TPHCM đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tài xế thấp thỏm thay “cần câu cơm”

TPHCM đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tài xế thấp thỏm thay “cần câu cơm”

bởi

trong

“Xe máy trả góp chưa xong, tiền đâu đổi xe điện?”

Một buổi chiều tháng 7, anh Phạm Quốc Dũng (SN 1975, ngụ phường Trung Mỹ Tây, quận 12) dừng xe bên lề đường nghỉ ngơi sau khi chở khách. Cởi chiếc mũ bảo hiểm tróc sơn vì mưa nắng, anh thở dài khi nhắc đến đề án chuyển đổi xe xăng sang xe điện của TPHCM.

“Anh em tài xế xôn xao mấy ngày nay. Biết là vì môi trường, nhưng thật lòng, nếu yêu cầu đổi xe điện ngay thì tôi không biết phải tính sao”, anh nói.

Chiếc xe Wave anh đang dùng là tài sản lớn nhất của gia đình. Mua trả góp chưa tròn một năm, mỗi tháng anh phải trả 2 triệu đồng, vẫn còn vài kỳ mới xong khoản nợ.

“Xe này bán lại cũng chẳng ai mua, mà đổi sang xe điện thì tôi lấy tiền đâu mua nổi?”, anh băn khoăn.

Anh Dũng không phải trường hợp cá biệt. Ở TPHCM, hàng chục nghìn tài xế công nghệ đang sống nhờ những chiếc xe xăng đã cũ. Với họ, chuyển đổi sang xe điện không chỉ là bài toán chi phí, mà còn là mối lo về vận hành, bảo trì và cuộc sống gia đình.

TPHCM đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tài xế thấp thỏm thay “cần câu cơm”

Anh Dũng vẫn còn đang trả góp chiếc xe máy chạy xăng (Ảnh: Mộc Khải).

Theo đề án do TPHCM xây dựng, đến năm 2029, toàn bộ xe máy chạy xăng thuộc nhóm tài xế công nghệ (khoảng 400.000 phương tiện) sẽ được thay thế bằng xe điện. Thành phố kỳ vọng việc này góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường đô thị và hướng đến một đô thị xanh, hiện đại.

Từ năm 2026, các nền tảng gọi xe sẽ không ký mới hoặc gia hạn hợp đồng với tài xế dùng xe xăng. Dù chưa có lệnh cấm toàn diện, động thái này mở đầu cho quá trình chuyển đổi quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mưu sinh của hàng trăm nghìn người.

Khi thông tin về đề án được lan truyền, nhiều tài xế công nghệ như anh Dũng không giấu được tâm trạng lo lắng. Trên các hội nhóm tài xế công nghệ, chủ đề này cũng được bàn tán xôn xao suốt nhiều ngày qua.

Người thì e ngại giá xe điện, tuổi thọ pin, độ an toàn khi sạc, chi phí thay thế. Người thì lo lắng vì chưa từng sử dụng xe điện, không biết cách sạc pin, vận hành, nếu trục trặc giữa đường thì xử lý thế nào.

Tuy vậy, cũng có không ít tài xế nhanh chóng cập nhật tình hình, chia sẻ các thông tin về những mẫu xe điện đang được ưu đãi, chính sách trả góp, điểm bán uy tín, hay các quán cà phê, cửa hàng nhỏ ven đường cho sạc pin miễn phí hoặc giá rẻ.

Một số nơi còn bắt đầu nhận thu mua lại xe xăng cũ, tạo thành những luồng thảo luận sôi nổi.

Người lo ngại, người nhanh chóng thích nghi

Với những tài xế như ông Phạm Cứu Quốc (55 tuổi, phường Chợ Lớn), chuyển đổi sang xe điện là bước ngoặt lớn. Ông đã gắn bó với nghề hơn 8 năm, dùng chiếc xe máy cũ len lỏi khắp ngõ hẻm thành phố để kiếm sống mỗi ngày.

“Nghe nói xe điện chạy êm, không khói, nhưng tôi sợ nhất vụ cháy nổ. Nhà trọ chật hẹp, cắm sạc ban đêm lỡ có sự cố gì thì thiệt hại lớn. Hơn nữa, giá xe điện không rẻ. Tôi từng xem một chiếc giá 55 triệu đồng, mà lương chạy xe của tôi thì 3-4 tháng cũng không đủ mua”, ông nói.

Ngoài chi phí, nhiều tài xế còn lo ngại về hiệu năng của xe điện. Với cường độ làm việc từ sáng đến tối, trung bình di chuyển 150-200km mỗi ngày, họ cho rằng xe điện chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là khi trạm sạc vẫn còn ít, thời gian sạc lâu và pin có thể suy giảm nhanh trong điều kiện nắng nóng hoặc mưa ngập.

Tuy nhiên, không phải ai cũng bi quan. Anh Tào Kim Chiến (SN 1998, xã Tân Kiên) cho biết đang cân nhắc phương án chuyển đổi. Hiện tại, anh Chiến làm việc trung bình 16 tiếng mỗi ngày, từ 5h đến 21h, chủ yếu chở khách, giao hàng. Thu nhập của anh dao động từ 25 đến 30 triệu đồng/tháng. Với mức này, anh cho rằng việc tích lũy để đổi xe là có thể tính toán được.

“Nếu còn làm nghề này lâu dài thì phải tính tới chuyện đầu tư xe điện. Tôi đang để ý một mẫu khoảng 49 triệu đồng, được hỗ trợ trả góp. Làm đều mỗi tháng 25-30 triệu đồng như tôi thì vẫn xoay được, nhưng những tài xế mới hoặc tài xế chỉ làm thêm thì tôi không chắc”, anh chia sẻ.

Theo anh Chiến, điều quan trọng khi tiến hành thực hiện đề án là cần có lộ trình rõ ràng và chính sách hỗ trợ kèm theo, nhất là trong việc thu mua xe xăng cũ. “Nếu xe cũ không bán được thì thành gánh nặng. Có hỗ trợ thu mua, đổi xe thì tài xế đỡ lo hơn”, anh nói.

TPHCM đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tài xế thấp thỏm thay cần câu cơm - 2

Anh Thảo cho rằng chuyển đổi sang xe điện là hợp lý, góp phần giúp thành phố xanh – sạch – đẹp (Ảnh: Mộc Khải).

Một người khác cũng bày tỏ sự kỳ vọng là anh Đỗ Văn Thảo (xã Bà Điểm). Anh Thảo từng có cơ hội chạy thử một chiếc xe điện của người bạn cùng nghề. Trải nghiệm này mang đến cho anh cảm giác vừa lạ lẫm vừa thích thú.

Anh nói, chiếc xe chạy êm ru, không phát ra tiếng máy nổ mỗi khi đề ga, không phả khói vào mặt người phía sau như bao chiếc xe xăng mà anh đã quen thuộc. Mọi chuyển động của xe đều nhẹ nhàng, mượt mà.

Chạy giữa con đường đông đúc, anh thấy mình như tách khỏi những âm thanh hỗn tạp, không còn tiếng ồn hay cảm giác tay lái rung lên vì động cơ nóng. “Thích lắm. Xe điện chạy nhẹ, êm, không có tiếng ồn, không khói bụi”, anh hào hứng kể.

Điều này khiến anh tin rằng việc chuyển đổi sang xe điện là xu thế đúng đắn, không chỉ cho thành phố, mà còn cho người lao động như anh. Tuy nhiên, anh cũng không giấu nỗi lo trong lòng: “Tôi thật lòng mong xã hội dần dần chuyển hết qua xe điện, nhưng mà… không phải ngay bây giờ”.

Lộ trình dài hơi, cần chính sách cụ thể

Anh Thảo cho rằng, hiện tại vẫn còn quá nhiều rào cản để người dân “chuyển đổi xanh”. Trong đó có thể kể đến việc pin của xe điện còn hạn chế, trong khi trạm sạc chưa nhiều và quãng đường xe điện đi còn giới hạn.

“Cuối năm, người ta còn phải lấy xe chở cả nhà về quê. Xe điện đi được vài chục cây số thì sao đi nổi? Một người bán xe còn có người mua, nhưng nếu cả ngàn, cả vạn tài xế cùng đem bán xe xăng để đổi sang xe điện thì ai thu mua cho hết? Lúc đó xe xăng còn rẻ hơn rau.

Vậy nên tôi nghĩ cần có lộ trình vài năm, có hỗ trợ cụ thể. Chúng tôi vẫn chờ từng bước, không nôn nóng”, anh bày tỏ.

Anh Thảo nói, nếu trên thị trường có một mẫu xe điện thật sự phù hợp với người lao động, chạy được 200-300km mỗi lần sạc, độ bền ổn định, giá cả vừa phải, thì anh sẵn sàng đổi ngay, không do dự. “Nếu có chiếc xe như vậy, tôi đổi liền”, anh chia sẻ.

TPHCM đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tài xế thấp thỏm thay cần câu cơm - 3

Không ít tài xế xe ôm công nghệ thừa nhận hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để lập tức đổi sang xe điện (Ảnh: Mộc Khải).

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đề án chuyển đổi 400.000 xe máy công nghệ từ chạy xăng sang chạy điện sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, kết hợp hỗ trợ tài chính, ưu đãi vay mua xe, xây dựng trạm sạc, trạm thay pin và chương trình thu đổi xe cũ. Ước tính, tài xế sử dụng xe điện có thể tiết kiệm 1-1,3 triệu đồng/tháng so với xe xăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông cho rằng để chính sách đi vào thực tiễn, cần đồng hành với tài xế ngay từ đầu bằng các chương trình hỗ trợ thiết thực: Hỗ trợ đổi xe, thu cũ đổi mới, chính sách tín dụng phù hợp với lao động thu nhập thấp, mở rộng hạ tầng sạc pin ở khu dân cư và điểm đỗ xe công cộng.

Với nhiều tài xế, chiếc xe là “cần câu cơm”. Việc chuyển sang xe điện không đơn giản là chuyển đổi phương tiện mà là thay đổi cả cách mưu sinh.

“Tôi mong thành phố làm đề án từng bước, rõ ràng, có lộ trình và hỗ trợ cụ thể. Như bản thân tôi, xe xăng còn chưa trả góp xong, thì sao mà đổi xe điện được?”, ông Phạm Quốc Dũng – một tài xế đã gắn bó với việc chạy xe công nghệ gần chục năm – nói trong lúc tất bật chuẩn bị cho chuyến xe kế tiếp.