Châu Âu chia rẽ vì điều hòa

Châu Âu chia rẽ vì điều hòa

bởi

trong

Khi những đợt nắng nóng thiêu đốt châu Âu, một cuộc tranh luận gay gắt đã bùng nổ giữa những người ủng hộ dùng điều hòa và nhóm phản đối.

Khu vực Tây Âu đã trải qua những đợt nắng nóng cực đoan trong tháng 6 và 7. Hơn 1.000 trường học Pháp phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ vì thiếu hệ thống làm mát, trong khi doanh số bán điều hòa ở nhiều nước trong khu vực đã tăng vọt.

Nhiều chính trị gia cực hữu đã nhanh chóng lên tiếng, khi họ cho rằng chính quyền các nước Tây Âu đã đẩy khu vực vào cảnh không có điều hòa sử dụng trong những ngày nắng nóng.

“Thật điên rồ khi các gia đình phải dừng làm việc từ ngày này qua ngày khác vì các trường học không thể tiếp nhận con cái họ, trong khi lại bảo họ đến các rạp chiếu phim có điều hòa”, Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của Pháp, nói.

Trước tình hình cấp bách vì nắng nóng, bà Le Pen đã đề xuất chiến dịch lắp đặt điều hòa quy mô lớn ở các trường học, bệnh viện và cơ sở công cộng khác.

“Các dịch vụ công không thể vận hành vì thiếu điều hòa không khí. Hàng chục quốc gia khác trên thế giới không gặp phải tình trạng này. Chính phủ dường như vẫn chưa bắt kịp thực tế”, bà nói.





Châu Âu chia rẽ vì điều hòa

Một biển hiển thị nhiệt độ ngoài trời tại Thionville, đông bắc Pháp ngày 2/7. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, đề xuất vấp phản đối mạnh mẽ từ quan chức chính phủ Pháp. Bộ trưởng Năng lượng Agnes Pannier-Runacher cho rằng việc lắp đặt điều hòa quy mô lớn sẽ làm tăng phát thải khí, khiến không khí bên ngoài nóng hơn và làm cho đợt nắng nóng trở nên tồi tệ.

“Đó là một giải pháp tồi. Chúng ta chỉ nên lắp điều hòa cho những người dễ bị tổn thương để họ có thể thoải mái nghỉ ngơi, nhưng không nên lạm dụng điều đó ở mọi nơi”, bà nói.

Nắng nóng cực đoan là mối nguy hiểm hàng đầu mà châu Âu phải đối mặt do hệ quả của biến đổi khí hậu, khiến lục địa vốn có thời tiết ôn hòa giờ thường xuyên đối mặt với những ngày nắng nóng gay gắt.

Trước thực tế này, nhiều người ủng hộ điều hòa dẫn chứng hình mẫu Mỹ, quốc gia từ lâu coi điều hòa là thiết bị thiết yếu. “Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD để hiện đại hóa hệ thống điều hòa không khí tại trường học, trong khi rất nhiều bệnh viện cũng được trang bị điều hòa”, các nhà lập pháp bảo thủ Pháp tháng này viết trong dự thảo đề xuất lắp đặt điều hòa.

Dù vậy, viễn cảnh “Mỹ hóa” hệ thống điều hòa lại khiến không ít người châu Âu e ngại, không chỉ vì vấn đề sức khỏe mà còn vì những lo ngại sâu xa hơn.

Truyền thông Pháp cảnh báo việc duy trì nhiệt độ trong phòng thấp hơn bên ngoài đến 9 độ C có thể dẫn đến “sốc nhiệt” nghiêm trọng, với các triệu chứng từ buồn nôn, mất ý thức cho đến nguy cơ ngừng hô hấp.

Một số khác lo ngại nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp nếu ở quá lâu trong phòng điều hòa. Trong khi đó, những người châu Âu quan tâm đến biến đổi khí hậu không muốn sử dụng thêm điện cho điều hòa không khí, bởi điều này đồng nghĩa tạo thêm khí thải nhà kính.

Quan chức ở các nước Tây Âu khác như Đức bày tỏ lo lắng về nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng, khi người nghèo là nhóm phải chịu tổn thương nhiều nhất trong các đợt nắng nóng.

“Nắng nóng làm cho tình trạng mất cân bằng xã hội trở nên đặc biệt rõ rệt. Những người nghèo ít có khả năng tự bảo vệ mình khỏi tác động của nắng nóng, trong khi những người khá giả hơn có thể dễ dàng mua điều hòa hay tận hưởng những khu vườn mát mẻ.”, Bộ trưởng Môi trường Đức Carsten Schneider nói.

Song những lo ngại đó không thể khiến những người ủng hộ lắp đặt điều hòa chùn bước khi các đợt nắng nóng ngày một khắc nghiệt. Châu Âu là lục địa có nhiệt độ tăng nhanh nhất toàn cầu, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới. Tháng 6 vừa qua được Tổ chức Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận là tháng 6 nóng nhất ở Tây Âu trong lịch sử.

Chuyên gia cho rằng điều hòa không khí nên được lắp đặt để ngăn nguy cơ hàng nghìn người tử vong vì nắng nóng cực đoan. Nhiều người từ London đến Madrid ngày càng đồng tình rằng họ không muốn chịu đựng thêm các đợt nắng nóng trong một căn nhà không có điều hòa.

“Tôi cảm giác mỗi năm trời lại nóng hơn. Có thể vì năm trước tôi không ở đây, nhưng bây giờ trời đang quá nóng”, Sophie Berto, một nhà phân tích đã sống 10 năm ở Paris, nói và thêm rằng cô đã phải mua một chiếc điều hòa.





Mọi người tìm cách giải nhiệt tại các đài phun nước công cộng khi nhiệt độ ở Berlin, Đức chạm ngưỡng 40 độ C ngày 2/7. Ảnh: AFP

Mọi người tìm cách giải nhiệt tại các đài phun nước công cộng khi nhiệt độ ở Berlin, Đức chạm ngưỡng 40 độ C ngày 2/7. Ảnh: AFP

Một số nhà môi trường và nghiên cứu khoa học cho rằng châu Âu có thể làm mát bầu không khí mà không cần lắp đặt điều hòa quy mô lớn. Họ cho rằng có thể trồng thêm cây xanh trong các tòa nhà và đường phố, thiết kế hệ thống thông gió, cũng như lắp đặt thêm rèm cửa chắn nắng.

Tại London, những công ty xây dựng được yêu cầu xem xét các thiết kế làm mát trước khi tính đến việc lắp điều hòa trong các tòa nhà mới xây, song quy định này đã vấp nhiều chỉ trích.

Andrew Bowie, thành viên đảng Bảo thủ, tháng này kêu gọi Thị trưởng Sadiq Khan chấm dứt “những hạn chế vô lý về lắp đặt điều hòa”. “Chúng ta phải thoát khỏi tư duy hạn hẹp về việc giảm tiêu thụ năng lượng”, ông nói.

Một phát ngôn viên của ông Khan nói “Thị trưởng không cấm lắp điều hòa”, nhưng khuyến nghị các nhà phát triển thiết kế các hình thức thông gió khác trong nhà để giúp giảm chi phí năng lượng cho nhiều gia đình.

Quan chức Pháp đã nghĩ tới các giải pháp, trong đó có việc mở rộng hệ thống sưởi và làm mát bằng địa nhiệt để tránh nhu cầu sử dụng điều hòa không khí truyền thống. Tuy nhiên, biện pháp này yêu cầu chi phí đầu tư ban đầu lớn và có thể bị cấm lắp đặt trong các tòa nhà lâu đời.

Việc tìm kiếm giải pháp làm mát không chỉ là nhu cầu của con người trong cuộc sống hàng ngày mà còn là vấn đề quan trọng đối với cả nền kinh tế. Chateau Pontet-Canet, nhà sản xuất rượu gần Bordeaux ở Pháp, đã phải đầu tư hệ thống điều hòa để làm mát bể rượu, hầm rượu và cả các khu văn phòng của công ty.

“Rượu vang là công việc kinh doanh của chúng tôi và chúng tôi không muốn những gì mình làm ra lại trở thành giấm vì nắng nóng. Vì vậy chúng tôi cần có điều hòa”, Mathieu Bessonnet, giám đốc kỹ thuật của Chateau Pontet-Canet, nói.

Thùy Lâm (Theo WSJ, Politico)