Hành trình đi tìm ‘tiếng nói của lương tri’

Hành trình đi tìm ‘tiếng nói của lương tri’

bởi

trong

Lên sóng VTV1 vào 22 giờ ngày 26.4 và liên tục được phát lại vào các ngày 27, 29, 30.4 và 2.5 trên VTV4 và VTV Cần Thơ, Tiếng nói của lương tri – bộ phim tài liệu 45 phút của nhóm thực hiện Phạm Thùy Linh – ngay lập tức tạo được dấu ấn mạnh với người xem.

Hành trình đi tìm ‘tiếng nói của lương tri’

Bức ảnh hiếm hoi về những tù binh phản chiến tại Hỏa Lò

Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Đây là bộ phim tài liệu thứ 5 của Lina Phạm (Phạm Thùy Linh), người dẫn và tổ chức chương trình Talk Vietnam (VTV4). 4 bộ phim cô thực hiện trước đó thì có tới 3 phim xoay quanh chủ đề chiến tranh, hòa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh. Lần này, với Tiếng nói của lương tri, mong muốn của cô cùng nhóm thực hiện là đi tìm cội rễ của những tiếng nói từng vang lên sau song sắt của nhà tù Hỏa Lò và đã gây dậy sóng chính trường Mỹ: Tiếng nói phản chiến của những tù binh Mỹ từng bị giam giữ tại Hỏa Lò giai đoạn 1968-1973.

Những tiếng nói kỳ lạ

45 phút phim tư liệu lia ống kính dõi theo và tái hiện hành trình 10 năm đi tìm sự thật cho cha mình của ông Tom Wilber, con trai trung tá phi công Eugene Wilber, một trong 8 tù binh Mỹ nói trên. Từ chỗ oán trách những phát ngôn phản chiến của cha từng khiến gia đình bị tẩy chay và thóa mạ, đến nỗ lực kết nối cha với VN trước khi ông mất, hoàn thành tâm nguyện tìm được những người Việt đã bắn rơi máy bay và chăm sóc cha ông tại Nghệ An, hành trình ấy khiến Tom Wilber tiếp tục con đường của cha: trở thành một người làm việc không mệt mỏi để đưa tiếng nói của sự thật lịch sử đến gần hơn với người dân Mỹ và thế giới…

Hành trình đi tìm 'tiếng nói của lương tri'- Ảnh 2.

Tác giả kịch bản và đạo diễn phim, nhà báo Lina Phạm

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tác giả kịch bản và đạo diễn Tiếng nói của lương tri chia sẻ: “Tù binh phản chiến là những tiếng nói kỳ lạ, rất khó xác định cho họ một vị trí trong lịch sử. Vì sao? Vì người ta có quyền đặt câu hỏi về tính trung thực và chân thành của những phát ngôn phản chiến ấy. Họ có bị tra tấn hoặc ép buộc? Họ làm vậy để đổi lấy biệt đãi và được trở về sớm? Hay vì họ thực sự tin vào chính nghĩa và lương tri? Tại sao họ không phản chiến trước khi sang VN? Điều gì sau song sắt các nhà tù như Hỏa Lò khiến họ cất lên tiếng nói phản đối chiến tranh? Điều gì khiến họ dám đánh cược sự nghiệp, bị tẩy chay, xa lánh để vẫn không rút lại lời nói?… Và 2 năm qua tôi đã đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên”.

Hành trình đi tìm 'tiếng nói của lương tri'- Ảnh 3.

Ông Tom Wilber (trái) và cha mình

Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Nỗ lực đi tìm câu trả lời đã giúp nhóm thực hiện có cơ hội tiếp cận và khai thác được nguồn tư liệu, hiện vật và nhân vật chưa từng được công bố hoặc ít người biết tới. Chẳng hạn như cuộc phỏng vấn trong chương trình 60 minutes trên CBS với trung tá Eugene Wilber, trong đó ông khẳng định: “Tôi không hề bị tra tấn, và những phát ngôn của tôi là tự nguyện”. Điều đó biến ông thành tội đồ của nước Mỹ ngay sau cuộc phỏng vấn. Các tư liệu báo chí viết về vấn đề tù binh chiến tranh, các băng thu âm các phát ngôn của các tù binh phản chiến, được sưu tập bởi người con. Các hiện vật và tài liệu về tù binh thuộc sở hữu của ông Tom Wilber, trong đó nhiều hiện vật ông đã tặng Bảo tàng Quân khu IV tại Nghệ An và Hỏa Lò để trưng bày tại Hà Nội. Những hình ảnh phóng viên quay được tại Viện lưu trữ hồ sơ Lầu Năm Góc, đặt trong ĐH Massachusetts tại Mỹ… Phim cũng phỏng vấn những học giả, nhà sử học và nhà phản chiến hàng đầu nước Mỹ như bà Cora Weiss – người 4 lần được đề cử Nobel Hòa bình cho những nỗ lực chống chiến tranh, GS sử học Chris Appy và hạ sĩ Bob Chenoweth, người đã trực tiếp trải nghiệm cuộc sống của người tù tại Hỏa Lò và cũng từng tham gia phản chiến…

Giá trị của lương tri

Nhớ lại cuộc gặp nhân vật chính của bộ phim hơn 2 năm trước, Lina Phạm xúc động kể: “Bộ não của Tom là bộ não của một cái máy tính xử lý dữ liệu lớn, một mỏ vàng của tư liệu. Trong nhiều năm tháng, ông tích cóp tất cả sử liệu liên quan tới cha mình và các sách báo viết về VN”.

Hành trình đi tìm 'tiếng nói của lương tri'- Ảnh 4.

Phỏng vấn bà Cora Weiss, nhà hoạt động vì hòa bình thuộc ban lãnh đạo một trong 2 cuộc phản chiến quy mô lớn nhất nước Mỹ năm 1969

Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Gặp được đúng “mỏ tư liệu” không có nghĩa là công việc sẽ trở nên dễ dàng vì không thể tiếp thu từ một nguồn. Trên thực tế, nguồn tư liệu về những người tù phản chiến vô cùng ít ỏi. Đặc biệt là trong các sách sử Mỹ, tiếng nói của họ gần như bị rơi vào quên lãng. “Khó khăn lắm tôi mới tìm được bức ảnh có đầy đủ 8 tù binh phản chiến, mà cho tới bây giờ, theo tôi được biết, là bức ảnh duy nhất. Trong các sách lịch sử, Eugene Wilber được viết như một phản ví dụ về cách hành xử của tù binh. Người ta viết ông yếu đuối, có vấn đề về sức khỏe, và việc miễn đưa ông ra tòa án binh là một quyết định nương nhẹ do cân nhắc vấn đề sức khỏe. Trong khi đó, đọc những thư trả lời của ông gửi những người thóa mạ mình, tôi thấy ở đó một giọng văn khúc triết, mạch lạc, lý luận rõ ràng và luôn lịch sự, nghiêm cẩn”, Lina Phạm cho biết.

Việc phỏng vấn các nhân vật có liên quan, nhân chứng cũng không dễ dàng, do họ đều đã cao tuổi. 8 tù binh phản chiến đã qua đời gần hết. Những thủ lĩnh của phong trào phản chiến ở Mỹ như bà Cora Weiss thì cũng đã 96 tuổi. Trại trưởng Trần Trọng Duyệt đã 97 tuổi. “May mắn thay, các nhân chứng lịch sử của tôi dù tuổi cao nhưng miền ký ức ấy trong họ vẫn chưa phai mờ. Họ kể cho tôi một cách sống động những ngày tháng lịch sử ấy”, đạo diễn phim chia sẻ với PV Thanh Niên.

Tiếng nói của lương tri được nhóm thực hiện coi là “cách chúng tôi tri ân những người đã dám sống đúng với lương tri và chính nghĩa. Đồng thời, giúp bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn về chính sách đối đãi tù binh của chúng ta, bắt rễ từ truyền thống nhân nghĩa của người VN. Nó thể hiện qua những gì ông Eugene nhận được, từ cậu bé tham gia bắt sống ông Eugene năm nào, bà cụ, dân làng đã cho ông ăn bữa cơm trước khi lên xe về Hà Nội, cho tới những người quản giáo hay trại trưởng, rồi sau này là những người VN đã giúp người con tìm lại được những gì đã xảy ra với cha mình ở VN và từ đó đã giúp ông tìm được sự bình yên cho chính mình”.

“Đó là thông điệp phim chúng tôi muốn gửi gắm. Rằng quá khứ không thể thay đổi, nhưng những gì ở hiện tại có thể giúp tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn. Đó là sự hòa giải, thấu hiểu, và kết nối với nhau, giữa người với người. Như lời một nhân vật trong phim đã nói: Cái chữ Tâm nó chiếm lĩnh mọi thứ trong đời sống này, và ta phải tìm cho được cái miền sống ấy…”, Phạm Thùy Linh, người đã dành 2 năm cho 45 phút phim, tâm niệm.