Sạc dự phòng có gây nguy hiểm trên máy bay?

Sạc dự phòng có gây nguy hiểm trên máy bay?

bởi

trong

Sạc dự phòng thường chứa pin lithium-ion, có thể xảy ra hiện tượng tăng nhiệt mất kiểm soát khi tác động lực nhưng hiếm khi phát nổ.

Hành khách có thể mang sạc dự phòng lên máy bay, nhưng quy định của các hãng hàng không sẽ khác nhau nên cần kiểm tra kỹ trước khi khởi hành để đảm bảo an toàn.





Sạc dự phòng có gây nguy hiểm trên máy bay?

Minh họa hành khách mang sạc dự phòng trên máy bay. Ảnh: Anker

Những lưu ý khi mang sạc dự phòng lên máy bay

Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng Australia (CASA) cho biết, trung bình mỗi hành khách mang theo ít nhất 4 thiết bị chứa pin lithium sạc lại được, bao gồm smartphone, laptop, sạc dự phòng. Laptop và máy ảnh thường có thể đặt trong hành lý ký gửi nếu tắt. Tuy nhiên, sạc dự phòng và pin rời chỉ được mang trong hành lý xách tay vì có nguy cơ chập mạch, quá nhiệt, cháy.

Theo CASA, hành khách không thể mang theo pin lithium-ion vượt 160 Wh, trừ khi dùng cho thiết bị hỗ trợ vận động. Các loại túi thông minh chứa pin lithium hoặc sạc dự phòng được chấp nhận, nếu pin có thể tháo rời trước khi ký gửi và bỏ vào hành lý xách tay.

Hãng hàng không Virgin Australia quy định, mọi loại pin rời hoặc pin lẻ, bao gồm sạc dự phòng, chỉ được mang trong hành lý xách tay và phải bảo vệ bằng cách đặt trong bao bì bán lẻ gốc, hoặc đặt từng pin trong túi nhựa hay túi bảo vệ riêng, bọc các đầu lại.

Tuy nhiên, hãng này đang cân nhắc thay đổi các quy định liên quan đến pin lithium sau khi một đám cháy nhỏ xảy ra trên chuyến bay từ Sydney đến Hobart hôm 21/7, được cho là bắt nguồn từ sạc dự phòng trong hành lý xách tay.

Hãng hàng không Qantas cũng yêu cầu hành khách chỉ được mang theo sạc dự phòng, bao gồm hộp đựng AirPod, pin rời hoặc pin lẻ, trong hành lý xách tay. Hãng không khuyến khích sạc hay dùng sạc dự phòng trong suốt chuyến bay để đảm bảo an toàn.

Một số hãng hàng không quốc tế cấm sử dụng sạc dự phòng trong suốt chuyến bay như Thai Airways, South Korean Airlines, EVA Air, Cathay Pacific, China Airlines, Singapore Airlines.

Nguy cơ cháy pin lithium trên máy bay

Theo giáo sư Neeraj Sharma, chuyên gia về pin tại Đại học New South Wales, pin lithium-ion có thể chứa đến 20 thành phần, trong đó một số là chất lỏng, dễ bay hơi hơn các phần rắn như điện cực hay vỏ. Tác động lực lên pin lithium-ion có thể dẫn đến thoát nhiệt (thermal runaway) – hiện tượng tăng nhiệt mất kiểm soát – nhưng việc pin phát nổ cực kỳ hiếm.

Sharma giải thích, các hãng hàng không yêu cầu hành khách mang pin trong hành lý xách tay nhằm giảm rủi ro, vì chênh lệch áp suất trong cabin rất nhỏ so với khoang hành lý. Ông cũng lưu ý, sạc dự phòng và các thiết bị dùng pin lithium khác không được kiểm soát chặt như điện thoại và laptop – ví dụ thuốc lá điện tử hay scooter điện – có thể chứa pin chất lượng kém hơn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.

Giáo sư Amanda Ellis, Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh và Hóa học tại Đại học Melbourne, cho biết, việc pin lithium cháy không xảy ra thường xuyên hơn trên máy bay. Áp suất trong cabin không ảnh hưởng đến pin vì chúng có “nhiều lớp vỏ bọc”.

Tuy nhiên, bất cứ môi trường kín nào cũng khiến hỏa hoạn trở nên nguy hiểm, đặc biệt là khi hành khách không thể sơ tán khỏi máy bay giữa không trung. “Đám cháy tỏa khí rất độc và trong không gian kín thì điều đó cực kỳ nguy hiểm”, bà nói.

Ellis cho biết, đám cháy pin lithium-ion khó dập vì kim loại lithium thường bắt lửa cùng với vỏ bọc và nhựa – những vật liệu năng lượng cao có thể cháy lâu. “Không nên dùng nước để dập lửa pin lithium. Nhưng đó lại là điều mà nhiều người trên máy bay nghĩ đến đầu tiên”, bà nói.

Lý do pin lithium-ion bốc cháy

Pin chứa các ion lithium lơ lửng trong dung dịch điện phân. Các ion này di chuyển trong dung dịch điện phân, đi qua lại giữa hai điện cực khi pin sạc và xả.
Theo Ellis, một nguyên nhân cháy phổ biến là sạc quá mức, khiến pin quá nóng, dẫn đến hiện tượng thoát nhiệt. Nếu có quá nhiều năng lượng, pin có thể nứt và chất điện phân dễ cháy bên trong bắt lửa khi tiếp xúc với không khí.

Điện thoại và các thiết bị cao cấp chứa pin lithium thường tích hợp hệ thống sạc nhỏ giọt, đưa dòng điện vào pin từ từ để tránh sạc quá mức. Tuy nhiên, các loại sạc dự phòng rẻ tiền thường không có hệ thống bảo vệ này và gây rủi ro lớn hơn.

“Tuyệt đối không sạc dự phòng qua đêm. Đừng sạc quá mức cần thiết. Bạn cần theo dõi đèn báo chuyển từ đỏ sang xanh rồi rút điện ngay”, Ellis nói. Bà kết luận, pin nhìn chung rất an toàn nếu được sử dụng đúng cách và trong điều kiện phù hợp. Vì vậy, mọi người không nên quá lo lắng về pin khi bay.

Thu Thảo (Theo Guardian)