Tham vọng trí tuệ nhân tạo của Tổng thống Trump

Tham vọng trí tuệ nhân tạo của Tổng thống Trump

bởi

trong

Ba trụ cột của kế hoạch bao gồm thúc đẩy đổi mới AI, xây dựng cơ sở hạ tầng AI trong nước và dẫn đầu trong ngoại giao và an ninh AI toàn cầu.

Chiến lược của Tổng thống Trump

Để đạt được mục tiêu đó, chủ nhân Nhà Trắng đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ không mua sắm các hệ thống AI mà họ cho là thiên vị về mặt tư tưởng, đẩy nhanh việc cấp phép cho các trung tâm dữ liệu và thúc đẩy xuất khẩu các gói công nghệ AI trọn gói từ chip sang phần mềm.

Tham vọng trí tuệ nhân tạo của Tổng thống Trump

Tổng thống Trump giới thiệu một sắc lệnh hành pháp vừa ký để hỗ trợ phát triển AI vào ngày 23.7

Ảnh: Reuters

Kế hoạch hành động phác thảo hơn 90 biện pháp, bao gồm nhiều khuyến nghị nhằm đạt các mục tiêu: Hạn chế xuất khẩu các công nghệ AI nhạy cảm và chặn “công nghệ đối thủ” khỏi cơ sở hạ tầng AI của Mỹ, chẳng hạn như các nhà máy chip và trung tâm dữ liệu; Thúc đẩy các giá trị của Mỹ liên quan AI tại các cơ quan thông qua việc thiết lập tiêu chuẩn quốc tế và khuyến khích các đồng minh và đối tác sử dụng công nghệ của Mỹ; Đánh giá các hệ thống AI tiên tiến về các rủi ro an ninh quốc gia trong các lĩnh vực như tấn công mạng và phát triển vũ khí hóa học, sinh học…; Tiến hành và công bố các đánh giá về cách các mô hình AI của Trung Quốc…

Vị chủ nhân Nhà Trắng cũng đã loại bỏ nhiều biện pháp quản lý việc phát triển AI được đưa ra dưới thời ông Joe Biden vốn nhằm giảm thiểu các rủi ro từ AI. Ông Trump tuyên bố đang “bật đèn xanh” để AI phát triển mạnh mẽ chứ không phải kìm hãm, trong khi nhiều quốc gia đang tăng cường các biện pháp kiểm soát sự phát triển của AI nhằm hạn chế các rủi ro. Việc ông Trump “bật đèn xanh” cho AI được xem là một thắng lợi về chính sách cho nhiều tập đoàn công nghệ của Mỹ, đặc biệt ở thung lũng Silicon (bang California).

Từ khi vừa nhậm chức, ngày 21.1, Tổng thống Trump cùng đại diện 3 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới là Tổng giám đốc OpenAI Sam Altman, Tổng giám đốc SoftBank Masayoshi Son và Chủ tịch Oracle Larry Ellison đã xuất hiện tại Nhà Trắng thông báo thành lập một công ty mới có tên là Stargate để phát triển cơ sở hạ tầng AI ở Mỹ. Kế hoạch này được ông Trump nhấn mạnh là “dự án cơ sở hạ tầng AI lớn nhất trong lịch sử”. Theo đó, khoản đầu tư ban đầu là 100 tỉ USD và kế hoạch rót vốn tổng cộng sẽ lên đến 500 tỉ USD nhằm hướng đến việc Mỹ duy trì vị thế số 1 thế giới trong lĩnh vực AI.

Thách thức không nhỏ

Trong khi đó, kế hoạch trên của Tổng thống Trump đang khiến nhiều người lo ngại về việc không kiểm soát các rủi ro liên quan quá trình phát triển AI. Theo CNN, một liên minh những người ủng hộ quyền riêng tư, công đoàn lao động và các tổ chức khác đang kêu gọi một Kế hoạch hành động của nhân dân để chống lại các đề xuất của chính quyền Trump. Các bên ký kết bao gồm Trung tâm thông tin quyền riêng tư điện tử, Viện AI Now, công đoàn lao động WGAE – đại diện cho các nhà văn trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, đài phát thanh, tin tức và truyền thông trực tuyến.

Bên cạnh đó, việc tăng cường cản trở Trung Quốc tiếp cận công nghệ AI của Mỹ chưa hẳn dễ dàng. Mới đây, Mỹ đã phải đồng ý cho NVIDIA bán bộ xử lý đồ họa (GPU) H20 cho Trung Quốc. Đây là loại chip tiên tiến cho công nghệ phát triển AI. Trước đó, Mỹ cấm NVIDIA xuất khẩu cho Trung Quốc. Đáp trả lại, Bắc Kinh ngưng xuất khẩu đất hiếm cho Washington gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung vật liệu cho nhiều ngành nghề Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực chip bán dẫn. Chính vì thế, Mỹ không dễ gì có thể giữ vững các biện pháp trừng phạt Trung Quốc.

Mặt khác, dự án Stargate đầy tham vọng được nêu trên cũng đang không theo đúng kế hoạch. Theo tờ The Wall Street Journal, dù được công bố đầu tư ngay 100 tỉ USD để phát triển các trung tâm dữ liệu khổng lồ, nhưng sau 6 tháng thì nay chỉ mới lên kế hoạch đầu tư một trung tâm dữ liệu quy mô nhỏ tại Mỹ. Tờ báo dẫn nguồn thân cận cho hay các đối tác tham gia Stargate mâu thuẫn về các điều khoản quan trọng hợp tác, bao gồm cả địa điểm xây dựng dự án.

Ngay từ sớm, chiến lược của Stargate cũng bị hoài nghi. Theo báo cáo của Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, gửi đến Thanh Niên thì các hệ thống hạ tầng AI của Stargate dự kiến xây dựng sẽ cần lượng điện lên đến 15 GW để vận hành. Nhưng sự xuất hiện của DeepSeek (Trung Quốc) với quy mô tinh giản hơn rất nhiều, nên đã đặt ra câu hỏi liệu có thực sự cần đến những trung tâm dữ liệu, hạ tầng công nghệ ở quy mô mà Stargate hướng đến để phát triển và triển khai AI?