Người tiêu dùng có quyền đem sản phẩm, hàng hóa đi kiểm định?
Từ ồn ào của vụ kẹo rau củ Kera, có nhiều câu hỏi được đặt ra. Một trong số đó là: “Khi cảm thấy sản phẩm, hàng hóa “có vấn đề”, thì người tiêu dùng có quyền được tự ý mang đi kiểm định, rồi công khai kết quả hay không?”.
Giải đáp câu hỏi này, luật sư Nguyễn Trung Tín, Giám đốc Công ty luật Tín & Associates (Q.1, TP.HCM), cho biết căn cứ theo Điều 5 luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về những hành vi cấm và Điều 9 của luật này quy định về quyền của người tiêu dùng thì người tiêu dùng vẫn có quyền đem sản phẩm, hàng hóa đi kiểm định.
“Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên tự ý tung lên mạng xã hội kết quả kiểm định và tự nhận định theo đánh giá chủ quan. Điều này không chỉ giúp tránh rủi ro pháp lý mà còn góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng văn minh và lành mạnh”, luật sư Tín lưu ý.

TikToker “Sư tử ăn chay” là một trong những người tố điểm bất ổn trong sản phẩm kẹo Kera
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Luật sư này lý giải: “Bởi vì kết quả kiểm định thường chỉ đại diện cho một mẫu thử nghiệm để cho ra kết quả đó chứ không mang tính bao quát cho tất cả các sản phẩm. Kết quả kiểm định chưa phải là kết quả cuối cùng, chính thức. Việc công bố kết quả kiểm định lên mạng xã hội có thể sẽ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về bản chất của kết quả kiểm định đó, gây ra hiểu lầm, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp và đẩy rủi ro pháp lý về phía người cung cấp thông tin”, luật sư Tín nói.
Vụ ồn ào kẹo rau củ Vì sao TikToker Sư Tử Ăn Chay xin lỗi
Phân tích thêm về những rủi ro pháp lý, luật sư Tín cho biết hành vi tự ý mang hàng hóa đi kiểm định, rồi công bố kết quả rộng rãi trên mạng xã hội là nguy cơ cao khiến cho người đưa tin có thể bị khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại. Có thể vi phạm quy định tại khoản 12 Điều 5 luật An toàn thực phẩm 2010 là “đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh”. Có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ theo điểm b khoản 4 Điều 23 Nghị định 115/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với mức xử phạt từ 50 – 70 triệu đồng, đồng thời buộc cải chính thông tin đối với vi phạm này.
“Rủi ro pháp lý đáng ngại hơn, đó là có thể vi phạm pháp luật hình sự, căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội vu khống. Sẽ bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 1 năm. Một rủi ro khác là vi phạm pháp luật cạnh tranh, theo khoản 3 Điều 45 luật Cạnh tranh 2018 quy định về hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh. Căn cứ theo khoản 2 Điều 18 và khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP thì bị phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng đối với hành vi trên. Có thể bị khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại”, luật sư Tín nói thêm.
Khi nghi ngờ sản phẩm hàng hóa nào đó làm gian dối, cần làm gì?
Một thắc mắc khác đó là: “Khi nghi ngờ sản phẩm hàng hóa nào đó làm gian dối, quy trình đúng trong việc kiểm định thực phẩm sẽ như thế nào?”.
Theo luật sư Tín, quy trình đúng gồm 4 bước. Bước một là người tiêu dùng nên chụp hình, quay video tình trạng hàng hóa. Cần lưu giữ hóa đơn, phiếu mua hàng (nếu có). Không vội tung thông tin lên mạng khi chưa có bằng chứng chính xác để tránh rủi ro pháp lý (vu khống, thông tin sai sự thật…). Có thể tự đi kiểm nghiệm và kết quả kiểm nghiệm một trong những căn cứ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyền lợi. Bước hai là thực hiện quyền yêu cầu đến cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm do Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chỉ định (theo Điều 45 Luật An toàn thực phẩm 2010)”.
Luật sư Tín hướng dẫn tiếp: “Bước ba, cơ quan nhà nước tiến hành kiểm nghiệm (theo quy định Luật An toàn thực phẩm 2010; Nghị định 15/2018/NĐ-CP). Theo đó, sẽ thực hiện một hoặc các hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, bao gói, dụng cụ, vật liệu chứa đựng thực phẩm. Bước bốn, cơ quan nhà nước căn cứ vào kết quả để xử lý (có thể xử phạt hành chính; bị thu hồi, tiêu hủy hàng hóa; khởi tố hình sự (tội sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng)”.
Luật sư Tín cũng khuyến cáo: “Có thể tham khảo danh sách cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm được công bố trên trang của Bộ Công thương. Một vài đơn vị, cơ quan uy tín như: Viện Y tế công cộng TP.HCM, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM…”.
Theo luật sư Nguyễn Trung Tín, sở dĩ trong luật An toàn thực phẩm 2010 (hiện hành), có những quy định rõ đến việc kiểm định thực phẩm (cụ thể là Điều 45) vì nhiều lý do.
Thứ nhất, nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan:
+ Với người tiêu dùng: Kết quả kiểm nghiệm phải đáng tin cậy, để người tiêu dùng biết rõ sản phẩm có an toàn hay không;
+ Với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh: Kết quả kiểm nghiệm phải khách quan để tránh gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng danh tiếng vì những thông tin sai lệch;
+ Với cơ quan quản lý nhà nước: Cần có cơ sở pháp lý và kỹ thuật rõ ràng, minh bạch để ra quyết định xử phạt, thu hồi, đình chỉ hoặc cảnh báo người dân.
Thứ hai, tránh lạm dụng hoặc xuyên tạc kết quả kiểm nghiệm: Nếu không yêu cầu tuân thủ quy trình chuyên môn, bất kỳ ai cũng có thể lấy mẫu, kiểm nghiệm tùy tiện, rồi công bố những thông tin chưa kiểm chứng đầy đủ, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, gây hoang mang dư luận.
Thứ ba, bảo vệ và duy trì tính quản lý nhà nước bằng quy định pháp luật: Nếu ai cũng có thể tự kiểm nghiệm và công bố thông tin sai lệch thì dễ dẫn đến tranh chấp không kiểm soát được giữa người tiêu dùng – doanh nghiệp – cơ quan quản lý. Có thể bị lợi dụng để bôi nhọ, hạ uy tín đối thủ cạnh tranh, gây ra cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.