Thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên, giám đốc sở có thể về làm bí thư xã

Thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên, giám đốc sở có thể về làm bí thư xã

bởi

trong

Tại buổi họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ sáng 28.4, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), đã thông tin về phương án nhân sự cấp xã mới sau sắp xếp, trong đó có chức danh bí thư xã, phường.

Thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên, giám đốc sở có thể về làm bí thư xã

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương

ẢNH: TỐNG GIÁP

Theo ông Tuấn, về tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp xã, hiện nay Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Quốc hội luật Cán bộ công chức (sửa đổi), trong đó đề xuất hệ thống công vụ thống nhất trong hệ thống chính trị cấp tỉnh và cấp xã. 

Sau khi luật Cán bộ công chức được thông qua, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ công chức, trong đó có có cán bộ công chức cấp xã.

Về phương án nhân sự, ông Phan Trung Tuấn thông tin, đề án được Đảng ủy Chính phủ xây dựng và trình Bộ Chính trị xem xét 3 lần. Trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, T.Ư quyết định trong đó có vấn đề nhân sự, biên chế. 

“Trước mắt, cơ bản sẽ giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay. Đội ngũ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức cấp huyện cơ bản chuyển về cấp xã để bố trí cho các đơn vị hành chính hình thành mới sau sắp xếp”, ông Tuấn nói.

Về phương án nhân sự cấp xã, theo ông Phạm Trung Tuấn đây là vấn đề rất hệ trọng và đang thực hiện nguyên tắc T.Ư chỉ định hướng về chủ trương, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Dẫn lại thông tin từ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cho biết có thể bố trí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm bí thư cấp xã mới, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương nêu rõ: “Không chỉ giám đốc sở, tỉnh ủy viên hay thành ủy viên mà thậm chí những địa bàn quan trọng có thể bố  trí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy để giữ chức danh người đứng đầu cấp ủy của địa phương”.

Các nội dung liên quan đến bố trí phương án nhân sự, ai làm bí thư hay làm chủ tịch, phó chủ tịch sắp xếp thế nào và kể cả các cơ quan chuyên môn của cấp xã hình thành sắp tới như thế nào… theo ông Tuấn, việc này sẽ do từng địa phương quyết định và chịu trách nhiệm. Các tiêu chuẩn chức danh sẽ thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Ông Tuấn cho biết, dự kiến, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trước ngày 10.5. Ngày 15.5, Chính phủ sẽ trình toàn bộ hồ sơ đề án sáp nhập cấp tỉnh và cấp xã. 

Cả nước sẽ còn khoảng 3.300 xã, phường, đặc khu

Tính đến ngày 28.4, có 20 địa phương đã nộp hồ sơ đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã về Bộ Nội vụ.

Theo chủ trương thống nhất của T.Ư về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cả nước dự kiến sẽ giảm 60 – 70% số lượng xã, phường so với hiện nay, đảm bảo cấp xã quy mô không được quá lớn.

Tùy tình hình thực tế, các địa phương sẽ căn cứ vào tỷ lệ giảm trên để tiến hành sắp xếp. Có địa phương giảm nhiều, có địa phương giảm ít hơn, nhưng toàn quốc phải đảm bảo mục tiêu giảm 60 – 70%. “Bước đầu chúng tôi ước tính sau khi sáp nhập, cả nước sẽ còn khoảng 3.300 xã, phường, đặc khu”, ông Tuấn nói.

Đại diện Bộ Nội vụ cũng đánh giá, đây là đề án rất lớn, diện tác động ảnh hưởng lớn nhất đến địa phương từ trước đến nay. Lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tới đây chúng ta sẽ có bộ bản đồ mới của cả nước và từng địa phương, theo lộ trình Hiến pháp sẽ thông qua vào tháng 6 tới đây và có hiệu lực từ ngày 1.7