Sáng 2.4, giá xăng dầu giảm nhẹ, dầu Brent giảm 28 cent, tương đương 0,37%, xuống 74,49 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm giá dầu Brent vượt mức 75 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 28 cent, tương đương 0,39%, xuống 71,2 USD/thùng.
Theo Reuters, thị trường dầu thô đang lo lắng do một số nguồn cung từ 3 thị trường Mexico, Venezuela và Canada có thể giảm. Trong khi đó, kết quả thăm dò của Reuters với 49 nhà kinh tế và nhà phân tích trong tháng 3 cho thấy, giá dầu vẫn sẽ bị nhiều áp lực do thuế quan của Mỹ; suy thoái kinh tế ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Các nhà phân tích nhận định, các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với Iran, Venezuela và Nga có thể hạn chế nguồn cung toàn cầu. Chính sách thuế quan của Mỹ có thể làm giảm nhu cầu năng lượng trên thế giới và làm chậm tăng trưởng kinh tế, khiến nhu cầu nhiên liệu giảm trong bối cảnh nguồn cung lại tăng. Từ tháng 4 này, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ tăng sản lượng dầu thêm 138.000 thùng/ngày, dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 135.000 thùng/ngày vào tháng 5. Đây sẽ là lần tăng thứ 2 trong tháng theo kế hoạch, hạn chế việc cắt giảm mà nhóm này áp dụng kể từ năm 2022.

Giá xăng trong nước được dự báo sẽ tăng tiếp từ chiều ngày mai (3.4)
ẢNH: PHẠM HỮU
Hôm nay (2.4), thị trường có thể biến động do Mỹ công bố mức thuế quan đối ứng lên các nước như từng tuyên bố trước đó.
Trong nước, cập nhật giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường tham chiếu Singapore đến sáng nay cho thấy, xăng dầu có thể tăng đồng loạt vào kỳ điều chỉnh giá chiều mai (ngày 3.4). Theo đó, mức tăng đối với xăng cao hơn, dao động trong khoảng 400 – 500 đồng/lít; mức tăng của giá dầu dao động từ 150 – 270 đồng/lít/kg. Dự báo này chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cũng đưa ra dự báo, giá xăng dầu có thể tăng từ 0,3 – 1,9% nếu liên bộ Tài chính – Công thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn. VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON92 vào chiều mai có thể tăng 300 đồng/lít, xăng RON 95-III có thể tăng 386 đồng/lít.