‘Chốt đơn’ theo review trên mạng và cái kết…

‘Chốt đơn’ theo review trên mạng và cái kết…

bởi

trong

Mua vì… thấy nhiều người cũng mua

Nguyễn Thị Kim Tiền, sinh viên năm cuối Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, thừa nhận cô thường xuyên bị cuốn theo các clip review trên TikTok. “Mỗi lần lướt TikTok, mình thấy hàng loạt clip review áo thun, dây chuyền hay phụ kiện thời trang. Thấy nhiều người mua, mình cũng tò mò đặt về. Nhưng khi nhận hàng, không ít lần mình tự hỏi: Mình mua cái này để làm gì? Có món mình chẳng bao giờ dùng tới”, Tiền chia sẻ.

Tiền cho biết mua hàng theo review rất hên xui, có món dùng được nhưng không ít món đồ cả có tác dụng gì. Cô kể về lần đặt mua miếng lót giữ độ phồng cho tóc khi đội mũ bảo hiểm, được review là “thần thánh”. “Mình mua vì thấy quá nhiều người lên clip khen, nhưng dùng thử thì chẳng có tác dụng gì mấy, tóc vẫn xẹp như thường. Hóa ra, không phải review nào cũng đáng tin”, Tiền nói.

‘Chốt đơn’ theo review trên mạng và cái kết…

Những clip review ngắn xuất hiện tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Tương tự, Nguyễn Thùy Linh (24 tuổi), ngụ tại đường Lũy Bán Bích, P.Tân Sơn Nhì, TP.HCM (trước đây là P.Tân Thành, Q.Tân Phú), cũng có thói quen mua sắm theo review. Nhớ lại lần mua đồ theo review trên mạng nhớ đời của mình, Linh vẫn còn hoang mang.

Linh kể: “Mình từng vào một nền tảng mạng xã hội để xem các clip review về một sản phẩm gel trị mụn. Nhiều video, trong đó có cả người nổi tiếng, họ chia sẻ rằng sản phẩm hiệu quả chỉ sau vài ngày. Bình luận bên dưới cũng toàn lời khen. Mình tin tưởng đặt mua ngay, nhưng dùng xong, mụn không những không giảm mà còn nặng thêm. Có lẽ sản phẩm không hợp da, hoặc đó chỉ là chiêu quảng cáo. Lúc đó lẽ ra mình nên tìm hiểu kỹ và nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ da liễu”.

‘Chốt đơn’ theo review trên mạng và cái kết...- Ảnh 2.

Nhiều bạn trẻ có thói quen mua sắm theo các clip review trên mạng

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Không chỉ thời trang, mỹ phẩm, nhiều người trẻ còn bị cuốn vào các clip review đồ ăn vặt. Huỳnh Thị Thanh Cúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Mình hay đặt đồ ăn vặt vì thấy các clip review hấp dẫn. Nhìn người ta ăn ngon, mình cũng muốn thử. Có món đúng là ngon, nhưng không ít món chẳng như review. Mỗi món tuy chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng tích lại cũng tiếc lắm”.

Cúc cho rằng thuật toán mạng xã hội có xu hướng hiển thị lại những nội dung mình từng quan tâm, khiến các clip review cứ lặp đi lặp lại. Điều đó tạo cảm giác ai cũng đang ăn, khiến mình nghĩ cần phải thử.

Để tránh “sa lầy” vào các clip review trên mạng

Thực tế cho thấy việc mua sắm theo review không phải lúc nào cũng mang lại trải nghiệm như mong đợi. Nhiều sản phẩm được quảng bá quá mức, chất lượng thực tế lại khiến người dùng thất vọng.

Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, nhận định: “Review sản phẩm không xấu. Nó cung cấp thông tin, trải nghiệm từ người dùng, giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn. Tuy nhiên, người trẻ cần tỉnh táo trước những lời khen ‘có cánh’ và lắng nghe nhu cầu thực sự của mình”.

Theo ông Tú, thói quen “chốt đơn” chỉ vì thấy sản phẩm xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội bắt nguồn từ tâm lý tiêu dùng và các chiến thuật marketing. “Khi một clip đánh trúng tâm lý, người xem dễ dàng đặt mua mà không suy nghĩ. Kết quả là nhiều món đồ mua về chỉ để… xếp xó, gây lãng phí”, ông nói.

Ông Tú cảnh báo nếu duy trì thói quen này, người trẻ không chỉ tốn tiền mà còn mất thời gian sa đà vào những clip review. “Hãy kiểm tra độ tin cậy của các clip review sản phẩm từ nhiều nguồn. Trước khi nhấn ‘đặt hàng’, hãy tự hỏi: Mình có thực sự cần món này? Mua về sẽ dùng vào việc gì? Còn không đừng vội mua. Với sản phẩm đắt tiền, hãy đến cửa hàng để được tư vấn trực tiếp. Review trên mạng xã hội không xấu, nhưng nếu không tỉnh táo, bạn dễ bị cuốn vào cơn lốc mua sắm vô nghĩa”, ông Tú khuyên.