Đúng 11 giờ ngày 30.4.1975, xe tăng T-54 số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận làm trưởng xe đã húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập, sau đó bị chết máy. Xe tăng T-59 số hiệu 390 đi sau lập tức xông lên húc đổ cánh cổng chính. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe và chạy lên nóc Dinh Độc Lập cắm lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Pháo thủ số 1 xe tăng 390 Ngô Sỹ Nguyên
ẢNH: ĐÌNH HUY
50 năm đã trôi qua nhưng những ký ức đó vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí pháo thủ số 1 xe tăng 390 Ngô Sỹ Nguyên (quê Nghệ An).
Mở tủ lấy tập tài liệu là những hình ảnh thời còn chiến đấu đưa cho chúng tôi, ông Nguyên kể, đây là những khoảnh khắc vinh dự nhất trong cuộc đời mình. Những câu nói rành rọt, rõ ràng ngỡ như câu chuyện vừa mới hôm qua.
Trận chiến ác liệt trên đường tiến quân vào Sài Gòn
Tháng 8.1971, chàng thanh niên Ngô Sỹ Nguyên tròn 18 tuổi, xung phong lên đường nhập ngũ với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai…”. Sau thời gian huấn luyện bộ binh khoảng 3 tháng, do thể hiện được biệt tài bắn súng giỏi nên ông được nhận về đơn vị Tăng thiết giáp, đảm nhiệm vị trí pháo thủ xe tăng T-59, số hiệu 390 (Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2).
Cuối năm 1971, sau khi đã hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản, ông Nguyên nhận nhiệm vụ vào Nam chiến đấu. Những ngày đầu, đơn vị chủ yếu đóng quân, tham gia chiến đấu tại khu vực biên giới Việt Nam – Lào với mục tiêu giải phóng Huế. Tại đây những trận chiến ác liệt đã xảy ra khi địch rải bom để chặn đường tiến công của ta. Quãng đường hành quân nhiều tháng của đơn vị ông Nguyên từ Quảng Bình – nước Lào – Huế đã hy sinh 10 chiến sĩ.
Sau khi tập kết tại A Lưới (Huế), đơn vị của ông Nguyên tiếp tục huấn luyện, chuẩn bị tốt nhất cho những chiến dịch sắp tới.
Ngày 15.3.1975, Lữ đoàn Xe tăng 203 nhận lệnh bỏ lại căn cứ, xuất phát từ A Lưới (Huế) đi theo QL14B, TT.Khe Tre (H.Nam Đông, Huế) xuống đánh trận Núi Bông, Núi Nghệ và Mỏ Tàu. Trên chiếc xe tăng 390 khi đó có trung úy Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên đại đội; lái xe là trung sĩ Nguyễn Văn Tập; pháo thủ số 1 là trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên; thiếu úy Lê Văn Phượng, Phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2.

Ông Nguyên nhớ lại những trận chiến trên đường tiến quân vào Sài Gòn
ẢNH: ĐÌNH HUY
Đến ngày 25.3.1975, đơn vị đã tiến vào giải phóng Huế, sau đó được lệnh ra cửa Thuận An để chặn đường rút chạy của quân địch. Đêm 29.3.1975, đơn vị ông Nguyên tiếp tục nhận lệnh vượt đèo Hải Vân, tiến vào giải phóng Đà Nẵng cùng các cánh quân khác. Trong 1 thời gian ngắn, chúng ta tiêu diệt hàng vạn quân địch và làm chủ các căn cứ quân sự khiến địch vô cùng hoang mang.
“Tại Đà Nẵng, chúng tôi bổ sung dầu, mỡ nước cho xe tăng, chiến sĩ Bùi Quang Thận chuyển từ xe tăng 386 sang xe tăng 843. Sau đó, chúng tôi hành quân đường bộ vào Sài Gòn”, ông Nguyên kể.
Trên đường tiến vào Sài Gòn, đơn vị tiếp tục gặp phải những căn cứ quân sự của địch cản bước tiến. Khó khăn và ác liệt nhất là trận đánh vào căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai). Đây là cụm căn cứ quân sự quan trọng của địch, gồm: trường thiết giáp, trường bộ binh và trung tâm huấn luyện biệt kích với lực lượng khoảng gần 4.000 lính, cùng khoảng 40 xe tăng, thiết giáp có thể chi viện cho nhau.
Ông kể, địch bố trí, xây dựng căn cứ trong rừng cao su kín, dù ta đã dùng 2 tiểu đoàn tấn công nhưng không thành. Đánh trận này, nhiều chiến sĩ hy sinh, xe cháy, nhưng tinh thần của ta lên cao, người này ngã xuống, người khác lại tiến lên rất dũng cảm.
Sáng 28.4, xe tăng 390 vừa hành quân đến trận địa thì được lệnh lập tức tham gia chiến đấu. Xem qua địa hình thấy địch trong rừng cao su bắn ra nhưng ta không nhìn thấy địch để tấn công lại, ông Nguyên đề nghị đồng đội bắn lên lưng chừng cây, mảnh đạn nổ ra như quả bom văng xuống căn cứ khiến chiếc xe tăng của địch lộ ra. Ngay lập tức, trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên ra hiệu cho pháo thủ số 2 thay đạn nổ bằng đạn xuyên giáp, hướng thẳng xe tăng địch mà bắn.
Sau đó, xe tăng 390 cùng nhiều xe tăng khác liên tục khai hỏa tiêu diệt, áp chế hỏa lực của địch, yểm trợ cho bộ binh chiếm lĩnh trận địa. Đầu giờ chiều cùng ngày, Nước Trong được giải phóng đã tạo điều kiện cho quân đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đánh xong trận này, xe tăng 390 dính nhiều “vết thương” nhưng may mắn mọi người đều an toàn.
Những chiến sĩ hy sinh cho thắng lợi cuối cùng
Sau trận Nước Trong, đến sáng 30.4, Tiểu đoàn tăng 1 do ông Ngô Văn Nhỡ làm Tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chủ công mở đường vào Sài Gòn, Đại đội 3 có nhiệm vụ cắm cờ trên Dinh Độc Lập.
Mũi thọc sâu bắt đầu đánh từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một, đến cầu Sài Gòn. Tại cầu Sài Gòn – lá chắn cuối cùng của quân địch tại cửa ngõ Sài Gòn, địch chống trả rất quyết liệt khiến quân ta hy sinh nhiều, trong đó hình ảnh tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ anh dũng hy sinh trước giờ toàn thắng của dân tộc khiến ông Nguyên không bao giờ quên.
“Cầu Sài Gòn kết cấu hình vòm nên địch rất dễ quan sát đội hình của ta, trong khi ta rất khó quan sát được địch, nhất là hệ thống phòng ngự của chúng ở mặt cầu bên kia. Chúng sử dụng thùng phuy, bao cát xếp thành các vật chướng ngại hình dích dắc rồi ở bên trong dùng hỏa lực mạnh bắn ra khiến nhiều xe tăng của ta bị bắn cháy.
Thấy tình hình khó khăn, Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ bật cửa xe, nhô hẳn người lên để quan sát địch và chỉ huy đơn vị vượt cầu. Trong làn mưa đạn, người chỉ huy hiên ngang hô vang mệnh lệnh “tiến lên!”. Khi mặt cầu im tiếng súng, đồng đội mới biết người Tiểu đoàn trưởng đã anh dũng hy sinh ngay trên tháp pháo xe tăng”, ông Nguyên nhớ lại.
Vượt qua cầu Sài Gòn, xe tăng 390 tiến thẳng đến ngã tư Hàng Xanh. Tại đây, ông Nguyên và đồng đội phát hiện 2 xe thiết giáp M-113 đã đặt sẵn để cản bước tiến. Phát hiện địch phản kích, ông Vũ Đăng Toàn hô lớn “Nguyên, Nguyên… mục tiêu!”. Lập tức, ông Nguyên ngắm bắn. Sau tiếng nổ, viên đạn pháo găm thẳng vào chiếc xe M-113, lửa bốc lên ngùn ngụt. Chiếc xe M-113 thứ 2 của địch cũng chung số phận khi ông Nguyên bắn phát thứ 2.
Mệnh lệnh “đâm thẳng” cổng chính Dinh Độc Lập
“Dựa vào tấm bản đồ của Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng, chúng tôi học thuộc qua cầu Thị Nghè rẽ trái qua 7 ngã tư là Dinh Độc Lập. Thế nhưng vì quá mải mê chiến đấu với quân địch, khói thuốc súng bốc lên nghi ngút, chúng tôi không biết mình đã qua mấy ngã tư Sài Gòn”, ông Nguyên tiết lộ.

Khoảnh khắc 2 chiếc xe tăng 390 và 843 tiến vào Dinh Độc Lập được nữ phóng viên người Pháp ghi lại
ẢNH: NVCC
Xe tăng 390 tiếp tục tiến vào trung tâm, đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tên gọi ngày nay) thì Dinh Độc Lập dần hiện ra. Lúc này, ông Nguyên và đồng đội gặp xe tăng 843 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận.
Xe tăng 843 lao vào cổng phụ Dinh Độc Lập thì dừng lại. Lúc này lái xe tăng 390 hỏi trưởng xe Vũ Đăng Toàn “làm thế nào” thì nhận được lệnh “đâm thẳng vào”. Lập tức, xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, tiến thẳng vào sân.
“Cú đâm này chính là sức mạnh, là khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Phút giây này chúng tôi không sợ hy sinh mà lao thẳng vào để mở cánh cửa giống như mở ra một trận đánh để đại quân phía sau tiến lên, tiêu diệt cơ quan đầu não cuối cùng của địch”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cũng nhớ như in khi cánh cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận dũng cảm, cầm cờ (trên người không mang súng) nhảy khỏi xe tăng 843 chạy sang phía xe tăng 390, đến tiền sảnh của Dinh Độc Lập thì dừng lại.
Khi xe tăng 390 dừng lại, trưởng xe Vũ Đăng Toàn nhảy xuống, chạy theo Đại đội trưởng Bùi Quang Thận tiến vào Dinh Độc Lập. Còn ông Nguyên lấy khẩu AK trong tháp pháo lao ra khỏi xe, chạy vào Dinh yểm trợ.

Ông Ngô Sỹ Nguyên trên chiếc xe tăng 390
ẢNH: NVCC
Vào đến Dinh Độc Lập, trung úy Vũ Đăng Toàn cùng các đồng đội đưa tất cả nội các của Dương Văn Minh vào trong phòng lớn, ông Nguyên đứng gác ở cửa phòng không cho ai ra vào; lái xe Nguyễn Văn Tập ở lại giữ xe tăng, thiếu úy Lê Văn Phượng ngồi trong xe giữ khẩu 12 ly 7 chĩa lên phía lá cờ trên nóc Dinh Độc Lập để yểm trợ cho Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm cờ.
“Ít phút sau, có 3 chiến sĩ bộ binh của ta mang súng ngắn đi vào phòng, tiếp đó, Chính ủy Bùi Văn Tùng đến. Khi Chính ủy Tùng bước vào, ông Tổng thống Dương Văn Minh đứng dậy và cúi người nói: “Chúng tôi đang chờ các ông vào để bàn giao “. Chính ủy Tùng đáp lại dứt khoát: “Các ông là những người bại trận, còn gì để mà bàn giao, chỉ có đầu hàng vô điều kiện”. Sau đó, Dương Văn Minh được ông Phạm Xuân Thệ, Bùi Văn Tùng cùng các chiến sĩ áp giải đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng”, pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên kể tiếp.

Xe tăng 390 trong sân Dinh Độc Lập
ẢNH: NVCC
Sau thời khắc lịch sử khoảng 1 tiếng, Đại đội 4 của ông Nguyên nhận lệnh ra cảng Bạch Đằng để bảo vệ cảng, kho hàng, đề phòng địch phản kích. Ở đây khoảng 4 đến 5 ngày, đơn vị ông rút về tổng kho Long Bình, xây dựng đơn vị, sửa chữa xe, bổ sung đạn dược… sẵn sàng chiến đấu.
“Chúng tôi may mắn được lịch sử ưu ái”
50 năm đã trôi qua, trong ký ức của người pháo thủ năm ấy chẳng bao giờ quên khoảnh khắc trong ngày đất nước thống nhất khi các em nhỏ, thanh niên, cụ già… xếp hàng dọc hai bên đường Sài Gòn hoan hô “Anh giải phóng quân”. Sau đó là những đoàn diễu hành, ủng hộ của phụ nữ, thanh niên, sinh viên với những dòng khẩu hiệu: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”…
“Chúng tôi chỉ là những người lính bình thường nhưng may mắn được lịch sử ưu ái nên đã xuất hiện vào giờ phút huy hoàng nhất của dân tộc đó là khoảnh khắc húc đổ cổng Dinh Độc Lập, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Sau khi đất nước thống nhất, xe tăng 390 tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia. Khi cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, chiếc xe lại lên tàu thủy ngược ra Bắc bảo vệ Tổ quốc. Năm 1980, xe tăng 390 về địa bàn Lạng Giang (Bắc Giang) và được sử dụng làm xe huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Trong khi đó, xe tăng 843 được lệnh ra tiếp quản cảng Nhà Bè (nay là cảng Nhà Rồng) rồi hành quân về Tổng kho Long Bình. Sau đó, xe được đưa ra Hà Nội dự triển lãm mừng ngày thống nhất. Kết thúc triển lãm, xe tăng 843 trở về làm nhiệm vụ huấn luyện tại Lữ đoàn 203 cho đến năm 1979 thì được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ngày 1.10.2012, cả hai chiếc xe tăng 843 và 390 được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Đến nay, tròn 50 năm đã trôi qua kể từ khoảnh khắc lịch sử mùa Xuân năm 1975, kíp xe tăng 390 chỉ còn lại 3 trong số 4 thành viên khi ông Lê Văn Phượng qua đời năm 2016. Hòa trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, ông Nguyên mong rằng thế hệ trẻ hiện nay sẽ không ngừng học tập, tu dưỡng để cống hiến, góp sức của mình cho công cuộc bảo vệ đất nước xã hội chủ nghĩa.