Mark Zuckerberg cố tình kìm hãm sự phát triển của Instagram?

Mark Zuckerberg cố tình kìm hãm sự phát triển của Instagram?

bởi

trong

Instagram bị ‘bỏ đói’ sau khi về tay Facebook

Theo TheVerge, tại phiên tòa chống độc quyền giữa Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và Meta diễn ra ngày 22.4 tại Washington D.C., đồng sáng lập Instagram – ông Kevin Systrom – đã đưa ra những cáo buộc về cách Mark Zuckerberg kìm hãm Instagram sau khi mua lại ứng dụng này vào năm 2012.

Systrom – người đã rời đi vào năm 2018 – cho biết sau khi Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỉ USD, thay vì được hỗ trợ để phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội trên điện thoại thông minh này lại bị hạn chế tài nguyên một cách có chủ đích. Ông cho rằng Zuckerberg lo ngại sự phát triển nhanh chóng của Instagram sẽ làm giảm sự phát triển trên Facebook nên đã cắt giảm hỗ trợ và ngăn cản các tính năng tích hợp giữa hai nền tảng.

Mark Zuckerberg cố tình kìm hãm sự phát triển của Instagram?

Kevin Systrom – đồng sáng lập và là CEO Instagram, đã rời Facebook vào năm 2018

Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Ông dẫn số liệu vào năm 2018, khi Instagram đạt 1 tỉ người dùng (tương đương khoảng 40% quy mô của Facebook) thì đội ngũ nhân sự của Instagram chỉ có khoảng 1.000 người, trong khi mạng xã hội do Mark Zuckerberg khai sinh có tới 35.000 nhân viên.

Điểm nhấn trong lời khai của Systrom là việc Zuckerberg xem Instagram như một mối đe dọa đối với Facebook. Ông nói CEO Facebook đã cắt các tính năng tích hợp giữa hai ứng dụng như chia sẻ chéo và thông báo nhằm ngăn Instagram phát triển quá nhanh. Khi Facebook đầu tư mạnh vào phát triển video với đội ngũ 300 nhân viên thì Instagram không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào trong lĩnh vực này. Tương tự các vấn đề về quyền riêng tư và phản ứng với các đối thủ như Snapchat, Instagram cũng bị “bỏ đói” tài nguyên.

Đáp lại các cáo buộc, Meta nói đã đầu tư đáng kể vào Instagram, bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hệ thống quảng cáo và các công cụ tăng trưởng người dùng. Tuy nhiên, Systrom phản bác rằng trước khi được Facebook mua lại, Instagram đã có hạ tầng ổn định và kiểm soát các bài đăng rác (spam) hiệu quả, và Instagram hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ mà không cần sự hỗ trợ từ Meta.

Phiên tòa giữa FTC và Meta được xem là một trong những vụ kiện chống độc quyền lớn và gây chú ý trong ngành công nghệ Mỹ. Trong đó, FTC cáo buộc Meta đã mua lại Instagram và WhatsApp nhằm loại bỏ các đối thủ tiềm năng, duy trì vị thế độc quyền trong lĩnh vực mạng xã hội. Nếu FTC thắng kiện, Meta có thể buộc phải tách Instagram và WhatsApp thành các công ty độc lập.