Vì sao Ukraine chi 172 triệu USD mua loạt tên lửa cũ mà Mỹ đã loại biên?

Vì sao Ukraine chi 172 triệu USD mua loạt tên lửa cũ mà Mỹ đã loại biên?

bởi

trong
Vì sao Ukraine chi 172 triệu USD mua loạt tên lửa cũ mà Mỹ đã loại biên?

Tên lửa Hawk (Ảnh: Defense Express).

Chính phủ Ukraine sẽ chi 172 triệu USD để mua xe chuyên dụng, linh kiện, gói huấn luyện, bảo dưỡng và các dịch vụ khác cho các tổ hợp phòng không Hawk do Mỹ sản xuất.

“Thương vụ đề xuất này sẽ hỗ trợ các mục tiêu đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách tăng cường năng lực tự vệ của Ukraine”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Hawk đang trở thành một trong những vũ khí phòng không quan trọng nhất trong kho vũ khí của Ukraine. Không phải vì nó đặc biệt hiện đại: Tên lửa Hawk ra đời từ cuối những năm 1950, tức là lâu hơn cả một thế hệ so với các hệ thống phòng không tối tân nhất của Ukraine hiện nay, các tổ hợp Patriot cũng do Mỹ sản xuất.

Điểm mạnh nhất của Hawk không nằm ở độ mới, mà là sự đơn giản, độ tin cậy và quan trọng nhất là số lượng dồi dào. Một cơ sở mới tại bang Oklahoma (Mỹ) đang tân trang hàng nghìn quả tên lửa dài 5m của hệ thống Hawk.

Hawk là tên lửa đất đối không tầm trung. Mỗi quả tên lửa, được phóng từ bệ phóng 3 ống, có tầm bắn khoảng 48km. Tên lửa này tự dẫn theo tín hiệu phản xạ từ radar mặt đất để tìm mục tiêu trên không. Không quân Ukraine dẫn lời các “chuyên gia” cho rằng Hawk có độ chính xác lên tới 85%, ngang với nhiều loại tên lửa đời mới hơn.

Ngoài ra, các phiên bản Hawk mới còn có thể tương thích với một hệ thống tên lửa hiện đại khác mà Ukraine cũng đang sử dụng: Hệ thống Phòng không Tầm trung Tiên tiến Quốc gia Mỹ – Na Uy, gọi tắt là NASAMS.

Tập đoàn Na Uy Kongsberg – đơn vị chế tạo NASAMS – đã phát triển một sở chỉ huy kỹ thuật số mới cho các tổ hợp Hawk, sử dụng các thành phần chính của NASAMS. Điều này mở ra khả năng không quân Ukraine có thể kết hợp các tổ hợp NASAMS và Hawk thành một lực lượng duy nhất, dùng chung radar và sở chỉ huy.

Trong nhiều thập kỷ, Hawk là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung tiêu chuẩn của NATO, cho đến khi Patriot xuất hiện vào những năm 1980, với tầm bắn gấp 3 lần và đầu dò tinh vi hơn nhiều.

Quân đội Mỹ đã loại biên Hawk vào đầu những năm 2000, sau khi hệ thống Patriot trở thành lực lượng chủ lực phòng không tầm trung – xa.

Một số nước NATO và đồng minh cũng ngưng sử dụng hoặc thay thế Hawk bằng các hệ thống hiện đại hơn như NASAMS, SAMP/T, hoặc Patriot.

Raytheon đã sản xuất hàng chục nghìn tên lửa Hawk. Nhiều thập niên sau, hàng nghìn quả tên lửa này vẫn nằm trong kho của các lực lượng vũ trang trên khắp thế giới.

Trước tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tên lửa Patriot, khi Lockheed Martin chỉ sản xuất tối đa 600 quả mỗi năm cho hàng chục quốc gia, những quả tên lửa Hawk cũ đang trở nên vô giá với Ukraine. 

Cho đến nay, Tây Ban Nha, Hà Lan và Mỹ đã viện trợ đủ radar và bệ phóng để Ukraine triển khai khoảng 4 tổ hợp Hawk, mỗi tổ hợp gồm nhiều radar và bệ phóng.

Tuy nhiên, một cơ sở mới của Lục quân Mỹ tại Oklahoma, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2, đang thu thập, tân trang và có thể nâng cấp hàng nghìn tên lửa cũ cho 4 tổ hợp nói trên.

Trước khi cơ sở Giám sát Sẵn sàng Tác chiến này mở cửa, Lục quân Mỹ đã kiểm tra được 2.751 tên lửa trong kho dự trữ, một “thành tựu to lớn cho thấy quy mô của chiến dịch”, theo mô tả của lực lượng.

Hàng trăm tên lửa khác đang được chuyển đến từ các đồng minh của Ukraine. “Ngoài việc xử lý các tên lửa từ Mỹ, cơ sở mới còn tiếp nhận 825 tên lửa và các thiết bị do 6 quốc gia khác viện trợ, cho thấy tầm quan trọng toàn cầu của hệ thống Hawk trong phòng không”, Lục quân Mỹ cho biết.

Nhiều khả năng, phần lớn số tên lửa này sẽ được chuyển sang Ukraine. Thương vụ bán thiết bị Hawk mới đây của Mỹ cho Ukraine chỉ là bước tiếp theo trong chuỗi các thỏa thuận song phương liên quan đến hệ thống này.

Trong số rất nhiều hệ thống phòng không Mỹ và châu Âu mà Ukraine đang sử dụng để bảo vệ các thành phố, tổ hợp Hawk có thể là loại có nhiều đạn dược nhất.

Vẫn chưa rõ cơ sở Oklahoma có thể tìm thêm bao nhiêu tên lửa nữa cho Ukraine, nhưng cần lưu ý rằng Raytheon từng sản xuất tới 40.000 quả và chỉ có rất ít quốc gia từng dùng chúng trong chiến đấu thực tế.