Hồng Sơn ‘công chúa’

Hồng Sơn ‘công chúa’

bởi

trong

NHỮNG CHIẾN CÔNG HIỂN HÁCH 

Đẳng cấp của Hồng Sơn là điều không phải bàn cãi bởi trong giai đoạn đỉnh cao của mình, anh từng được Liên đoàn Bóng đá châu Á bầu chọn là “Cầu thủ xuất sắc nhất tháng”. Hồng Sơn đã hai lần giành danh hiệu Quả bóng vàng VN các năm 1998, 2000, vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba năm 1999, nhiều lần được bầu chọn là VĐV tiêu biểu của năm. Thế hệ của Hồng Sơn – Huỳnh Đức cũng đã khơi dậy tình yêu bóng đá và niềm tự hào dân tộc qua những tấm HCB quý giá lại SEA Games 18 năm 1995, Tiger Cup năm 1998. Đặc biệt, kỳ tích vượt qua bán kết Tiger Cup 1998 với chiến thắng cách biệt 3-0 trước đại kình địch Thái Lan vẫn là một trong những dấu ấn rất đáng nhớ của bóng đá nước nhà.

Hồng Sơn ‘công chúa’

Hồng Sơn với chiếc áo số 8 đã trở thành thương hiệu đặc biệt của bóng đá VN

ẢNH: QUANG MINH

Khán giả cũng không thể quên một kỷ niệm rất đẹp của Hồng Sơn khi anh đối đầu với những siêu sao giỏi nhất thế giới, trong một sự kiện bóng đá biểu diễn vào tháng 7.2001. Phải cạnh tranh với những danh thủ nổi tiếng như David Beckham, Roberto Carlos hay Rivaldo…, Hồng Sơn đã trình diễn những kỹ năng xử lý bóng đỉnh cao và cán đích chung cuộc ở vị trí á quân.

Nhưng điều đáng quý hơn với Hồng Sơn chính là tình cảm yêu mến và sự tôn trọng, sự ghi nhận đặc biệt của những người trong nghề. Cựu HLV đội tuyển VN Dido từng thốt lên: “Nếu sinh ra ở Brazil, Hồng Sơn sẽ là một ngôi sao đẳng cấp thế giới”. Dù dưới thời HLV Weigang, HLV Riedl hay HLV Calisto, Hồng Sơn luôn là sự lựa chọn số 1 cho vị trí nhạc trưởng, tiền vệ dẫn dắt lối chơi của đội tuyển VN. Và hầu như ở mọi giải đấu mà Hồng Sơn góp mặt, tiền vệ của CLB Thể Công đều ghi dấu ấn với khả năng kiểm soát bóng khéo léo ở khu vực giữa sân, những tình huống qua người mềm mại, những pha biểu diễn kỹ thuật đẹp mắt nhưng rất hợp lý. Anh cũng là một tiền vệ tấn công toàn diện, khi biết kết hợp tài tình khả năng kiến tạo và kỹ năng ghi bàn sát thủ trong mỗi lần xâm nhập vòng cấm. Đến thời điểm này, pha ghi bàn của Sơn “công chúa” trong trận bán kết thắng Thái Lan tại Tiger Cup 1998, cú sút chéo góc mang lại bàn thắng duy nhất loại Indonesia ở SEA Games 20 năm 1999 hay cú đảo chân, xoay người cực dẻo chuyền bóng cho tiền đạo Quốc Cường đánh gót ghi bàn ở trận tranh HCĐ Tiger Cup 1996… vẫn là những khoảnh khắc vô cùng tuyệt vời!

CHẤT NGHỆ SĨ CỦA MỘT CHIẾN BINH

Trước đây, nhiều khán giả đã lầm tưởng rằng Hồng Sơn có một sự nghiệp rất thuận lợi bởi sinh ra trong một gia đình khá giả và có truyền thống bóng đá. Hồng Sơn được phát hiện và đào tạo tại lò Thể Công danh tiếng, được huấn luyện bởi những người thầy nghiêm khắc, chất lượng nhất của môi trường quân đội, được hỗ trợ dìu dắt chỉ bảo của biết bao thế hệ cầu thủ Thể Công tài năng và danh tiếng. Trong những năm đầu sự nghiệp, Hồng Sơn trưởng thành khá nhanh khi có cơ hội tập luyện, thi đấu cùng với những lứa tuyển thủ đi trước như anh trai Nguyễn Sỹ Long, trung vệ đội trưởng đội tuyển VN Nguyễn Mạnh Cường, hậu vệ trái tài năng Đoàn Ngọc Tuấn, các tiền vệ dày dặn kinh nghiệm Đinh Thế Nam, Đặng Dũng.

Hồng Sơn 'công chúa'- Ảnh 2.

Trần Công Minh, Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức (từ trái qua phải) tại lễ trao giải Quả bóng vàng VN

Ảnh: Hoàng Hùng

Hồng Sơn 'công chúa'- Ảnh 3.

Những danh thủ tài hoa của bóng đá VN

Ảnh: Hoàng Hùng

Hồng Sơn 'công chúa'- Ảnh 4.

Hồng Sơn nhận danh hiệu Quả bóng vàng VN năm 1998

ẢNH: HOÀNG HÙNG

Tài năng thiên phú của Hồng Sơn cũng đã được phát huy khi anh học một, hiểu mười. Anh cực kỳ khéo léo, học gì cũng nhanh, kỹ năng kiểm soát bóng sống, bóng động đều hoàn hảo và luôn nằm trong tốp đầu những cầu thủ cùng lứa. Năm 1990, khi được trao chiếc áo số 10 của cựu danh thủ Nguyễn Cao Cường, anh đã ra sân trong trận đấu chính thức đầu tiên của mình gặp đội Công an Thanh Hóa trên sân Hàng Đẫy, trong khuôn khổ giải vô địch các đội mạnh toàn quốc. Cũng ở mùa giải năm ấy, Hồng Sơn giành danh hiệu vua phá lưới với 10 bàn thắng, góp công lớn vào chức vô địch quốc gia thứ tư trong lịch sử của đội bóng áo lính.

Thành công đến với Hồng Sơn không hề dễ dàng. Chói sáng trong lần đầu xuất hiện và trở thành linh hồn của CLB Thể Công cũng đồng nghĩa Hồng Sơn lọt vào tầm ngắm của tất cả các đội bóng trong nước. Kể từ khi ra mắt và nổi tiếng năm 1990, bất cứ một trận đấu nào, tiền vệ tài hoa cũng đều nhận được sự “quan tâm” đặc biệt của hậu vệ đối phương. Nhẹ thì cử một người có nền tảng thể lực tốt để đeo bám Hồng Sơn không rời một giây, nặng thì Hồng Sơn bị dính những cú ngăn cản ác ý, mang tính sát thương. Những pha bóng bạo lực trên sân Vinh năm 1998 là một minh chứng, hay tình huống Hồng Sơn bị thủ môn Văn Cường đấm lệch mũi trên sân Pleiku. Mỗi trận đấu Hồng Sơn bị phạm lỗi không dưới mười lần và “màn báo cáo thành tích” là… khoe chân với những vết xước, những tổn thương bầm dập. Khi thi đấu quốc tế, Hồng Sơn cũng là “nạn nhân” của lối chơi thô bạo. Pha vào bóng kinh hoàng của Tecuari (Indonesia) vào những phút cuối trận tranh HCĐ Tiger Cup năm 1996 đã khiến Hồng Sơn rời sân bằng cáng, chống nạng lên nhận huy chương và sau đó bay thẳng sang Đức để phẫu thuật.

Và sau đó, với tư cách là một đàn em, một đồng đội của anh Hồng Sơn, tôi đã được chứng kiến nỗ lực tuyệt vời trong quá trình tập luyện, hồi phục để trở lại của chiến binh mang biệt danh “công chúa”. Từ những bước đi bộ tại bể bơi Quân Đội đến những bước chạy nhẹ trên thảm cỏ Cột Cờ. Từ những bước chân khó nhọc khi leo cầu thang khán đài A sân Hoàng Diệu đến những giờ khổ luyện trong phòng tập gym. Để rồi chỉ một năm sau Hồng Sơn trở lại đội tuyển VN tham dự SEA Games 19 năm 1997, và một năm sau đó bước lên đỉnh cao sự nghiệp với chức vô địch quốc gia cùng Thể Công, giành ngôi á quân Tiger Cup 1998, được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất châu Á tháng 8.1998 và Quả bóng vàng VN.

“ANH TÀI” HỒNG SƠN VẪN ĐƯỢC YÊU NHƯ THUỞ NÀO

Đã có những thời khắc thăng hoa và vinh quang như vậy, nhưng trong chương trình “Phương Nam Show” phát trên VTVCab và trong chính cuốn hồi ký của mình với tựa đề Hồng Sơn “công chúa”: Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính, Hồng Sơn vẫn chia sẻ những khoảng lặng của sự nghiệp. Khán giả càng trân trọng hơn một Hồng Sơn luôn trung thực với cảm xúc của chính mình. Có thăng, có trầm, có vấp váp và có cả đắng cay. Một Hồng Sơn không chối bỏ nỗi đau khi thất bại, không chối bỏ những nỗi buồn nghề nghiệp khó có thể giải thích rõ căn nguyên.

Hồng Sơn 'công chúa'- Ảnh 5.

Gia đình và bạn bè chia vui với Hồng Sơn (cầm hoa) trong ngày ra mắt hồi ký 

Ảnh: Đồng Nguyên Khang

Hồng Sơn lúc này đang rất hạnh phúc bên gia đình riêng của mình. Mới đây, anh xuất hiện trong show truyền hình thực tế đình đám Anh trai vượt ngàn chông gai. Khán giả lại được biết đến một Hồng Sơn thật mới lạ. Anh lại được sống với những thử thách, với những khó khăn mà suốt sự nghiệp bóng đá lẫy lừng chưa từng được trải nghiệm. Anh tài Hồng Sơn tiếp tục giành được tình cảm yêu thương của người hâm mộ. Giống như những gì mà anh nhận được trong cuộc đời khoác áo cầu thủ hơn 20 năm về trước, với cái tên thật đặc biệt Sơn “công chúa”. (còn tiếp)

TẠI SAO CÓ BIỆT DANH SƠN “CÔNG CHÚA”‘

Danh thủ Hồng Sơn được đặt biệt danh Sơn “công chúa” vì từ nhỏ anh đã nghịch ngợm và mặc thử chiếc váy cô dâu ở tiệm Áo cưới Bích Sinh của mẹ. Sau này, cách kiểm soát, rê dắt bóng một cách mềm mại và đẹp mắt của tiền vệ hào hoa này cũng đã được ví von là uyển chuyển như một nàng công chúa. Chất nghệ sĩ của Hồng Sơn trên sân luôn tạo ra điểm khác biệt.