Hành trình “hồi hương chất xám”: Phía sau sự trở về của các tộc trưởng

Hành trình “hồi hương chất xám”: Phía sau sự trở về của các tộc trưởng

bởi

trong

Người mở đường cho cuộc “hồi hương chất xám”

Tháng 1/1994, đồng chủ nhân giải Nobel Hóa học 1986, TS Yuan Tseh Lee (tên Hán Việt là Lý Viễn Triết), đáp xuống sân bay Tùng Sơn với một quyết định gây chấn động: từ bỏ quốc tịch Mỹ, trở thành Viện trưởng đời thứ 7 của Academia Sinica – cơ quan nghiên cứu cao nhất Đài Loan (Trung Quốc). Ông gọi đây là “bước ngoặt trả nợ quê hương”. Còn GS Lý Đăng Huy, lãnh đạo Đài Loan lúc đó, thì coi việc mời cho được TS Lee trở về là phép thử cam kết của chính quyền đối với lĩnh vực khoa học công nghệ. 

Đầu thập niên 1990, cứ bốn tiến sĩ gốc Đài Loan tốt nghiệp ở Mỹ thì ba người ở lại nghiên cứu. Truyền thông khi đó mô tả tình trạng này là “lỗ thủng trên thân tàu kinh tế”. Ông Lý Đăng Huy giao cố vấn Tăng Chấn Minh lập danh sách 20 học giả kiệt xuất đang ở nước ngoài và đích thân gọi điện thuyết phục. GS Lee, người vừa xây dựng một “đế chế” về động hóa học ở Berkeley (một đại học hàng đầu thế giới), là mục tiêu số 1.

Hành trình “hồi hương chất xám”: Phía sau sự trở về của các tộc trưởng

Sự kiện trở về Đài Loan được GS Lee gọi là bước ngoặt trả nợ quê hương (Ảnh: College of Chemistry).

Câu chuyện hồi hương được chính GS Lee kể lại sau này: “Tôi mất 6 tháng để tin rằng Chính phủ thực sự muốn trao quyền để thay đổi sân chơi khoa học”. 

Khi ông Lee nhậm chức, Academia Sinica có 15 viện trực thuộc, ngân sách nghiên cứu quanh mốc 6 tỷ Đài tệ. Đến khi ông mãn nhiệm (tháng 10/2006), con số đã là 24 viện và 9 trung tâm, tức tăng thêm 10 đơn vị, ngân sách gấp 2,2 lần, nhân sự nghiên cứu chính quy vượt mốc 8.000 người.

Ông vận động Quốc hội ban hành “quỹ cơ sở hạ tầng khoa học 10 năm”, giúp xây loạt viện mới như Thiên văn – Vật lý thiên thể (ASIAA) hay Công nghệ gen; đồng thời thương lượng cơ chế lương “chuẩn quốc tế” để các giáo sư hồi hương không thiệt thòi so với ở các đại học Ivy League (nhóm những trường đại học hàng đầu, danh tiếng nhất tại Mỹ). 

Một bài viết trên The Chronicle of Higher Education năm 2002 miêu tả về cảnh di cư ngược. Trong đó, Tiến sĩ Vật Lý Sunney Chan thừa nhận: “Tôi đến Đài Bắc 99% vì Yuan T.Lee”. 

Năm đầu tiên, khoảng 40 nhà khoa học gốc Đài Loan đang giảng dạy ở Mỹ ký hợp đồng dài hạn với Sinica. Đến năm 2004, con số này đã vượt 300, hình thành một mạng lưới “Academia Sinica Fellows” mà truyền thông địa phương gọi đùa là “đoàn quân Berkeley”. Chính GS Lee cũng đã khái quát hiện tượng này bằng khái niệm “brain circulation” – dòng chất xám ra vào liên tục, thay vì việc “chảy máu một chiều”. 

Giới nghiên cứu Đài Loan quen gọi Lee là “trưởng tộc”. Nguyên do không chỉ vì uy tín giải thưởng Nobel mà vì ông dùng uy tín ấy để dựng “làng”, nơi người trẻ thấy có phòng thí nghiệm hiện đại, lộ trình nghề nghiệp và cả không gian tranh luận tự do. Sự trở về của ông chứng minh ba yếu tố quyết định: quyền tự chủ thực chất, ngân sách dài hạn, và niềm tin chính trị vào lãnh đạo khoa học.

Trong một bài phỏng vấn năm 2005, ông Lee nhấn mạnh: “Nếu anh không cho nhà khoa học quyền thất bại và quyền mơ ước thì đừng mong họ gắn bó lâu dài”.

Hành trình hồi hương chất xám: Phía sau sự trở về của các tộc trưởng - 2

Ông Lee cho rằng nếu không cho nhà khoa học quyền thất bại và quyền mơ ước, thì không thể mong họ gắn bó lâu dài (Ảnh: CNA).

Khi những “tộc trưởng” trở về

Không chỉ Đài Loan (Trung Quốc) mới có “hiệu ứng Yuan T.Lee”. Ở nhiều quốc gia, một nhà khoa học kiệt xuất hồi hương thường trở thành người cắm cọc đầu tiên, kéo theo cả “bộ lạc” tri thức quay về và làm thay đổi địa hình nghiên cứu. 

Qian Xuesen (tên Hán Việt là Tiền Học Sâm) – người dựng bệ phóng không gian cho Trung Quốc – là một trường hợp như vậy. Năm 1955, chuyên gia động lực học Tiền Học Sâm rời Los Angeles về nước trong tiếng pháo chào đón của Bắc Kinh. Chủ tịch Mao Trạch Đông khi đó lập tức giao ông chỉ huy Học viện Kỹ thuật số 5 của Bộ Quốc phòng – cái nôi của tên lửa Đông Phong và chương trình Trường Chinh. Chỉ 15 năm sau, vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc lên quỹ đạo; đến 2013 đã hạ cánh xuống mặt trăng, hoàn tất hành trình mà Tiền Học Sâm khởi xướng nửa thế kỷ trước. 

Ở Trung Quốc, Tiền Học Sâm được mệnh danh là “cha đẻ ngành tên lửa và hàng không vũ trụ”, minh chứng cho việc một nhà khoa học hồi hương có thể xoay trục cả chiến lược an ninh và công nghệ quốc gia. 

Hành trình hồi hương chất xám: Phía sau sự trở về của các tộc trưởng - 3

GS Tiền Học Sâm và chủ tịch Mao Trạch Đông đàm đạo (Ảnh: CCTV).

Ở Ai Cập, người ta nhắc nhiều đến “tộc trưởng” Ahmed Zewail. Sau giải Nobel hóa học 1999, Ahmed Zewail đề xuất xây “Thung lũng Khoa học và Công nghệ” bên ngoài thủ đô Cairo. Dự án bị đình trệ hơn một thập niên vì bất ổn chính trị nhưng được Chính phủ phục hồi năm 2011 và mang tên Zewail City – Công trình phục hưng khoa học quốc gia. 

Từ năm 2013, thành phố khoa học non trẻ này đã tuyển hơn 500 sinh viên và 150 giảng viên, nghiên cứu viên, những người từng làm việc ở Mỹ, châu Âu. Dù còn vật lộn với tài chính, Zewail City đã hình thành 7 viện nghiên cứu, trở thành bệ phóng học bổng STEM cho sinh viên Ai Cập và gửi thông điệp rằng khoa học đỉnh cao có thể bén rễ ngay trong sa mạc nếu có biểu tượng dẫn đường. 

Hành trình hồi hương chất xám: Phía sau sự trở về của các tộc trưởng - 4

Ahmed H. Zewail (bên trái) vào năm 1999 sau khi được Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập vinh danh vì giành giải Nobel (Ảnh: Reuters).

Năm 2008, giáo sư cấu trúc học phân tử Shi Yigong (tên Hán Việt là Thạch Nhất Cung) rời Princeton, lần lượt làm Hiệu trưởng Khoa Sinh học rồi Phó hiệu trưởng Thanh Hoa (Trung Quốc).

Tháng 10/2018, ông thành lập Westlake University – trường nghiên cứu tư nhân đầu tiên thời hiện đại ở Trung Quốc. 7 năm sau, Westlake quy tụ 200 giảng viên, trong đó 90% giảng viên đã được đào tạo ở nước ngoài, 1.300 nghiên cứu sinh tiến sĩ và gần 200 phòng thí nghiệm độc lập. Mô hình “công – tư hỗn hợp” cho phép trả lương và mua thiết bị theo chuẩn quốc tế mà không qua thủ tục công.

Nhiều chuyên gia từ bỏ “tenure-track” (lộ trình trở thành giáo sư chính ngạch, biên chế vĩnh viễn ở các trường đại học ở Mỹ), để về gia nhập đội ngũ nghiên cứu do GS Shi Yigong dẫn dắt tại Westlake. Sức hút của trường nằm ở gói khởi nghiệp phòng thí nghiệm (start-up fund) lên tới 10 triệu NDT (tương đương hơn 36 tỷ đồng). Mức lương này cạnh tranh với khối đại học Ivy League và môi trường học thuật được cam kết “toàn quyền tự chủ, cho phép thất bại”. 

Hành trình hồi hương chất xám: Phía sau sự trở về của các tộc trưởng - 5

Nhiều nhà khoa học từ bỏ cơ hội rộng mở ở nước ngoài để trở về nước dưới sự dẫn dắt của GS Shi (Ảnh: CCTV).

Năm 1974, ông Suharto, Tổng thống Indonesia khi đó, đích thân mời Habibie – Phó chủ tịch hãng MBB (Đức) – trở lại Jakarta. Chỉ hai năm sau, Habibie lập hãng chế tạo máy bay IPTN (nay là Dirgantara Indonesia), kéo theo hàng trăm kỹ sư Indonesia đang làm việc ở Hamburg về nước. IPTN không chỉ sản xuất trực thăng Puma, CASA mà còn ra mắt chiếc turboprop nội địa N‑250 năm 1995, đặt nền móng cho ngành công nghiệp quốc phòng “made in Indonesia”.

Bên cạnh đó, trên cương vị Bộ trưởng Nghiên cứu – Công nghệ gần hai thập niên, Habibie quản lý 10 tập đoàn chiến lược và áp dụng định hướng “Begin at the End” – ưu tiên sản xuất trước, nghiên cứu cơ bản bám theo – để tạo chu kỳ học hỏi cho lực lượng kỹ sư mới. 

Hành trình hồi hương chất xám: Phía sau sự trở về của các tộc trưởng - 6

Habibie được mệnh danh là bộ trưởng nghiên cứu xuất sắc nhất mà Indonesia từng có (Ảnh: Getty).

Giáo sư Trương Nguyện Thành khái quát hiện tượng này là “văn hóa bộ lạc”, một điểm đặc thù trong giới chuyên gia khoa học – công nghệ. Hiểu được văn hóa này, Chính phủ sẽ có những giải pháp toàn diện, bền bỉ hơn trong việc thu hút và giữ chân chuyên gia đầu ngành để về xây dựng đất nước.