Chiếc crossover thể hiện hình ảnh mới mẻ khi nội thất mang phong cách của một phòng tập gym, còn vận hành lanh lẹ đặc trưng xe điện.
Atto 3 là một trong ba mẫu xe đầu tiên mà BYD giới thiệu đến khách Việt bên cạnh Seal và Dolphin. Trong ba sản phẩm, Seal là sedan vốn không dành cho số đông, Dolphin có phần nhỏ so với nhu cầu gia đình, Atto 3 vì vậy “vừa miếng” nhất. Mẫu xe Trung Quốc là sản phẩm thuần điện đầu tiên trong phân khúc lỡ cỡ B+ (hoặc C-) tại Việt Nam, vì vậy vấp phải sự cạnh tranh của cả các mẫu xe cỡ B và C. Với người dùng yêu thích sự mới lạ và phá cách, Atto 3 là một trường hợp đáng để thử nghiệm.
Tương tự các sản phẩm khác của BYD, mẫu crossover cũng được thiết kế dựa trên ngôn ngữ Mặt Rồng (Dragon Face), con vật vốn là biểu tượng cao quý trong văn hóa Trung Quốc.
Như nhiều mẫu xe điện hiện nay, thiết kế Atto 3 chú trọng các đường cong nhằm mục đích tăng khả năng khí động học, từ đó tăng quãng đường. Cụm đèn pha dạng LED thích ứng, mảnh và sắc kết hợp dải đèn LED ban ngày nối liền, mô phỏng hình ảnh mắt rồng. Nối giữa cột C và D là miếng ốp nhựa với họa tiết vảy rồng giúp dáng xe trông dài hơn.
Tuy tổng thể ngoại thất an toàn, nội thất mẫu xe điện lại phá cách táo bạo, thậm chí có người cho là kỳ quặc bởi lẽ hãng lấy cảm hứng phòng gym. Các đường gân nổi trên táp-lô và táp-pi mô phỏng sợi cơ và đường cong cơ bắp, tay nắm cửa như dây kháng lực, cần số như tay cầm quả tạ, cửa gió điều hòa hình tạ tay.
Lần đầu ngồi trên xe, ai đó sẽ bối rối vì không tìm thấy lẫy mở cửa, bởi chi tiết này được tích hợp như vỏ bọc cho chiếc loa. Hệ thống loa trên cánh cửa tạo hình đàn guitar với ba sợi dây màu đỏ. Ngoài chức năng trang trí, người ngồi có thể thực sự chơi chúng như dây đàn, một điều thú vị khi lái xe buồn chán giữa dòng xe cộ đông đúc nội thành. Nhưng nếu liên hệ với hình ảnh phòng gym, dễ tưởng tượng đây là lưới của sàn đấm bốc.
Loại bỏ hộp số thường thấy trên xe xăng, Atto 3 có thêm không gian hổng ruột dưới yên ngựa, có thể chứa nhiều đồ, kể cả những túi xách của phụ nữ. Trong hộc này có hai cổng USB, khe cắm thẻ micro USB và cổng 12V. Cách bố trí này gọn gàng nhưng người dùng sẽ phải cúi xuống để tìm cổng thay vì cắm ở nơi dễ thấy trên bảng táp-lô. Tuy vậy, nếu cắm cố định, đây không phải là vấn đề lớn.
Màn hình thông tin giải trí 15,6 inch nổi choáng ngợp trong nội thất, và nếu muốn trông đỡ bành trướng, có thể sử dụng “đặc sản” của BYD, xoay 90 độ thành màn dọc thông qua nút trên màn hình hoặc vô-lăng. Kết nối Apple CarPlay và Android Auto không dây, nhưng có độ trễ khoảng nửa giây khi chuyển nhạc, nghe gọi, vì vậy để mượt mà, cách tốt nhất dùng kết nối có dây.
Trái ngược với màn hình giải trí cỡ lớn, màn hình tài xế lại rất khiêm tốn với kích thước chỉ 5 inch với các thông tin cơ bản, không thể tùy biến hiển thị để chỉnh chức năng như đàn em Atto 2. Điểm cộng của Atto 3 là vẫn giữ lại những nút, phím cứng cho chức năng được sử dụng nhiều như phanh tái sinh, chế độ lái, điều hòa. Nút cứng sẽ giúp tài xế không mất tập trung khi phải sử dụng lúc đang lái xe.
Ở hàng ghế sau, không gian Atto 3 khá thoải mái trong phân khúc B+, một ưu điểm đặc trưng của các dòng xe điện. Độ ngả hàng ghế sau khá tốt, khoảng cốp rộng với dung tích 440 lít. Đáng tiếc một chút khi khổ ghế ở hàng thứ nhất vì nhường không gian cho yên ngựa nên không quá rộng.
Atto 3 được đặt tên theo attosecond, đơn vị đo thời gian nhỏ nhất trong vật lý, hàm ý sự nhanh nhẹn. Với môtơ có công suất 201 mã lực, mô-men xoắn 310 Nm cho trọng lượng 1,7 tấn, Atto 3 thực tế tăng tốc không quá thốc hay giật kiểu xe điện mà có kiểu phản ứng ga khá tương đồng xe xăng, giúp người mới sử dụng dễ làm quen. Vô-lăng của xe nhẹ như các mẫu xe Trung Quốc nhưng điểm cộng là vẫn cho độ chật cần thiết và tin tay.
Nhà sản xuất dường như muốn người dùng dễ tiếp cận xe điện nên chế độ phanh tái sinh trên Atto 3 cũng không can thiệp quá thô bạo. Cả hai chế độ tái sinh Standard và High đều cho cảm giác nhẹ nhàng hơn so với kiểu phanh tái sinh của các mẫu xe điện trong phân khúc, mang lại cảm giác xe ít bị ghì khi nhấc chân ga.
Video: Minh Quân
Ngoài ra, hệ thống treo có độ êm ái, rất phù hợp di chuyển phố và đường trường ở tốc độ vừa phải, nhưng sẽ lâu triệt tiêu nhún khi phải lấy cua liên tục ở tốc độ cao. Tổng thể, khả năng vận hành của Atto 3 có thể gói trong hai chữ “vừa phải”. Một đặc điểm chung của khá nhiều hãng xe Trung Quốc là công suất rất lớn, dư thừa so với hạn chế vật lý của hệ thống khung gầm, đặc biệt là hệ thống treo, khiến xe thường khó kiểm soát nếu đạp ga mạnh, tốc độ cao. Atto 3 và các mẫu xe của BYD nói chung đã tránh được việc này khi đặt một sức mạnh vừa phải, để có một “combo” đầu ra cho cảm giác yên tâm với số đông.
Bên cạnh lái, hệ thống an toàn ADAS của Atto 3 hoạt động khá hiệu quả. Camera 360 độ cùng chế độ 3D, xuyên gầm hữu ích khi len lỏi trong những khu chợ, khu dân cư đông đúc, hay chế độ đổ đèo giúp xe ghìm lại mà không cần sử dụng quá nhiều lực phanh.
Hệ thống radar, cảm biến làm việc nhạy và chính xác. Ngay cả trong thời tiết mưa lớn, Adaptive Cruise Control vẫn nhận diện xe phía trước và giữ khoảng cách hiệu quả. Trong điều kiện tương tự, một số mẫu xe Đức không nhận diện được và liên tục hiển thị cảnh báo trên màn hình. Ở chế độ giữ làn đường, Atto 3 cũng can thiệp vô-lăng nhẹ và mượt, không bị giật cục.
Cung cấp khả năng vận hành đến từ khối pin LFP 60,48 kWh “của nhà trồng được” kiểu lưỡi dao Blade Battery. Đây cũng là con át chủ bài của BYD trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ xe điện hay các ông lớn trong ngành xe hơi. LFP có độ ổn định nhiệt cao hơn, mật độ năng lượng lớn hơn, giá thành rẻ hơn so với pin lithium-ion.
Quãng đường di chuyển 480 km trong một lần sạc. Nếu chọn phiên bản thấp hơn, dung lượng chỉ còn 49,92 kWh và hoạt động 410 km. BYD công bố Atto 3 có thể nhận tốc độ sạc nhanh DC 88 kW nhưng trên thực tế có thể lên tới 91 kW, thời gian sạc 20%-80% trong 30 phút. Trong trời nóng, tốc độ sạc vẫn được duy trì liên tục ở khoảng 90 kW. Từ 80% trở đi, tốc độ sạc giảm dần, đến 99% còn 16 kW và mất 4 phút để sạc lên 100%. Có nghĩa nếu sạc từ 20% ở trụ 120 kW, sẽ mất 1 tiếng 4 phút để sạc đầy.
Nếu sạc tại nhà hay dùng cổng AC, thời gian sẽ kéo dài từ 6 đến 8 tiếng tùy công suất. Ở chiều ngược lại, tính năng V2L (Vehicle To Load) là trang bị tiêu chuẩn của Atto 3 nói riêng và xe BYD chạy điện nói chung, có thể cung cấp năng lượng cho những thiết bị bên ngoài thông qua súng sạc kèm 4 ổ cắm của BYD.
Với mức giá 766-886 triệu đồng, Atto 3 có khoảng giá nằm giữa so với 11 mẫu xe cùng phân khúc B+. Atto 3 là một lựa chọn cho một gia đình trẻ trung, cần một chiếc xe có không gian đủ thoải mái, cho trải nghiệm năng lượng sạch. Nếu không có điều kiện sạc tại nhà riêng, người dùng sẽ tốn thời gian hơn để tìm điểm sạc, đặc biệt các điểm công suất lớn để tiết kiệm thời gian. Bài toán này của BYD có thể sẽ dần được giải quyết khi có nhiều hơn các công ty cung cấp trạm sạc vào Việt Nam thời gian tới.
Minh Quân