CNN sáng 29.4 đưa tin điện đã bắt đầu được khôi phục tại một số khu vực của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hơn 12 giờ sau khi sự cố mất điện trên diện rộng làm tê liệt giao thông và gây hỗn loạn tại các sân bay, ga tàu và trên đường phố.
Cả hai quốc gia bán đảo Iberia đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong khi các cơ quan hữu quan nỗ lực xử lý tình hình.

Khách đến ga tàu Sants Estacio tại Barcelona (Tây Ban Nha) rạng sáng 29.4 trong lúc điện được khôi phục dần
ẢNH: REUTERS
Nguyên nhân chính xác gây cúp điện vẫn chưa rõ ràng, nhưng hiện tại “không có dấu hiệu” cho thấy đây là một cuộc tấn công mạng, theo lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng cho biết hiện chưa có thông tin kết luận về nguyên nhân sự cố, nhưng các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra.
“Mọi nguyên nhân tiềm tàng đang được phân tích. Tôi xin nhấn mạnh không loại trừ bất kỳ giả thuyết nào, bất kỳ khả năng nào”, ông Sanchez nói tại một cuộc họp báo, theo AFP.
Mất điện trong 5 giây
Khoảng 12 giờ 30 trưa 28.4 tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và 11 giờ 30 trưa tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, điện bị mất ở nhiều khu vực trên bán đảo Iberia. Một phần xứ Basque của Pháp cũng bị ảnh hưởng ngắn nhưng nhanh chóng được khôi phục.
Tại Tây Ban Nha, gần 50% nguồn cung điện đã được khôi phục, theo Thủ tướng Sanchez. Nhà điều hành lưới điện xác định rằng sự cố xảy ra khi 15 gigawatt điện bị mất đột ngột chỉ trong 5 giây, ông Sanchez cho biết.
Tại Bồ Đào Nha, điện đã được khôi phục cho 2,5 triệu khách hàng, theo Mạng lưới năng lượng quốc gia (REN). Các kỹ thuật viên cũng đã khôi phục điện cho 85 trên 89 trạm biến áp, theo REN.

Hành khách tại nhà ga ở Madrid (Tây Ban Nha) trong đợt mất điện ngày 28.4
ẢNH: REUTERS
Mọi thứ ‘đóng băng’
Trước đó, đợt mất điện đã khiến nhiều hoạt động tại hai nước bị gián đoạn. Người dân thành phố Valencia (Tây Ban Nha) khi đó đang rước kiệu mừng vị thánh bảo trợ của thành phố. Ban đầu, nhiều người dân không nhận ra có sự cố và tiếp tục cuộc diễu hành, cho đến khi họ nhận ra điện thoại không thể sử dụng được.
Tại Porto (thành phố lớn thứ hai Bồ Đào Nha), du khách người Mỹ tên Kate Su mô tả mọi thứ gần như “đóng băng” khi mất điện, theo CNN. Bà cho biết các cửa hàng đã đóng cửa, nhà vệ sinh công cộng cũng ngừng hoạt động và dịch vụ điện thoại di động gặp nhiều khó khăn, khiến việc định hướng di chuyển trở nên thách thức. Các khu vực nhộn nhịp trước đó trở nên vắng vẻ.
Sự cố mất điện ảnh hưởng đến các tuyến tàu hỏa, tàu điện ngầm và sân bay quốc tế trên khắp hai quốc gia. Bộ trưởng Giao thông Tây Ban Nha Oscar Puente cho biết các tuyến tàu cự ly trung bình và đường dài có thể sẽ chưa hoạt động trở lại cho đến hôm nay (29.4). Các cơ quan chức năng đã giới hạn 20% số lượng chuyến bay đến nhưng hoạt động hàng không vẫn diễn ra “bình thường” ở các khía cạnh khác.

Hành khách chờ đợi tại sân bay Lisbon (Bồ Đào Nha) trong đợt cúp điện đột ngột ngày 28.4
ẢNH: REUTERS
Các địa điểm trọng yếu
Các nhà máy điện hạt nhân của Tây Ban Nha vẫn an toàn, theo Hội đồng An toàn Hạt nhân (CSN) của nước này. Những nhà máy này đã tự động ngừng hoạt động đúng quy trình, CSN cho biết, đồng thời khẳng định rằng “các máy phát điện diesel dự phòng đã khởi động và đang duy trì điều kiện an toàn cho các lò phản ứng”.
Các bệnh viện ở Tây Ban Nha cũng được trang bị hệ thống điện dự phòng để đảm bảo duy trì nguồn điện, theo Bộ Y tế nước này.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro cho biết sự cố mất điện bắt nguồn từ Tây Ban Nha. Bồ Đào Nha nhập khẩu điện từ Tây Ban Nha vào buổi sáng vì Tây Ban Nha đi trước một giờ và điện mặt trời sản xuất tại Tây Ban Nha rẻ hơn so với sản xuất trong nước vào thời điểm đó, theo quan chức Joao Faria Conceicao thuộc REN.