Vướng về giá thuộc EVN giải quyết, vướng pháp lý giao Bộ Tư pháp
Công điện nêu rõ Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đã nhiều lần chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương. Nghị quyết 233 đã giúp giải quyết nhiều vướng mắc; các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện và hoàn thành một số nhiệm vụ. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành, một số nơi còn chưa làm hết trách nhiệm trong hỗ trợ dự án, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Trên tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan để sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo khẩn trương xử lý vướng mắc liên quan các dự án điện tái tạo
Ảnh: Nguyên Nga
Cụ thể, các vướng mắc liên quan chồng lấn quy hoạch, thủ tục đất đai đối với hơn 40 dự án điện mặt trời, điện gió đặt tại các địa phương Lâm Đồng, Đắk Lắk, TP.HCM, Khánh Hòa, Tiền Giang (nay là Đồng Tháp)… được Thủ tướng giao cho đích thân chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xử lý theo đề xuất của báo cáo Bộ Công thương trình trước đó và có báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 25.7. Còn lại, những vướng mắc về thống nhất giá mua bán điện đối với điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp theo mô hình trang trại, Thủ tướng giao Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN) xử lý; vướng mắc, khó khăn hưởng giá FIT của các dự án điện gió và điện mặt trời, giao Bộ trưởng Bộ Công thương, Tổng giám đốc EVN chỉ đạo rà soát, đề xuất, kiến nghị rõ phương án xử lý nêu tại báo cáo trước đó của Bộ Công thương, trên cơ sở đó lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan, tổng hợp, tiếp thu, giải trình báo cáo Chính phủ trước ngày 25.7.
Những vướng mắc nêu trên thuộc những dự án/phần dự án năng lượng tái tạo đã được Thanh tra Chính phủ kết luận tại Kết luận số 1027. Trong đó có 173 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió được công nhận ngày vận hành thương mại, và hưởng giá mua bán điện ưu đãi khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. Trong số các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án năng lượng, cơ quan chức năng đề xuất đối với các dự án xảy ra vi phạm, không đáp ứng đủ các điều kiện sẽ không được hưởng giá ưu đãi và phải xác định lại giá điện.
Đồng thời thu hồi các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ, thanh toán tiền mua điện. Do đó, thay vì được hưởng giá mua bán điện cao lên đến 9,35 cent/kWh (tương đương 2.231 đồng/kWh theo giá FIT 1) hoặc 1.692 đồng/kWh (tương đương 7,09 cent/kWh theo giá FIT 2), các dự án có nguy cơ hưởng mức giá bằng với các dự án chuyển tiếp là không quá 1.184,9 đồng/kWh. Nếu tính lại giá điện, các dự án sẽ sụt giá bán điện từ 24 – 47% so với mức giá mà EVN đang mua. Thế nên, từ đầu năm nay, EVN (thông qua Công ty Mua bán điện) đã giữ lại một phần tiền thanh toán qua việc áp dụng biểu giá tạm thời do chính doanh nghiệp này đề xuất.
Trước đó, báo cáo về kết quả triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 233 của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết liên quan đến giá FIT, EVN làm việc với các nhà đầu tư nhưng các báo cáo Bộ nhận về chỉ tổng hợp ý kiến của các chủ đầu tư dự án, chưa giải quyết các vướng mắc theo Nghị quyết 233. Các nhà đầu tư không nhất trí việc tạm thanh toán, áp dụng giá tạm… và cho biết nếu không có giải pháp phù hợp, doanh nghiệp sẽ kiện EVN ra tòa hoặc trọng tài quốc tế.
Đáng lưu ý, trước đó, trong báo cáo gửi Bộ Công thương cuối tháng 5, EVN cho rằng tập đoàn không đủ thông tin để đánh giá tác động tổng thể của các dự án điện mặt trời, điện gió có khó khăn, vướng mắc đến kinh tế – xã hội, ảnh hưởng môi trường đầu tư trong nước và quốc tế và đã đề nghị Bộ Công thương thực hiện việc đánh giá tác động này. Theo quan điểm của Bộ Công thương, những vướng mắc, khó khăn liên quan giá FIT của những dự án điện mặt trời mái nhà vẫn do EVN giải quyết. Về rủi ro về tranh chấp, khiếu kiện quốc tế đối với các dự án điện tái tạo, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với EVN và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá…
Nhà đầu tư sốt ruột
Trong thực tế, từ đầu năm đến nay, đã có ít nhất 3 thư kiến nghị của hiệp hội các nhà đầu tư Thái Lan, Nhật Bản… gửi Thủ tướng để cầu cứu về vấn đề hồi tố giá mua điện từ các dự án điện tái tạo. Lý do, EVN tính lại giá điện ưu đãi (giá FIT) mà các dự án này đã hưởng trước đó do thời điểm các dự án được công nhận vận hành thương mại (COD), chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các quy định tại thời điểm đó cũng không có ràng buộc quy định này. “Trường hợp thanh toán giá tạm và hồi tố giá điện ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin nhà đầu tư”, một nhà đầu tư ngoại nhấn mạnh.
Ngày 25.7, trao đổi với Thanh Niên, một số nhà đầu tư điện mặt trời tại khu vực miền Trung cho rằng doanh nghiệp đầu tư điện tái tạo đang gặp khó khăn khi hàng ngàn tỉ đồng tiền bán điện chưa được EVN thanh toán do vướng vấn đề pháp lý. Phần lớn các dự án đều nhận vốn từ các quỹ đầu tư hoặc các ngân hàng tài trợ vốn, bên cạnh chủ đầu tư thì các tổ chức tài chính này cũng đang rất đau đầu với phương án giá điện mới. “Hướng giải quyết phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư. Với các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hưởng giá FIT thì phải xác định lại giá bán theo quy định hiện hành. Song những dự án đã ký kết hợp đồng rồi và hợp đồng đang có hiệu lực, không thể hồi tố”, vị này nói.
Thạc sĩ Vũ Xuân Hưng, Trưởng phòng Pháp chế VCCI chi nhánh TP.HCM, cũng đồng tình rằng theo luật Ban hành văn bản, về nguyên tắc là không được hồi tố, không lấy quy định hiện tại để áp hành vi xảy ra trong quá khứ, ngoại trừ việc hồi tố đó có lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu quy định có nhưng cơ quan quản lý không nhắc, doanh nghiệp không biết áp dụng thì thuộc trường hợp khác, không phải là hồi tố.
Sau khi có Công điện chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp về công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, có phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí, thì cơ quan quản lý, ban ngành liên quan bắt buộc phải có hướng xử lý hợp tình hợp lý trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Để chậm nhiều năm quá rồi, điện có nguy cơ thiếu, phải giải quyết dứt điểm thôi, còn để kêu gọi đầu tư các dự án theo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh…
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm