Người phụ nữ 32 tuổi từ Ấn Độ dừng lại trước website một bệnh viện ở Việt Nam khi tìm kiếm thông tin chữa vô sinh, sau vài lần tư vấn từ xa đã quyết định cùng chồng bay sang TP HCM để biến ước mơ có con thành hiện thực.
Người vợ từng trải qua phẫu thuật nội soi để cắt bỏ khối u nang buồng trứng trái tại Trung Quốc, năm 2018. Cuộc mổ thành công nhưng vẫn để lại những ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng. Bệnh nhân còn phải điều trị bệnh suy giáp tự miễn Hashimoto, đồng thời mắc hội chứng buồng trứng đa nang – tình trạng gây rối loạn nội tiết tố và cản trở sự rụng trứng.
Về phía người chồng, xét nghiệm ghi nhận chất lượng tinh trùng yếu và tỷ lệ dị dạng cao, khiến khả năng thụ thai tự nhiên gần như bằng không. 6 năm qua, họ đi nhiều nơi, làm nhiều kiểm tra, thực hiện một số điều trị, nhưng ước mơ có con vẫn xa tầm với.
“Tôi chọn Việt Nam vì đọc được nhiều bài viết về tỷ lệ thành công cao trong điều trị vô sinh tại đây, ngay cả những ca rất phức tạp, lại ít tốn kém, nhân viên bệnh viện trả lời tư vấn, hướng dẫn rất tận tình dù liên hệ từ xa”, người vợ nói.

Cặp vợ chồng khi đến điều trị tại Việt Nam. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 24/7, BS.CKI Nguyễn Thành Đạt, Bệnh viện Phương Nam, cho biết tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân từ nước ngoài đến điều trị, nhưng trường hợp này để lại những ấn tượng đặc biệt. Hành trình tìm con của cặp vợ chồng này rất căng thẳng, nhiều thách thức.
Kíp điều trị hai lần chuyển phôi ngày 5 loại tốt, nhưng đều thất bại. Cặp vợ chồng “gần như cạn kiệt hy vọng, tính đến việc dừng lại”. Các bác sĩ thảo luận, đưa ra lựa chọn cuối cùng là chuyển nốt hai phôi ngày 2 còn lại.
“Đây là một quyết định khó khăn”, bác sĩ nói.
Về lý thuyết, phôi ngày 2 có tỷ lệ thành công thấp hơn. Nhưng trong thực tế, đó là cơ hội duy nhất còn lại, bởi hai phôi này khả năng sẽ không thể nuôi được đến ngày thứ 5, nguy cơ mất luôn hai phôi cuối cùng. Êkíp hy vọng môi trường tử cung sẽ phù hợp với sự phát triển của phôi hơn là môi trường labo. May mắn, người vợ đã đậu thai đôi.
Theo bác sĩ Đạt, sự kết hợp của rối loạn nội tiết, miễn dịch và chuyển hóa trong hai bệnh lý suy giáp tự miễn Hashimoto và hội chứng buồng trứng đa nang tạo nên môi trường không thuận lợi cho cả quá trình tạo noãn, phát triển phôi và làm tổ. Khi các tình trạng này cùng tồn tại, nguy cơ rối loạn phóng noãn tăng cao, khả năng đáp ứng bất thường với thuốc kích thích buồng trứng dễ xảy ra và chất lượng noãn có thể bị ảnh hưởng đáng kể, làm giảm số lượng phôi đạt chuẩn.
Trường hợp này, bác sĩ phải có chiến lược điều trị IVF được cá thể hóa, bao gồm kiểm soát chặt chẽ chức năng tuyến giáp, điều chỉnh kháng insulin, lựa chọn phác đồ kích thích buồng trứng phù hợp để tránh quá kích và đảm bảo chất lượng noãn tối ưu. Việc kiểm soát tốt hai bệnh lý nền không chỉ giúp cải thiện tỷ lệ thành công của IVF mà còn giảm nguy cơ biến chứng sản khoa, đảm bảo sự phát triển bền vững của thai kỳ sau chuyển phôi.

Hai bé song sinh chào đời tại bệnh viện ở Ấn Độ. Ảnh do gia đình cung cấp
Sau 12 tuần dưỡng thai tại Việt Nam, cặp vợ chồng trở về Ấn Độ với tất cả niềm hạnh phúc, mong chờ. Mới đây, hai bé gái song sinh cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Vardman – TP Muzaffarnagar, khép lại hành trình bao năm ròng rã của hai vợ chồng bằng niềm vui được nhân đôi.
Những năm qua, Việt Nam thu hút rất nhiều bệnh nhân từ khắp nơi trên thế giới đến thực hiện hỗ trợ sinh sản, ngay cả những nước phát triển, bởi tin tưởng vào tay nghề bác sĩ và giá thành thấp. Các kỹ thuật tiến bộ nhất trên thế giới đều có triển khai tại nước ta. Thậm chí, với kỹ thuật CAPA-IVM (nuôi trứng non trưởng thành trong ống nghiệm), Việt Nam là một trong những nước tiên phong. Nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản, phòng lab đạt các chứng chỉ chất lượng cao của quốc tế.
Lê Phương