Năm 2026, Hà Nội sẽ mở rộng phạm vi vùng phát thải thấp

Năm 2026, Hà Nội sẽ mở rộng phạm vi vùng phát thải thấp

bởi

trong

Theo Chỉ thị 20, đến ngày 1.7.2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ 1.1.2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Xây dựng vùng phát thải thấp là nhiệm vụ đột phá

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh” do Báo điện tử Dân trí phối hợp với Văn phòng UBND TP.Hà Nội tổ chức, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở NN-MT Hà Nội, cho biết vùng phát thải thấp (LEZ) là nhiệm vụ đột phá của thành phố khi đưa vào luật Thủ đô 2024. Và, Hà Nội là tỉnh thành đầu tiên trên cả nước thực hiện vùng phát thải thấp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.

Năm 2026, Hà Nội sẽ mở rộng phạm vi vùng phát thải thấp

Phó trưởng Phòng Quản lý môi trường Lưu Thị Thanh Chi phát biểu tại buổi tọa đàm

ẢNH: KHẮC HIẾU

Về vùng phát thải thấp, bà Chi cho biết theo Nghị quyết 47/NQ-HĐND ngày 12.12.2024 của HĐND Thành phố thì Vùng phát thải thấp sẽ được thực hiện thí điểm tại 2 vùng lõi trung tâm Thủ đô là quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (cũ), hiện nay là địa bàn của 5 phường mới sau khi thực hiện chính quyền 2 cấp

Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12.7.2025 của Thủ tướng Chính phủ, để thống nhất các giải pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp, Sở NN-MT đang tham mưu UBND TP.Hà Nội trong giai đoạn trước mắt thì sẽ mở rộng thí điểm vùng phát thải nằm trong Vành đai 1, gồm 9 phường mới, không chỉ gói gọn trong địa bàn 5 phường của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình cũ.

Tiếp sau đó, vùng phát thải thấp sẽ được mở rộng tiếp, áp dụng cho các phường, xã nằm trong phạm vi Vành đai 2, 3 trở vào theo lộ trình đảm bảo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 20/CT-TTg, đó là đến ngày 1.7.2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Từ 1.1.2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3″, bà Chi nói.

Năm 2026, Hà Nội sẽ mở rộng phạm vi vùng phát thải thấp- Ảnh 2.

Năm 2026, Hà Nội sẽ mở rộng phạm vi vùng phát thải thấp từ Vành đai 2

ẢNH: KHẮC HIẾU

Theo bà Chi, trong giai đoạn vừa qua, Sở NN-MT đã tham mưu thành phố giải quyết một số nguồn gây ô nhiễm không khí. Ví dụ đối với nguồn gây ô nhiễm từ dân sinh, chúng ta đã thành công trong việc chấm dứt gần như hoàn toàn việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt. Đây là nguồn phát thải các khí độc hại ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Để có được sự thành công này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp còn có sự đồng hành của người dân. Do đó, chúng ta tin tưởng với giải pháp lập các vùng phát thải thấp kết hợp với các chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông, kiện toàn hệ thống giao thông công cộng… để từng bước giảm ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông, mang lại lợi ích kinh tế, môi trường sống trong lành hơn, khỏe mạnh hơn cho cộng đồng thì người dân Hà Nội sẽ đồng tình, chung sức ủng hộ và giải pháp này chắc chắn sẽ thành công.

Sử dụng hàng triệu xe máy cũ làm suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long, trên địa bàn Hà Nội hiện có 6,9 triệu xe máy và xấp xỉ gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động, trong đó 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ.

Dẫn nghiên cứu cho thấy xe máy là nguồn phát thải chính tại đô thị, ông Long cho biết xe máy gây ra 94% lượng hydrocarbon (HC), 87% khí CO, 57% NOx và 33% bụi mịn PM10 từ giao thông.

Kết quả phân tích trên cho thấy nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Hà Nội là từ phương tiện giao thông đường bộ (bao gồm cả bụi đường), theo thống kê chiếm trên 50% tùy từng thời điểm.

“Việc tiếp tục sử dụng hàng triệu xe máy cũ không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội mà còn làm suy giảm chất lượng không khí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân”, theo ông Long, đây cũng là cơ sở quan trọng để Hà Nội đẩy mạnh chính sách vùng phát thải thấp và chuyển đổi phương tiện giao thông xanh trong thời gian tới.

Theo Chỉ thị số 20 ngày 12.7, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai lộ trình không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực trung tâm từ giữa năm 2026, đồng thời mở rộng vùng phát thải thấp trên toàn thành phố đến năm 2030.

Bài viết có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội.