
Bà Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội điện ảnh TP.HCM chia sẻ về phim Cánh đồng hoang
Ảnh: Thạch Anh
Sự kiện nằm trong khuôn khổ triển lãm Âm vang Đại thắng mùa Xuân 1975 trong điện ảnh, kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Cánh đồng hoang vừa được công bố là 1 trong 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của thành phố trong 50 năm qua. Phim do NSND Hồng Sến đạo diễn, phát hành năm 1979. Lấy bối cảnh Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, tác phẩm xoay quanh cuộc sống của hai vợ chồng Ba Đô (NSND Lâm Tới) – Sáu Xoa (Thúy An), giữ vai trò liên lạc cho quân giải phóng. Cánh đồng hoang từng giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1980 và Huy chương vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva 1981.
Chi tiết gây chú ý trong ‘Cánh đồng hoang’
Tại sự kiện, bàn về thành công của Cánh đồng hoang và những thách thức khi thực hiện phim điện ảnh về lịch sử, bà Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cho rằng đây là đề tài kén người xem nên “cần thể hiện hình ảnh người chiến sĩ dung dị, đơn giản và sâu sắc”. “Đặc biệt, chúng ta không nên căng cứng cũng không quá khoa trương mà hãy thể hiện một cách chân thật nhất”, bà Thúy chia sẻ.
Ngoài ra, theo bà Dương Cẩm Thúy, các chi tiết trong phim cũng là điều cần lưu tâm. Lấy ví dụ về tác phẩm điện ảnh Cánh đồng hoang, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cho rằng phân đoạn vợ chồng Ba Đô cho con vào túi nilon thả xuống nước để tránh bom là một chi tiết đắt giá, gây ấn tượng cho người xem.

Bà Dương Cẩm Thúy khâm phục sự yêu nghề của đạo diễn Hồng Sến
Ảnh: Thạch Anh
Song bà Dương Cẩm Thúy tiết lộ thêm: “Nhưng có một chi tiết gây tranh cãi trong hội đồng duyệt, đó là khi người phi công Mỹ chết, bức ảnh vợ con của anh rơi ra khỏi túi áo. Có ý kiến cho rằng nên cắt phân đoạn đó đi, nhưng đạo diễn Hồng Sến không cắt. Xin thưa, đó là chi tiết rất đắt trong bộ phim mà sau này ai cũng rất thích”.
Cánh đồng hoang được thực hiện năm 1979. Bà Dương Cẩm Thúy nói làm phim từ những năm đầu sau giải phóng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về mặt kinh phí, phương tiện máy móc… “Nhưng thuận lợi của chúng ta là sự đam mê của tất cả những người làm phim. Đặc biệt, đối với đạo diễn Hồng Sến, sự say mê với nghề của ông là một đức tính mà chúng tôi học hoài học mãi. Một điều quan trọng nữa, đó là sự giúp sức của người dân địa phương. Ai cũng yêu điện ảnh nên đoàn phim đi đến đâu cũng được giúp sức”, bà Dương Cẩm Thúy cho hay.
Cánh đồng hoang.được khán giả đón nhận
Tại sự kiện công chiếu, Cánh đồng hoang nhận được sự quan tâm, đón nhận từ đông đảo khán giả. Thậm chí, nhiều người còn chịu khó ngồi bệt dưới đất để theo dõi tác phẩm của đạo diễn Hồng Sến khiến ban tổ chức xúc động.

Đông đảo người dân có mặt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ để theo dõi phim
Ảnh: Thạch Anh
Khi nói về việc làm phim về đề tài lịch sử, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cho rằng việc tìm hiểu, lắng nghe những câu chuyện về cuộc chiến, gặp gỡ những nhân chứng sống… là điều cần thiết. “Chúng ta phải hướng đến khán giả, biết rằng họ muốn xem và yêu thích một bộ phim như thế nào để từ đó tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh”, bà Dương Cẩm Thúy cho hay.
Theo ông Huỳnh Công Khôi Nguyên – Giám đốc Nhà văn hóa Điện ảnh TP.HCM – việc phổ biến những tác phẩm điện ảnh để đời như Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa… với khán giả trẻ là điều cần thiết. Ngoài sự kiện chiếu phim cộng đồng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, trước đó ban tổ chức đã thực hiện các buổi chiếu, giao lưu với nhân chứng lịch sử tại các trường đại học. “Đó là cách chúng tôi muốn đưa những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng đến với mọi người, đặc biệt là giới trẻ”, ông Khôi Nguyên nói.