Bạc Liêu vươn mình mạnh mẽ sau 28 năm tái lập

Bạc Liêu vươn mình mạnh mẽ sau 28 năm tái lập

bởi

trong

Xuất phát điểm kinh tế thấp

Ông Phạm Văn Thiều, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết Bạc Liêu có xuất phát điểm thấp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa với quy mô nhỏ, manh mún, năng suất thấp. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, yếu kém, hệ thống giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Các công trình phúc lợi, như: điện, nước, trường học, bệnh viện… đều thiếu và yếu. Bạc Liêu nằm trong vùng chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán… Vừa tái lập tỉnh, Bạc Liêu lại chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 5 năm 1997.

Bạc Liêu vươn mình mạnh mẽ sau 28 năm tái lập

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (giữa) khánh thành dự án chuyển đổi số

ẢNH: TRẦN THANH PHONG

Tuy đối mặt với muôn vàn khó khăn khi tái lập, nhưng với tinh thần vượt khó và sự nỗ lực đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tỉnh Bạc Liêu đã từng bước khắc phục những trở ngại, tạo đà phát triển mạnh mẽ và bền vững trong hơn 2 thập kỷ qua. Đặc biệt, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL và cả nước.

Bạc Liêu vươn mình mạnh mẽ sau 28 năm tái lập- Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở vùng ven biển Bạc Liêu

Thủ phủ ngành tôm của cả nước

Ông Phạm Văn Thiều cho rằng, từ một tỉnh thuần nông, vốn độc canh cây lúa, nhưng với tiềm năng và lợi thế, Bạc Liêu từng bước trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước.

Bạc Liêu có quy mô, diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn, với hơn 132.000 ha. Vùng ven biển Bạc Liêu rất thuận lợi phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đem lại sản lượng, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, năm 2017, Chính phủ quyết định thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, quy mô hơn 418 ha, tại xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu.

Bạc Liêu vươn mình mạnh mẽ sau 28 năm tái lập- Ảnh 3.

Quảng trường Hùng Vương, TP.Bạc Liêu

ẢNH: PHAN THANH CƯỜNG

Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc vùng ĐBSCL, đang ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm nuôi trồng và chế biến thủy sản; đặc biệt ngành tôm là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và cả nước. Với những tiềm năng và lợi thế nổi bật, Bạc Liêu được kỳ vọng trở thành “thủ phủ ngành tôm” của Việt Nam trong tương lai gần.

Trung tâm năng lượng sạch quốc gia

Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu, tỉnh Bạc Liêu nổi lên như một địa phương đi đầu tại vùng ĐBSCL trong phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những lợi thế nổi bật của Bạc Liêu có bờ biển dài gần 56 km, nguồn tài nguyên gió và mặt trời phong phú rất phù hợp để phát triển điện gió. Bạc Liêu đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.

Bạc Liêu vươn mình mạnh mẽ sau 28 năm tái lập- Ảnh 4.

Cánh đồng điện gió ven biển Bạc Liêu

ẢNH: PHAN THANH CƯỜNG

Đặc biệt, cánh đồng điện gió Bạc Liêu là một trong những dự án điện gió quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sự chuyển mình trong phát triển năng lượng tái tạo tại địa phương. Tính đến nay, tỉnh có 1.612 hệ thống điện mặt trời mái nhà, 8 dự án nhà máy điện gió đang vận hành thương mại; 2 dự án điện gió trong quá trình xây dựng. Đặc biệt, dự án điện khí LNG, tổng vốn đầu tư gần 4 tỉ USD đang chuẩn bị đầu tư. Bạc Liêu cũng xác định năng lượng sạch, tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội.

Bạc Liêu vươn mình mạnh mẽ sau 28 năm tái lập- Ảnh 5.

Nhà hát 3 nón lá, TP.Bạc Liêu

ẢNH: PHAN THANH CƯỜNG

Ông Phạm Văn Thiều cho rằng, phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu chung sức chung lòng xây dựng tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững. Từng bước khẳng định vị thế Bạc Liêu trong vùng ĐBSCL và cả nước, hòa vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.