5 dự án bất động sản ở Hà Nội được bán cho người nước ngoài

5 dự án bất động sản ở Hà Nội được bán cho người nước ngoài

bởi

trong

Danh sách có dự án khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng do Công ty cổ phần Đầu tư DIA làm chủ đầu tư. Dự án này nằm tại xã Đan Phượng. Thứ 2 là dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng để bán tại các ô đất ký hiệu A4/TT1 thuộc ô quy hoạch C12 và ô đất ký hiệu A7/TT2 thuộc ô quy hoạch C13 do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Thủ Đức làm chủ đầu tư. Dự án nằm tại phường Việt Hưng.

5 dự án bất động sản ở Hà Nội được bán cho người nước ngoài

Một góc khu đô thị Nam Thăng Long (Ảnh: Trần Kháng).

Thứ 3 là dự án xây dựng nhà ở cao tầng để bán đối với ô đất ký hiệu B3/CT5 và B4/CT6 thuộc ô quy hoạch C14 do Công ty cổ phần Đầu tư Thái Minh Land làm chủ đầu tư. Dự án nằm tại phường Việt Hưng. Thứ 4 là dự án khu nhà ở thấp tầng tại các ô đất TT-01 đến TT-37 thuộc khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn II do Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư.

Cuối cùng là dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Nhịp sống mới – Sunshine Grand Capital do Công ty cổ phần Đầu tư DIA làm chủ đầu tư. Dự án nằm tại xã Hoài Đức.

Trước đó, vào tháng 10/2024, Sở Xây dựng TP Hà Nội cũng công bố danh sách 5 dự án chung cư trên địa bàn thành phố cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu.

Cụ thể, dự án tòa nhà HH2 – 1A thuộc Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A; khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Vihacomplex; 3 dự án thành phần tại khu đô thị Vinhomes Smart City gồm 3 tòa chung cư đều thuộc tổ hợp Imperia Smart City; 3 tòa chung cư thuộc dự án Masteri West Heights.

Người nước ngoài được sở hữu nhà trong bao lâu?

Nghị định 95 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Nhà ở đề cập đến các điều kiện, quy định khi cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Cụ thể, số lượng nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu được xác định theo các trường hợp cụ thể.

Đối với một tòa nhà chung cư, kể cả nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của tòa nhà đó.

Trường hợp tòa nhà chung cư có nhiều đơn nguyên hoặc nhiều khối nhà cùng chung khối đế thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của mỗi đơn nguyên, mỗi khối nhà.

Còn đối với nhà ở riêng lẻ trên khu vực có số dân 10.000 người, nếu chỉ có một dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 250 căn nhà. Nếu có 2 dự án đầu tư xây dựng nhà ở trở lên thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại tất cả dự án nhưng không vượt quá 250 căn.

Nếu trên một khu vực có dân số 10.000 người có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu đủ số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định thì không được sở hữu thêm nhà riêng lẻ tại các dự án khác của khu vực này.

Nghị định quy định trước khi hết hạn sở hữu nhà ở tối thiểu 3 tháng, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu gia hạn thêm thời hạn sở hữu nhà ở thì gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến một bộ hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này đến UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở để được xem xét, giải quyết.

Trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Khoản 1 Điều này, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ.

Nếu vẫn đáp ứng đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở thì có văn bản chấp thuận gia hạn một lần thời hạn sở hữu nhà ở theo đề nghị của chủ sở hữu nhưng tối đa là 50 năm, kể từ khi hết hạn sở hữu nhà ở lần đầu ghi trên giấy chứng nhận.