Đồng Tháp trong kỷ nguyên mới: Vươn mình mạnh mẽ, xanh, bền vững

Đồng Tháp trong kỷ nguyên mới: Vươn mình mạnh mẽ, xanh, bền vững

bởi

trong
Đồng Tháp trong kỷ nguyên mới: Vươn mình mạnh mẽ, xanh, bền vững

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tham quan nhà máy sản xuất dầu gạo với công nghệ trích ly dầu cám gạo hiện đại – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Trí Quang – phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho biết quý 1-2025 GRDP tăng trưởng 6,28%, đây sẽ là điểm khởi đầu cho một hành trình vươn mình mạnh mẽ hơn, xanh hơn và bền vững hơn trong kỷ nguyên mới.

Mục tiêu tăng trưởng có chiều sâu, dài hạn

ĐỒng tháp - Ảnh 2.

Ông Trần Trí Quang – phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

* Ông đánh giá Đồng Tháp đã đạt được những gì tính đến thời điểm này?

– Bước qua năm 2024 – một năm đầy biến động với lạm phát toàn cầu, biến đổi khí hậu gay gắt, sức ép từ thị trường xuất khẩu lớn và sự cạnh tranh ngày càng mạnh trong thu hút đầu tư, Đồng Tháp vẫn vững tay chèo để giữ vững đà tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, tăng trưởng cả năm đạt 6,44%.

Quý 1-2025, Đồng Tháp đạt mức tăng trưởng 6,28%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 và là bước tăng trưởng có chất lượng, tạo thế “chắc chân” cho chặng đường tiếp theo.

Thương mại, dịch vụ tiếp tục là đầu kéo tăng trưởng, đóng góp hơn 50% vào GRDP. Doanh thu du lịch 900 tỉ đồng, tăng 87,5%, sản phẩm du lịch sinh thái và văn hóa bản địa thu hút được du khách. Tổng mức bán lẻ tăng 11,03%, xuất khẩu đạt 609 triệu USD, tăng 17,76%.

Nông nghiệp vẫn giữ vai trò trụ đỡ, tăng trưởng vượt kịch bản và chiếm hơn 22% GRDP. Không chỉ có lúa, xoài, cá tra giữ vững giá trị – mà các mô hình mới như sen, hoa kiểng, chăn nuôi bò, thủy sản bản địa đều tăng trưởng tốt.

Công nghiệp – xây dựng đang có tín hiệu phục hồi, duy trì nhóm dẫn đầu về PCI, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình lên hơn 54%.

Cùng với đó môi trường đầu tư và nội lực tài chính ổn định. Thu ngân sách quý 1 đạt 2.676 tỉ đồng, tăng 13%; 184 doanh nghiệp mới thành lập với tổng vốn gần 2.000 tỉ đồng.

* Ông có thể cho biết năm 2025 Đồng Tháp có những thuận lợi, khó khăn gì?

– Về thuận lợi, có thể nhìn thấy rõ ràng từ ba trụ cột nền tảng đang tạo đà cho tăng trưởng: nền tảng khởi đầu tích cực; các trụ cột về chính sách, hạ tầng và thể chế đã được “kích hoạt đồng bộ”; sự đồng thuận cao từ hệ thống chính trị đến người dân, doanh nghiệp.

Trước những thách thức hiện nay, Đồng Tháp xác định sáu nhóm giải pháp đột phá mang tính đồng bộ và dẫn dắt, nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8% trở lên trong năm 2025.

Trong đó trọng tâm là đột phá trong công nghiệp chế biến và thu hút đầu tư, mục tiêu đưa vào vận hành ít nhất 11 dự án công nghiệp mới trong năm nay, tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao như chế biến nông sản, thực phẩm, logistics và năng lượng tái tạo.

Giải pháp đột phá về phát triển nông nghiệp xanh và thích ứng biến đổi khí hậu. Cùng với đó là đột phá trong khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải ngân đầu tư công và phát triển hạ tầng chiến lược, cải thiện môi trường đầu tư và hiệu quả thực thi thể chế.

ĐỒng tháp - Ảnh 3.

Hội nhập, chuyển đổi, tăng tốc

* Ông đánh giá ra sao về những mô hình hay của nông dân đang thực hiện cũng như định hướng nhân rộng trong thời gian tới?

– Đồng Tháp rất tự hào khi được Trung ương vinh danh là “Địa phương tiêu biểu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”, sự ghi nhận này từ kết quả cụ thể. Hiện toàn tỉnh có trên 260 sản phẩm OCOP, dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Định hướng thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp chất lượng hợp tác xã nông nghiệp theo hướng doanh nghiệp hóa, số hóa, gắn với chuỗi giá trị bền vững và chuyển đổi xanh; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn phát thải thấp, kết hợp khởi nghiệp và kinh tế tập thể, vừa tạo sinh kế bền vững vừa bảo tồn tài nguyên bản địa.

Cùng với đó xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo cấp địa phương, phát triển khởi nghiệp trong cộng đồng yếu thế. Một nền nông nghiệp hiện đại không thể thiếu tư duy khởi nghiệp. Và một tương lai bền vững cho nông thôn Việt Nam phải bắt đầu từ chính những người nông dân biết làm chủ tri thức, biết cộng tác và biết làm giàu bằng con đường văn minh hơn, công nghệ hơn.

* Tỉnh có kỳ vọng gì khi chọn slogan năm 2025 là “Kỷ nguyên mới, Sen hồng tỏa sắc; Kinh tế xanh, Đồng Tháp vươn mình”, thưa ông?

– Slogan “Kỷ nguyên mới, Sen hồng tỏa sắc; Kinh tế xanh, Đồng Tháp vươn mình” không chỉ là một thông điệp tuyên truyền, mà là lời khẳng định mạnh mẽ về khát vọng và định hướng chiến lược của tỉnh trong giai đoạn mới, khi đất nước kỷ niệm 50 năm thống nhất và bước vào chu kỳ hội nhập, chuyển đổi, tăng tốc.

Chúng tôi xác định bước vào “kỷ nguyên vươn mình” không thể chỉ bằng công trình hay vốn đầu tư, mà phải bằng tri thức, công nghệ, thể chế thông minh và nguồn nhân lực có tầm nhìn.

Về hạ tầng, vùng động lực và kết nối vùng, Đồng Tháp đang đẩy nhanh tiến độ các tuyến giao thông chiến lược như cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, Mỹ An – Cao Lãnh, các cụm – khu công nghiệp mới như Quảng Khánh, Tân Kiều.

Phát triển kinh tế cửa khẩu mở ra hành lang giao thương phía tây, kết nối trực tiếp với Campuchia và vùng kinh tế sông Mekong, cực tăng trưởng mới với động lực logistics, xuất nhập khẩu và dịch vụ biên mậu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu không chỉ “vươn mình” trong một năm 2025, mà đang từng bước xây dựng một mô hình phát triển riêng: bản sắc nhưng hiện đại, xanh nhưng không chậm, địa phương nhưng hội nhập sâu. Tỉnh tin rằng mỗi sắc sen Đồng Tháp hôm nay sẽ là một “tế bào phát triển” cho kỷ nguyên Việt Nam thịnh vượng trong tương lai.