gian rất ngắn rồi mềm lại giữa chừng, khiến cuộc giao hợp không thể hoàn tất.
Một số người lại gặp hiện tượng cương không đúng lúc, như không thể cương khi quan hệ nhưng lại cương vào ban đêm hoặc lúc không có kích thích tình dục. Những biểu hiện này, nếu kéo dài từ vài tuần trở lên, là tín hiệu rõ ràng để tìm đến sự hỗ trợ chuyên môn.
Sử dụng thuốc nào gây rối loạn cương dương?
Bác sĩ Hà nêu rõ có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, trong đó yếu tố tâm lý đóng vai trò rất quan trọng. Những căng thẳng trong cuộc sống, mối quan hệ bất ổn, lo âu, trầm cảm hay sự mất tự tin đều có thể ảnh hưởng đến khả năng cương cứng của nam giới.
Tình trạng stress kéo dài khiến cơ thể tiết ra các hormone ức chế sự phóng thích nitric oxide – chất cần thiết để làm giãn nở mạch máu, từ đó dẫn đến giảm lưu lượng máu đến dương vật và gây cản trở quá trình cương cứng.
Bên cạnh đó, các bệnh lý liên quan đến thần kinh như đột quỵ, tổn thương tủy sống, viêm não, bệnh Alzheimer hoặc biến chứng thần kinh do tiểu đường cũng có thể làm gián đoạn quá trình dẫn truyền tín hiệu từ não đến dương vật. Những gián đoạn này khiến việc cương cứng trở nên khó khăn hoặc không thể duy trì.
Một nguyên nhân khác thường gặp là các vấn đề liên quan đến hệ thống mạch máu. Các bệnh lý như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, tổn thương mạch máu vùng chậu, hay những bất thường như bệnh Peyronie đều có thể khiến lượng máu đến dương vật bị suy giảm, gây cản trở chức năng cương.
Ngoài ra yếu tố nội tiết cũng đóng vai trò quan trọng. Nam giới có nồng độ testosterone thấp, rối loạn tuyến giáp, hội chứng chuyển hóa hoặc các bệnh lý liên quan đến tuyến yên, tuyến thượng thận cũng có nguy cơ cao gặp phải rối loạn cương dương. Những rối loạn này làm suy giảm ham muốn, ảnh hưởng đến cả tâm lý lẫn chức năng sinh lý.
Một điểm đáng lưu ý là rối loạn cương dương có thể là hậu quả của việc sử dụng một số loại thuốc. Đây là nguyên nhân thường bị bỏ qua hoặc không được chú ý đúng mức.
Các nhóm thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp (đặc biệt là beta-blockers và thuốc lợi tiểu), thuốc chống trầm cảm (như nhóm SSRI), thuốc an thần, thuốc chống loạn thần và thuốc kháng androgen có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương hoặc ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, làm giảm ham muốn tình dục hoặc cản trở cơ chế cương cứng.
Ngoài ra việc lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích cũng làm tổn hại hệ thần kinh và mạch máu, khiến tình trạng rối loạn cương dương trở nên trầm trọng hơn.
Điều trị đúng, hiệu quả cao
Bác sĩ Hà cũng cho hay việc điều trị rối loạn cương dương nên bắt đầu bằng can thiệp giáo dục và tư vấn. Người bệnh cần hiểu rõ cơ chế hoạt động tình dục, vai trò của tâm lý, nội tiết, mạch máu và thần kinh để từ đó có thái độ hợp tác điều trị đúng đắn.
Nhiều trường hợp chỉ cần thay đổi lối sống, giảm stress, tăng cường vận động thể chất, cải thiện chất lượng giấc ngủ, bỏ rượu bia và thuốc lá là đã thấy rõ sự cải thiện.
Khi rối loạn cương dương có liên quan đến rối loạn nội tiết, liệu pháp testosterone có thể được cân nhắc nếu người bệnh có nồng độ hormone này thấp. Việc bổ sung testosterone cần được thực hiện dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa nội tiết, bởi nếu lạm dụng có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.
Trong những trường hợp nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa, biện pháp cuối cùng có thể là phẫu thuật cấy ghép dương vật giả.