
Hai người phụ nữ Sài Gòn diện áo dài ngũ thân. Bức ảnh do nhiếp ảnh gia người Pháp Émile Gsell chụp năm 1866, được trưng bày tại Phòng trưng bày Met nổi tiếng của New York nhân kỷ niệm 150 năm thành lập. Ảnh: The Met
Trải qua hơn 300 năm từ khi thành lập năm 1698 tới nay, áo dài là một phần không thể thiếu trong văn hóa mặc của người Sài Gòn. Thiết kế biến đổi không ngừng từ chất liệu, đường cắt, độ dài rộng của tà, dáng cổ tới kiểu quần đi kèm.
Theo Sử liệu Việt sử: Xứ Đàng Trong của Phan Khoang, thế kỷ 18-19, trang phục phổ biến của người Sài Gòn là ngũ thân – một loại áo dài gồm năm mảnh vải, cổ cao, thẳng và vuông, tượng trưng cho sự chính trực, mặc cùng quần dài. Phụ nữ thường diện áo cổ thấp, tay thon và hẹp hơn, vạt dài quá gối và xòe rộng, thường mặc kèm yếm bên trong. Màu sắc và hoa văn thay đổi theo từng dịp: Đỏ, hồng cho lễ cưới, đen hoặc nâu cho đời sống hàng ngày.