
Như Thanh Niên đã thông tin, kết thúc 2 ngày làm việc, hơn 200 đại biểu đưa ra 4 nhóm kiến nghị: Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và cơ chế pháp lý để khuyến khích đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cho trí tuệ nhân tạo (AI), và nghiên cứu thành lập quỹ khởi nghiệp hỗ trợ trí thức trẻ. Thứ hai, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, hình thành các cụm công nghệ liên ngành và mô hình liên kết viện – trường – doanh nghiệp. Thứ ba, tập trung phổ cập đào tạo về AI, phát triển kinh tế xanh, tài chính xanh và xây dựng chiến lược văn hóa quốc gia gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Cuối cùng, đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn khoa học trẻ tham gia hoạch định chính sách và triển khai các chương trình học bổng, trao đổi nghiên cứu sinh để củng cố mạng lưới.
Tuy 4 nhóm kiến nghị trên bao trùm nhiều vấn đề khác nhau, nhưng tổng hợp lại chính là một hệ sinh thái đảm bảo nguồn nhân lực, điều kiện nghiên cứu khoa học – công nghệ và ứng dụng thành công trong thực tế để tạo ra giá trị, giúp đất nước phát triển. Câu trả lời sau cùng cho cả hệ sinh thái chính là kết quả phát triển thực tiễn các nghiên cứu khoa học – công nghệ.
Và chìa khóa then chốt để xây dựng một hệ sinh thái như vậy thì không gì khác ngoài cơ chế. Đây là điều mà thực tế đã được chứng minh từ những nước phát triển mạnh mẽ nhờ khoa học – công nghệ.
Từ cuối năm 2024, chúng ta đã có Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây có thể xem là một nền tảng cơ chế quan trọng để thúc đẩy khoa học – công nghệ phát triển. Từ nền tảng này, cần xem xét mở rộng các chính sách cởi mở hơn nữa để thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ đi vào thực tế, thương mại hóa hiệu quả.
Trong đó, cơ chế vốn – tài chính là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy mô hình liên kết viện – trường – doanh nghiệp. Bởi nguồn lực tài chính đóng vai trò sống còn trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu là thành quả của mô hình liên kết vừa nêu. Để thương mại hóa một sản phẩm thì cần có nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó, các dự án phát triển sản phẩm mới thường bị đánh giá về rủi ro cao để phát triển thị trường. Cũng vì thế, các dự án khởi nghiệp về khoa học – công nghệ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Chính vì thế, Nhà nước cần ban hành một cơ chế để tạo điều kiện cho các dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ tiếp cận nguồn lực tài chính. Điều đó có thể thực hiện qua các chương trình hỗ trợ vốn với phân nhánh đối tượng liên quan cụ thể. Việc hỗ trợ vốn cần có sự chung tay từ các ngân hàng thương mại chứ không phải chỉ dựa vào các nguồn lực từ Nhà nước và điều này cũng cần một cơ chế chính sách tương ứng hiệu quả. Tất nhiên, kèm theo đó là các biện pháp giám sát.
Có như vậy, các thành quả từ việc phát triển khoa học – công nghệ mới đủ sức tạo nên tác động tương hỗ trở lại để nâng cao hệ sinh thái được đề cập ở trên.