Riêng những học sinh (HS) có nguyện vọng học tại khu vực không thuộc địa bàn cư trú, các địa phương sẽ có một số điều kiện và chỉ xem xét khi trường còn khả năng tiếp nhận.
KHÔNG THEO RANH GIỚI HÀNH CHÍNH PHƯỜNG
Sau 2 năm triển khai tuyển sinh trực tuyến áp dụng bản đồ GIS trong phân tuyến HS vào các trường học theo địa bàn cấp quận, huyện, đến năm học 2025 – 2026 quy trình tuyển sinh đầu cấp của TP.HCM sẽ sử dụng kết quả của VNeID kết hợp hệ thống bản đồ số (GIS) dùng chung cho toàn TP để phân bổ HS.
Từ dữ liệu nơi ở hiện tại thực tế của HS, thông qua mã định danh, các địa phương căn cứ tình hình trường lớp thực tế để xây dựng các khu vực tuyển sinh linh hoạt, không theo ranh giới hành chính phường, nhằm tạo điều kiện cho HS được học gần nơi ở hiện tại và đảm bảo các trường tuyển đủ chỉ tiêu theo kế hoạch phát triển giáo dục.

Một giờ học tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), một trong các trường thực hiện chương trình chất lượng cao, tiên tiến của quận này
ẢNH: HẠNH TRẦN
Cũng theo quy định của Sở GD-ĐT thì từ nay đến ngày 23.5, tất cả địa phương phải hoàn tất kế hoạch tuyển sinh đầu cấp và cập nhật trên cổng thông tin duy nhất (https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn).
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết quy trình tuyển sinh đầu cấp sẽ đáp ứng đa dạng nhu cầu người dân khi trên hệ thống tuyển sinh có 3 tiêu chí: Nơi ở, nơi học trước đó, nơi làm việc của phụ huynh…
Việc phân bổ HS sẽ linh hoạt, không cứng nhắc theo ranh giới hành chính; có giải pháp cho các trường hợp đặc thù như con em công nhân, HS có nơi ở tại các khu vực giáp ranh; đồng thời cân đối sĩ số giữa các trường học, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đối với các trường nằm ở ranh giới các địa phương, Sở GD-ĐT đề xuất ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp các địa phương xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho HS được học gần nơi cư trú.
TIÊU CHÍ XÉT TUYỂN SINH ĐẦU CẤP
Ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, cho hay quận phân tuyến linh hoạt dựa trên 3 yếu tố: Phân bổ trường, lớp trên địa bàn quận; số lượng trẻ trong độ tuổi tuyển sinh; thông tin nơi ở hiện tại của HS từ cơ sở dữ liệu ngành. Đồng thời quận kết hợp sử dụng hệ thống bản đồ số GIS để tính toán khoảng cách di chuyển của HS, đảm bảo khoảng cách quãng đường từ nhà đến trường không quá 4 km đối với trẻ mầm non và HS tiểu học; không quá 7 km đối với HS THCS.
HS Q.Tân Phú có thể học tại cơ sở giáo dục cùng địa bàn phường hoặc ở những phường khác nhằm đảm bảo khoảng cách quãng đường từ nhà đến trường không vượt quá so với quy định, tạo điều kiện cho mọi công dân trong độ tuổi phổ cập giáo dục đều được đến trường.
Riêng những HS có nguyện vọng học tại khu vực không thuộc địa bàn cư trú (đối tượng 2), chỉ xem xét khi trường còn khả năng tiếp nhận đối với một số HS đã hoàn thành chương trình mầm non, tiểu học tại quận, có cha hoặc mẹ làm việc tại quận, có nơi ở hiện tại theo VNeID thuộc các khu vực giáp ranh với Q.Tân Phú, thuộc các trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng.
Còn tại Q.3, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT, cho hay với HS lớp 1, lớp 6 có nơi ở hiện tại không thuộc địa phương này nhưng có nguyện vọng học tại Q.3 thì Phòng GD-ĐT sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp của quận xem xét, giải quyết các trường hợp này.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.3 cũng cho biết sẽ có những tiêu chí khi xét thứ tự ưu tiên như: HS có cha hoặc mẹ là công chức, viên chức làm việc tại Q.3; HS có nơi ở hiện tại theo VNeID thuộc khu vực giáp ranh giữa Q.3 và các quận lân cận nhưng không quá 1.000 m; HS có cha hoặc mẹ đang làm việc tại Q.3 (thuộc các tổ chức, doanh nghiệp…); các trường hợp không thuộc diện ưu tiên nêu trên sẽ được xem xét tuyển sinh sau cùng, căn cứ vào năng lực tiếp nhận còn lại của các trường và theo quyết định của Ban Chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp Q.3, trên cơ sở tham mưu của Phòng GD-ĐT.
Ông Đặng Nguyễn Thịnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.7, thông tin năm học 2025 – 2026, quận đề xuất với Sở GD-ĐT tiếp tục tuyển sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ thông qua kết quả bài khảo sát đánh giá năng lực. Dự kiến trường này tuyển khoảng 475 HS. Những trường còn lại sẽ áp dụng bản đồ GIS và phân bổ HS cư ngụ trên địa bàn Q.7. Sau khi rà soát số lượng tuyển sinh theo nơi ở, quận sẽ tiếp nhận tuyển sinh những đối tượng HS còn lại.

Sau khi , phụ xác nhận trực tuyến tại trang tuyển sinh TP, phụ huynh nộp hồ sơ nhập học cho con em
ảnh: Nhật Thịnh
TUYỂN SINH TRƯỜNG TIÊN TIẾN, TRƯỜNG ĐẶC THÙ
Bà Lê Thị Thanh Giang, Trưởng phòng GD-ĐT Q.1, cũng cho biết quận cũng sẽ áp dụng bản đồ GIS phân bổ HS dựa trên nơi ở hiện tại đã đăng ký trên VNeID. Đồng thời cũng tính toán đến phương án tiếp nhận HS cư trú khu vực giáp ranh như Q.3, Q.4, Q.5, Q.Phú Nhuận… trong điều kiện các trường ở những khu vực này còn khả năng tiếp nhận để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình học tập của HS.
Cũng theo bà Thanh Giang, việc tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 24.5; các trường thực hiện nội dung chương trình chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế bao gồm Trường mầm non Bé Ngoan, Bến Thành, 30.4, tiểu học Nguyễn Thái Học, THCS Huỳnh Khương Ninh sẽ thực hiện tuyển sinh trước. Căn cứ HS nộp hồ sơ vào các trường này, Phòng GD-ĐT phân tích, điều chỉnh, phân bổ HS vào các trường tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. Với những trường có nhiều phụ huynh, HS quan tâm như THCS Nguyễn Du, Trần Văn Ơn, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận này cho hay dự kiến tiêu chí xét tuyển từ 19 điểm trở lên.
Còn ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, thông tin những trường thực hiện nội dung chương trình chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế như mầm non Vành Khuyên 1, Hoa Mai, Long Thạnh Mỹ, tiểu học An Bình, Linh Chiểu, Nguyễn Thị Tư, Lê Văn Việt, THCS Bình Thọ, Hoa Lư, Trần Quốc Toản 1… sẽ thực hiện tuyển sinh trước từ ngày 24 – 29.5. Trong đó, Trường THCS Bình Thọ, Hoa Lư, Trần Quốc Toản 1 tuyển sinh lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực vào ngày 24.5. Những HS tham gia khảo sát vào 3 trường này nếu không đạt vẫn được sắp xếp vào học lớp 6 tại trường THCS khác theo quy định của Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức.
Mốc thời gian phụ huynh cần đặc biệt lưu ý
Từ ngày 24 – 29.5: Phụ huynh đăng ký tuyển sinh đầu cấp vào các trường có tổ chức các chương trình đặc thù, bao gồm: Trường thực hiện nội dung chương trình chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế; trường triển khai đào tạo chương trình tiếng Anh tích hợp theo Đề án 5695; trường triển khai đào tạo chương trình tăng cường tiếng Pháp: Trường tiểu học, THCS, THPT Nam Sài Gòn (lớp 1, lớp 6) và các trường có mô hình đặc thù khác trong hệ thống giáo dục.
Từ ngày 30.5 – 4.6: Phòng GD-ĐT xét và công bố kết quả tuyển sinh các trường có tổ chức các chương trình đặc thù trên trang tuyển sinh đầu cấp của TP.
Từ ngày 5 – 8.6: Phụ huynh xác nhận trực tuyến tại trang tuyển sinh TP và nộp hồ sơ nhập học cho con em.
Từ ngày 14 – 20.6: Trên trang tuyển sinh của TP công bố phân tuyến HS vào tất cả các trường chương trình đại trà. Phụ huynh xác nhận nộp hồ sơ vào các trường theo dữ liệu đã được phòng GD-ĐT cập nhật.
Trong thời gian này phụ huynh cũng có thể đăng ký theo dạng đối tượng 2 – HS có nguyện vọng học tại khu vực không thuộc địa bàn cư trú thực tế.
Từ ngày 25 – 29.6: Phụ huynh truy cập hệ thống tuyển sinh đầu cấp để xem kết quả diện đối tượng 2 và xác nhận nhập học. Các trường học tổ chức tiếp nhận thí sinh trúng tuyển dạng đối tượng 2 vào các trường.