
Ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tìm hiểu sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh được trưng bày bên lề Diễn đàn Mekong Startup 2024 tổ chức tại Đồng Tháp
ẢNH: TRẦN NGỌC
Mạnh dạn khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa
Đến khu sinh thái Vườn cò An Lạc nằm sâu trong kênh Thầy Hai (xã Đông Hòa, An Giang – trước đây là xã Đông Thạnh, H.An Minh, Kiên Giang) ai nấy đều bất ngờ thú vị với hàng chục ngàn con cò tự nhiên kéo về đậu trắng khu vườn dừa rộng hơn 1 ha của vợ chồng ông Danh Tính (46 tuổi) và bà Nguyễn Thị Mỹ Xuân. Khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, những cánh cò bay lượn trên bầu trời khiến du khách cảm thấy bình yên, thư thả giữa bộn bề lo toan của cuộc sống.
Ông Tính cho biết, khoảng năm 2014, gia đình ông trồng 700 gốc dừa để làm kinh tế. Khi dừa cho trái được vài năm thì cả trăm con cò, còng cọc, tu hú… kéo đến trú ngụ. Thấy chủ vườn không đuổi, không săn bắt nên cò kéo đến làm tổ, sinh sản ngày càng đông. Từ đó, ông Tính chủ động “nhường” vườn dừa cho cò ở.
Nắm bắt tiềm năng phát triển du lịch sinh thái từ đàn cò mang lại, năm 2023, ông Tính cất dãy nhà lá phục vụ ăn uống, xây thêm chòi canh và xây phòng lưu trú homestay phục vụ nhu cầu du khách đến tham quan vườn cò An Lạc. “Tôi quyết tâm bảo vệ đàn cò nên yêu cầu khách đến vườn không được phá, săn bắt cò. Tôi không thu vé, chỉ tăng thu nhập bằng việc phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi qua đêm. Khách đến nhiều chủ yếu vào dịp cuối tuần và ngày lễ, tết”, ông Tính nói.
Theo ông Tính, trước đây, địa phương có tổ chức cho ông tham gia lớp tập huấn kiến thức về khởi nghiệp và làm du lịch cộng đồng để ông có kinh nghiệm phát triển mô hình. Ngoài ra, địa phương còn giúp ông kết nối khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan vườn cò.

Ông Lê Trung Hồ, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang (bìa phải), tìm hiểu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên tỉnh An Giang
ẢNH: TRẦN NGỌC
Hiệu quả từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh
Tại An Giang, hiện có nhiều dự án, mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tương tự như ông Danh Tính. Đó là kết quả mang lại từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và các cuộc thi, hội nghị, tập huấn và đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo, ươm mầm cho nhiều cá thể khởi nghiệp tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm.
Điển hình, nhờ đúc kết kinh nghiệm từ cuộc thi khởi nghiệp, dự án trà mãng cầu xiêm 2 Đậu của anh Nguyễn Tấn Đậu (39 tuổi, ngụ xã Giồng Riềng, An Giang – trước đây là xã Thạnh Hòa, H.Giồng Riêng, Kiên Giang) đã đạt kết quả tốt. Từ việc tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nhiều nơi do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang (nay là An Giang) phối hợp tổ chức mà sản phẩm trà mãng cầu xiêm của anh Đậu được tiêu thụ rộng rãi. Hiện, mỗi tháng, anh cung cấp cho thị trường hơn 100 kg trà mãng cầu xiêm, mang về lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/tháng. Cơ sở của anh Đậu đã tạo việc làm cho khoảng 10 lao động nhàn rỗi, với mức thu nhập trung bình từ 3 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Khu sinh thái vườn cò An Lạc của ông Danh Tính
ẢNH: TRẦN NGỌC
Chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến (ngụ xã Bình Hòa, An Giang – trước đây là xã Bình Hòa, H.Châu Thành, An Giang) đã mạnh dạn tham gia cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp 2023 của tỉnh An Giang với dự án “Bánh phồng nấm rơm” và đạt giải nhất. Sau một thời gian có mặt trên thị trường, năm 2024, sản phẩm bánh phồng nấm rơm của chị Yến được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh An Giang.
Chị Yến cho biết: “Tôi có kế hoạch hướng đến việc đạt được các chứng nhận cao hơn, như: HACCP, Organic, GlobalGap… để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khắt khe. Hiện, cơ sở sản xuất và cung cấp cho thị trường 240 kg bánh/tháng. Đồng thời, tôi đang đầu tư máy móc, nhân lực để đạt sản lượng từ 500kg – 1 tấn bánh/tháng vào năm 2026”.

Anh Nguyễn Tấn Đậu với sản phẩm trà mãng cầu xiêm 2 Đậu tại hoạt động quảng bá sản phẩm, do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang (nay là An Giang) phối hợp tổ chức
ẢNH: TRẦN NGỌC
Để sản phẩm khởi nghiệp vươn xa
Phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang phát triển khá tốt tại An Giang. Trong đó, khu vực tỉnh An Giang (cũ), từ năm 2017 đến nay, thông qua các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp” tổ chức hằng năm đã có gần 800 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đăng ký dự thi ở nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, phát triển sản phẩm xanh, đổi mới sáng tạo, công nghệ mới gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, giảm lượng rác thải, ô nhiễm, một số ít là sản phẩm dịch vụ, du lịch…
Còn tại tỉnh Kiên Giang trước khi sáp nhập, các cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo các cấp của tỉnh đã thu hút hơn 450 ý tưởng và dự án từ học sinh, sinh viên, người dân, doanh nghiệp tham gia. Qua đó, có hơn 150 dự án, ý tưởng dự thi được xem xét, hỗ trợ kinh phí để phát triển trở thành sản phẩm cung cấp rộng rãi trên thị trường.

Chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến giới thiệu sản phẩm bánh phồng nấm rơm cho khách tham quan tại hoạt động xúc tiến do tỉnh An Giang tổ chức
ẢNH: TRẦN NGỌC
Việc sáp nhập 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang hình thành nên tỉnh An Giang mới giúp cho không gian phát triển kinh tế của tỉnh được mở rộng, với quy mô dân số gần 5 triệu người. Địa bàn An Giang hiện nay là sự kết hợp giữa đồng bằng, biên giới, biển đảo. Nếu khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, thủy sản nước ngọt, biên mậu, kết hợp với thế mạnh về đánh bắt nuôi trồng thủy sản và du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế…thì đây thực sự là mảnh đất vô cùng màu mỡ cho các chủ thể khởi nghiệp, sáng tạo và làm giàu, góp phần vào sự phát triển của chung tỉnh An Giang và cả nước.
Ông Lê Trung Hồ, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới. Tại An Giang, việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai bằng nhiều hình thức, phù hợp với tình hình điều kiện, đặc thù riêng của tỉnh và đã đạt được một số kết quả nhất định. Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn”.