
Chỉ còn 3 ngày nữa là hết hạn đăng ký nguyện vọng nhưng đến giờ vẫn còn nhiều thí sinh chưa biết nên điền những nguyện vọng nào. Nhiều trường ĐH sau khi công bố điểm sàn vẫn nấn ná chưa công bố hoặc có vẻ như muốn lờ đi việc công bố độ lệch điểm sàn, điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp. Việc này chủ yếu có 2 lý do. Một là đã công bố từ trước rằng “không có chênh lệch điểm xét giữa các tổ hợp xét tuyển” và hai là lúng túng không biết nên tính toán kiểu gì. Dù Bộ GD-ĐT có cung cấp bảng bách phân vị tổng điểm một số tổ hợp, nhưng thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, còn việc thực hiện như thế nào là việc của các trường.
Ngay Bộ GD-ĐT cũng đến sáng 22.7 mới công bố các bảng đối sánh phổ điểm một số tổ hợp xét tuyển, bách phân vị tổng điểm một số tổ hợp, tương quan giữa các điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ. Sau đó, một loạt trường mới công bố điểm sàn xét tuyển và bảng quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức. Nhưng không nhiều trường công bố điểm chênh giữa các tổ hợp (trong cùng một phương thức với cùng một ngành). Trong khi đó, lịch đăng ký nguyện vọng xét tuyển đã được bắt đầu từ ngày 16.7.
Thậm chí đến tận ngày 21.7, Bộ GD-ĐT còn ban hành công văn điều chỉnh chuẩn chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn, trong đó điều chỉnh “sàn” tuyển sinh của khối ngành này. Với nội dung điều chỉnh này thì “sàn” của nhóm ngành vi mạch bán dẫn là bao nhiêu phải do bộ này tính toán và công bố, nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ công bố nào liên quan.
Chưa bao giờ có một kỳ tuyển sinh mà các thuật ngữ chuyên sâu trong đo lường đánh giá giáo dục được sử dụng với tần suất cao trên các phương tiện thông tin đại chúng như năm nay. Mọi người bàn luận rôm rả nhưng rốt cục có vẻ như không ai biết ai đang nói về chủ thể nào! Nào là “bách phân vị”, nào là “quy đổi tương đương điểm”, nào là “so sánh tương quan”… Trong thông báo của các trường ĐH thì đầy những công thức “hack não”. Trên các diễn đàn, chính các chuyên gia về đo lường đánh giá giáo dục vẫn đang tranh luận.
Một số ý kiến cho rằng sở dĩ năm nay có vấn đề quy đổi điểm tương đương theo bách phân vị (giữa các phương thức, các tổ hợp xét tuyển) là do độ khó của đề thi các môn lệch nhau nhiều quá. Thực tế là từ khi Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi với mục đích “2 trong 1”, năm nào cũng xảy ra vấn đề chất lượng không đồng đều của đề thi các môn như Báo Thanh Niên đã có hàng loạt bài phân tích.
Tuy nhiên, năm nay, Bộ GD-ĐT quyết tâm đổi mới công tác xét tuyển, yêu cầu các trường không chia chỉ tiêu cho từng phương thức, từng tổ hợp, mà phải quy đổi điểm tương đương điểm chuẩn, trong khi yêu cầu đó chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng căn cứ thực hiện.
Rủi hơn nữa, sự thay đổi này lại diễn ra vào thời điểm quan trọng: kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cái khó khăn của đổi mới công tác xét tuyển gặp cái khó khăn của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Khó khăn gặp khó khăn, các trường ĐH phải xét tuyển trong bối rối, cũng là điều dễ hiểu.