
“Thu nhập thì khai từng đồng, còn mức sống ai đo giùm được?”, đồng nghiệp tôi buông một câu giữa lúc đang cặm cụi điền tờ khai quyết toán thuế.
Tôi hỏi: “Lương anh bao nhiêu mà than?”, anh cười méo xệch: “Vừa qua ngưỡng đóng thuế, nhưng không đủ sống ở thành phố này”.
Câu chuyện nghe hoài không cũ. Giữa lúc giá cả leo thang, đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lại được đặt lên bàn họp. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở con số, mà ở chỗ tại sao phải chờ đến khi người dân không thể chịu nổi thì mới tính chuyện sửa luật?
được Bộ Tài chính đưa ra bao gồm: một là nâng mức giảm trừ từ 11 triệu lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng (tương ứng mức tăng chỉ số giá tiêu dùng – CPI); hai là lên 15,5 triệu đồng/tháng, dựa trên tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và tăng trưởng kinh tế. Nếu lựa chọn phương án hai, đây không chỉ là phép điều chỉnh kỹ thuật, mà là khởi đầu sự thay đổi tư duy – thay vì chỉ bảo vệ người lao động khỏi lạm phát, chính sách này chia sẻ thành quả tăng trưởng và góp phần đảm bảo chất lượng sống tối thiểu.
Quy định hiện hành chỉ xem xét điều chỉnh mức giảm trừ khi CPI cộng dồn vượt 20% kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Cơ chế “đủ ngưỡng mới sửa” này khiến chính sách thuế luôn đi sau thực tế. Trong khi CPI tích lũy chậm, thu nhập thực tế của người dân đã âm thầm bị bào mòn từng ngày. Mức giảm trừ 11 triệu đồng được ban hành từ năm 2020, đến nay đã mất 15-20% giá trị mua sắm. Giữa lúc tiền thuê nhà, học phí, xăng xe hay điện nước không ngừng tăng, người lao động vẫn bị đánh thuế trên một “chuẩn sống tối thiểu” đã lỗi thời.
Việt Nam không phải nước duy nhất từng rơi vào vòng lặp này. Nhưng nhiều nước sớm rút ra kinh nghiệm, không để chính sách thuế bị tụt hậu so với đời sống. Họ xem đây là một chính sách sống, phải thay đổi cho hợp thời.
Ví dụ Nhật Bản, suốt gần hai mươi năm, họ cũng từng giữ mức miễn thuế gần như không đổi. Nhưng khi thấy xã hội thay đổi, dân số già đi và đời sống người dân chững lại, chính phủ Nhật đã thực hiện một cuộc cải cách lớn vào năm 2020, điều chỉnh lại các quy định về thuế, phù hợp hơn với thu nhập và chi tiêu thực tế của các gia đình.
Singapore cũng rất linh hoạt. Dù thuế thu nhập vốn đã thấp, họ vẫn có các khoản miễn trừ riêng cho từng nhóm người, như người già, người nuôi con nhỏ, hay người chăm sóc cha mẹ. Quan trọng là các khoản này được xem xét và cập nhật thường xuyên theo chi phí sinh hoạt mỗi năm, chứ không phải chờ đợi một cách cứng nhắc.
Những ví dụ đó cho thấy, chính sách thuế thu nhập cá nhân không thể bất biến, phải sống động như đời sống xã hội, được cập nhật định kỳ và phải đặt người dân làm trung tâm. Nếu tiếp tục duy trì cơ chế “đợi CPI đủ ngưỡng”, Việt Nam sẽ lặp lại vòng lặp, luật lạc hậu, người dân thiệt thòi và mỗi lần sửa lại là một cuộc đàm phán mệt mỏi giữa ngân sách và thực tế.
Chính sách cần quy định rõ cơ chế điều chỉnh, dựa trên biến động CPI hoặc thu nhập bình quân đầu người, có thể công bố cùng với thời điểm quyết toán thuế hoặc xây dựng ngân sách quốc gia. Không nhất thiết phải sửa luật mà có thể chỉ cần một thông báo hướng dẫn cập nhật mức giảm trừ đủ để chính sách bám sát đời sống. Điều này hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hạ tầng dữ liệu thuế đang dần hoàn thiện và cơ quan thuế đã số hóa phần lớn quy trình.
Mức giảm trừ gia cảnh còn là công cụ điều tiết công bằng. Vì vậy, chính sách cần được thiết kế để phản ánh đúng hoàn cảnh sống của người nộp.
Một trong những đề xuất tiến bộ về mức giảm trừ gia cảnh trong dự thảo lần này (khoản 2, điều 12) liên quan đến khấu trừ các khoản chi cho y tế, giáo dục – đào tạo của người nộp thuế và của bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đang là người phụ thuộc của người nộp thuế.
Trong bối cảnh thị trường lao động biến động liên tục, người lao động buộc phải học thêm với nhiều mục đích như lấy bằng sau đại học, học ngoại ngữ, kỹ năng số, chứng chỉ hành nghề. Những chi phí này có thể lên đến hàng chục triệu mỗi năm, không nhỏ với thu nhập trung bình.
Trung Quốc hiện cho phép người lao động khấu trừ chi phí học tập cá nhân (lên tới 4.800 NDT/năm) vào thu nhập chịu thuế. Đức và các quốc gia châu Âu khác coi việc đầu tư vào tri thức như một khoản đầu tư hợp pháp, được ưu đãi thuế. Cách tiếp cận này không chỉ hợp lý về mặt tài chính, mà còn đúng về chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Một xã hội học tập sẽ không thể hình thành nếu chính sách thuế coi học phí là chi tiêu thứ cấp (có phần xa xỉ).
Tương tự, việc mở rộng diện giảm trừ cho các khoản như lãi vay mua nhà, hoặc thuê nhà ở khu vực đô thị lớn cũng cần được cân nhắc. OECD từng khuyến nghị rằng các khoản giảm trừ thuế nên phản ánh “chi phí sinh hoạt không tránh khỏi”, nghĩa là những thứ người dân buộc phải chi để duy trì cuộc sống cơ bản. Với tốc độ đô thị hóa của Việt Nam, nơi hàng triệu người trẻ phải thuê nhà hoặc trả góp hàng chục năm, việc đánh thuế họ trên khoản thu nhập “chưa từng được giữ lại” là bất hợp lý.
Một cách tiếp cận linh hoạt hơn, như tại Mỹ, là cho phép người dân lựa chọn giữa khấu trừ theo mức khoán (standard deduction) hoặc theo chi phí thực tế (itemized deduction). Khoản khấu trừ theo mức khoán đảm bảo sự đơn giản cho phần lớn người nộp thuế, còn kê khai chi tiết tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt được tính đúng, tính đủ. Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng cơ chế tương tự khi hệ thống dữ liệu đủ hoàn thiện, tạo ra một hệ thống thuế vừa minh bạch, vừa linh hoạt và nhân văn.
Trên hết, mục tiêu cuối cùng của thuế thu nhập cá nhân vẫn là bảo đảm công bằng, không chỉ theo chiều dọc (thu nhập cao đóng nhiều hơn), mà còn theo chiều ngang (những người có cùng thu nhập nhưng hoàn cảnh khác nhau phải được đối xử khác nhau). Một người độc thân thu nhập 20 triệu đồng đang tích cực học tập nâng cao trình độ với khoản học phí vài trăm triệu đồng mỗi năm và một người độc thân khác cùng mức lương không thể bị đánh thuế giống nhau. Mức giảm trừ gia cảnh chính là công cụ để chính sách thuế điều chỉnh cho sự khác biệt này.
Đánh thuế một cách “cào bằng” chỉ tạo ra bất mãn và giảm tính tuân thủ. Trong nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (2020), niềm tin vào công bằng của hệ thống thuế có mối tương quan chặt chẽ với tỷ lệ kê khai trung thực của người nộp thuế. Nghĩa là càng thấy chính sách thuế hợp lý, người dân càng sẵn sàng tuân thủ.
Đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lần này là một cơ hội vàng để tư duy lại toàn bộ hệ thống thuế thu nhập cá nhân. Nếu chỉ dừng ở việc nâng con số cho năm 2026, vài năm nữa, chúng ta lại rơi vào cảnh cũ: đồng tiền mất giá, mức sống đi lùi, thuế thì vẫn tiến đều. Điều cần thiết là một chính sách có tầm nhìn, được cập nhật linh hoạt, bổ sung chi phí thiết yếu, điều chỉnh theo vùng và hoàn cảnh sống, hướng đến công bằng thực chất, chứ không phải sự tiện lợi của biểu mẫu.
Chính sách thuế không chỉ là chuyện kỹ thuật tài khóa. Đó là nơi người dân cảm nhận được Nhà nước hiểu mình tới đâu, quan tâm tới mức nào. Một hệ thống thuế nhân văn, khuyến khích học tập, hỗ trợ người nuôi con nhỏ, chia sẻ với người thuê nhà hay chăm sóc người già sẽ không làm thất thu ngân sách. Trái lại, nó sẽ nuôi dưỡng một xã hội biết đóng góp bằng niềm tin.
Nguyễn Thành Hưng