Nữ xạ thủ 16 tuổi dùng pháo cối 82 ly đánh sở chỉ huy tướng Westmoreland

Nữ xạ thủ 16 tuổi dùng pháo cối 82 ly đánh sở chỉ huy tướng Westmoreland

bởi

trong

Trong căn nhà nhỏ trên đường Hưng Phú (quận 8, TPHCM), bà Nguyễn Thị Bích Nga (SN 1951) – cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – trò chuyện cùng phóng viên Dân trí khi vừa trở về sau buổi vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng đội khó khăn. 

Những ngày tháng tư, lòng bà tràn ngập niềm hạnh phúc. Song, cũng chính những ngày này, nỗi ám ảnh về chiến tranh khốc liệt đeo bám, khiến bà Nga không ít lần rớm nước mắt.

Bà Nga chính là một trong những người trực tiếp tham gia pháo kích vào Sở chỉ huy của tướng Mỹ Westmoreland tại Sài Gòn cách đây gần 60 năm.

Nữ xạ thủ 16 tuổi dùng pháo cối 82 ly đánh sở chỉ huy tướng Westmoreland

Bà Nguyễn Thị Bích Nga – cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn (Ảnh: Mộc Khải).

Tiếng hét kinh hoàng giữa trưa hè 1963

Đến tận hôm nay, người phụ nữ đã ngoài 70 tuổi này vẫn nhớ như in tiếng hét kinh hoàng của mình và các bạn học sinh Trường tiểu học Đức Phổ (Quảng Ngãi) giữa trưa hè năm 1963, khi chứng kiến cảnh tượng một người đàn ông bị kéo lê trên nền cát.

Ngày hôm đó, đám học trò đang nô đùa, một tốp lính mặt mày hung tợn, lôi một thanh niên đã chết ra giữa sân banh lớn. Chúng la hét, chỉ vào người thanh niên và nói: “Đây là cái kết khi chống lại chính quyền”.

“Đến bây giờ, đường nét gương mặt của người thanh niên vô danh đó vẫn in đậm trong tâm trí tôi, chiếc áo trắng lấm lem anh ấy mặc vẫn khiến tôi thấy nhói lòng khi nhớ lại. Đám học trò chúng tôi run rẩy đứng sát lại với nhau, mặt tái mét, nước mắt hòa với mồ hôi, mắt ánh lên nỗi bàng hoàng và căm hận trước khung cảnh man rợ. 

Có lẽ hình ảnh đó là một trong những yếu tố khiến tôi quyết tâm trở thành xạ thủ, phục vụ cách mạng”, bà Nga run run kể lại.

Nữ xạ thủ 16 tuổi dùng pháo cối 82 ly đánh sở chỉ huy tướng Westmoreland - 2

Bà Bích Nga thời thanh xuân (Ảnh: Mộc Khải).

Bà Nga vốn là trẻ mồ côi, được cha nuôi là bộ đội nhận về từ khi còn đỏ hỏn. Bà không biết gốc gác, không có bà con và xem gia đình cha mẹ nuôi chính là ruột thịt của mình. Năm 1954, cha nuôi của bà Nga tập kết ra Bắc rồi qua đời.

Cũng trong mùa hè năm 1963, bà Nga vào TPHCM làm giúp việc cho một gia đình ở đường Tân Hóa (quận 11, TPHCM). Bà nấu nướng, giữ em, giặt giũ nhưng vẫn không ngừng nghe ngóng qua radio, báo đài về tình hình kháng chiến của quân dân ta.

Một buổi chiều năm 1966, khi đang trải giường cho chủ nhà, bà Nga vô tình thấy một lá thư, đề là thư chúc Tết của Bác Hồ. Lúc đó, trống ngực dồn dập, bà Nga thầm nghĩ nếu có lá thư này, nghĩa là chủ nhà nơi bà đang ở cũng phải là những người yêu nước, có liên lạc với các tổ chức cách mạng.

“Tôi quyết định đánh tiếng với chủ nhà, nhờ giúp tôi vào vùng giải phóng. Vậy là một buổi chiều tan tầm, một thanh niên lớn hơn tôi vài tuổi, đạp xe đến đón tôi đi”, bà Nga nhớ lại.

Khi đó, bà mới 15 tuổi.

Nữ xạ thủ 16 tuổi gan lỳ

Về vùng Củ Chi, bà Nga được cử đi học khóa đặc công, công binh và pháo binh kéo dài 6 tháng ở căn cứ Dầu Tiếng (Bình Dương). Đến tháng 9, bà tiếp tục được cử đi học về pháo cối 82 ly.

Trong các khóa học, bà Nga là cô gái hiếm hoi giữa một rừng nam chiến sĩ. Mang sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, bà tập luyện trèo đèo, lội suối, bắn đạn trong đêm. Kỹ năng của bà cũng được nhiều người công nhận khi bà sớm đạt mục tiêu bắn trúng hồng tâm, bắn súng 2 tay.

Bà kể, ngày xưa, các đơn vị thường đến trường tìm chiến sĩ và bà là người nhiều lần được lựa chọn bởi thành tích cuối khóa xuất sắc. Thậm chí, có một thủ trưởng còn 3 lần đến trường ngỏ ý đưa bà về đơn vị quân báo. Song, đến cuối cùng, bà gắn bó với Biệt động Sài Gòn. 

Bà nói, tham gia Biệt động Sài Gòn tức là kín đáo, đến gia đình cũng không biết vì đó là quy tắc giữ bí mật. Bởi thế, ngày xưa bà được nhiều người biết với tên Thủy “Đen”, Kim Anh thay vì tên thật Bích Nga.

Nữ xạ thủ 16 tuổi dùng pháo cối 82 ly đánh sở chỉ huy tướng Westmoreland - 3
Nữ xạ thủ 16 tuổi dùng pháo cối 82 ly đánh sở chỉ huy tướng Westmoreland - 4

Những ngày tháng 4, bà Nga nhớ về đồng đội, nhớ về thời gian chiến tranh ác liệt (Ảnh: Mộc Khải).

Ngày 28/10/1966, bà Nga chính thức được tổ chức phân công vào tổ dự bị bắn pháo cối 82 ly trong chiến dịch pháo kích vào cuộc diễu binh của chính quyền Sài Gòn ngày 1/11 cùng năm, tại Dinh Độc Lập.

Trận đánh này có mục đích hạ uy thế của địch. Để chắc chắn, quân ta bố trí hai điểm đặt trận địa, một đặt ở vùng bưng Sáu xã, huyện Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), một điểm đặt ở xã Đa Phước (Rạch Cây Khô, huyện Nhà Bè) và hai điểm dự bị với một điểm cối 60 ly ở rạch Thị Nghè và một điểm ở chợ Vườn Chuối (quận 3).

Lúc bấy giờ, trang bị pháo của quân khu cao nhất là cối 82 ly và súng DKZ-75. Đây là loại súng chống tăng của bộ binh có phương pháp bắn gián xạ (bắn cầu vồng) ở góc độ xa nhất, điểm rơi ở tầm 6.000m.

Ở tuổi trăng rằm, bà Nga có vóc dáng nhỏ, chỉ cao khoảng 1,4m và nặng hơn 40kg nhưng lại đảm nhận vai trò trực tiếp đứng sau khẩu pháo cối 82 ly nặng ngang ngửa mình, cùng đồng đội theo dõi tình hình từ căn nhà ở chợ Vườn Chuối.

“Ở vị trí này, tôi và đồng đội sẽ dự bị, nếu các điểm khác không bắn được, chúng tôi mới bắn. Lòng tôi rạo rực, hồi hộp và ngập tràn sự quyết tâm từ lúc bố trí trận địa. Song, trận đánh này chúng tôi không nổ súng vì các điểm bên ngoài đã thực hiện được nhiệm vụ. 

Khẩu cối 82 ly ở Vườn Chuối sau này dùng đánh vào sở chỉ huy của tướng Westmoreland nằm trên đường Phan Đình Phùng cũ (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) năm 1967 và đó cũng là một trong những trận đánh mà tôi phải nhớ cả đời”, bà Nga kể.

Nữ xạ thủ 16 tuổi dùng pháo cối 82 ly đánh sở chỉ huy tướng Westmoreland - 5

Bà Bích Nga (ngoài cùng, bên trái) và các đồng đội cũ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tướng William Childs Westmoreland (1914-2005) là vị tướng của Quân đội Hoa Kỳ, từng chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1968. Trong thời gian này, quân Mỹ tại Việt Nam tăng quân số lên đến mức kỷ lục với trên 500.000 người, đồng thời có những trận đụng độ khốc liệt, trong đó có cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968. 

Đúng 6h ngày 13/2/1967, từ căn nhà của tổ chức ở chợ Vườn Chuối, bà Nga với vai trò xạ thủ số 2 trực tiếp cùng một đồng đội khác bắt đầu sử dụng pháo cối 82 ly pháo kích vào sở chỉ huy của tướng Westmoreland.

Loạt pháo dữ dội liên tiếp rơi vào sở chỉ huy địch, gây thương vong cho gần 30 tên lính Mỹ. Không để địch tìm ra điểm đặt pháo kích, bà Nga cùng đồng đội để lại 5kg thuốc nổ ở nơi đặt nòng pháo rồi tẩu thoát.

Sau trận đánh này, nữ xạ thủ 16 tuổi bị truy lùng. Song, bà vẫn hừng hực khí thế, chuẩn bị tinh thần cho Chiến dịch Mậu Thân 1968.

“Không may, trên đường vào nội thành bày trận địa (để tham gia bắn pháo cối 60 ly vào Dinh Độc Lập đợt 2 Mậu Thân 1968), tôi bị địch bắt. Chúng biệt giam, đánh đập và tra tấn tôi dã man.

Tôi bị hành hạ với những trận đòn từ trại giam Thủ Đức đến khám Chí Hòa rồi trại giam Tân Hiệp. Sau khi giam cầm tôi ở đất liền, chúng tiếp tục đưa tôi ra nhà tù Côn Đảo, đày đọa trong chuồng cọp”, bà Nga kể.

Thời gian này, bà bị giam chung với các nữ tù chính trị nổi tiếng như bà Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó Chủ tịch nước), bà Võ Thị Thắng (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch).

“Cả nhóm người sống trong chuồng cọp, mỗi ngày chỉ được có một lon nước. Nếu chúng tôi phản kháng, la hét đòi quyền lợi, từ bên trên cửa nhà giam, chúng rải vôi xuống để ai nấy đều im bặt”, bà nhớ lại.

Nữ xạ thủ 16 tuổi dùng pháo cối 82 ly đánh sở chỉ huy tướng Westmoreland - 6

Bà Nga ở tuổi 74 vẫn bận rộn với nhiều công việc (Ảnh: Mộc Khải).

Hồi tưởng về giai đoạn bị giam cầm ở Côn Đảo, bà Nga lộ vẻ bồi hồi. Bà nói, lúc đó bệnh tật bủa vây bà và các chiến sĩ bởi bị hành hạ, tra tấn, nhưng ai cũng vô tư, con tim hướng về Tổ quốc chưa một lần dao động.

Nỗi ân hận về đoạn tình cảm dang dở

Hết thảy, bà Nga bị giam cầm 7 năm trong tù, với 3 năm ở đất liền và 4 năm ở Côn Đảo. Sau ngày thống nhất đất nước, bà được tàu hải quân đón về đất liền với sức khỏe gần như suy sụp.

Nữ xạ thủ 16 tuổi dùng pháo cối 82 ly đánh sở chỉ huy tướng Westmoreland - 7

Bà Nga và bà Chín Nghĩa – chiến sĩ Biệt động Sài Gòn duy nhất từng tiến công vào Dinh Độc Lập hồi Tết Mậu Thân (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Những ngày sau 30/4/1975, đất nước ngập tràn trong những tiếng hò reo vui mừng. Bà Nga cũng hạnh phúc vô vàn, song không quên được hình ảnh chuồng cọp chật hẹp, những trận đòn dã man của giặc, bát cơm mắm ruốc đầy ruồi nhặng.

“Những ngày đó, tôi lại nghĩ đến Bác Hồ, con tim đau thắt khi Bác không thể có mặt trong ngày vui của đất nước. Ngày xưa, chúng tôi ở Côn Đảo, cũng nhờ nghĩ đến Bác, nghe những lời Bác dặn qua radio mà tinh thần, tâm tưởng luôn bền bỉ qua ngày tháng”, bà nói.

Bà Nga hiểu rõ, hòa bình được lập lại chính là nhờ biết bao sự hy sinh, mất mát. Mẹ mất con, vợ mất chồng, gia đình chia cắt. Hồi học tập ở Dầu Tiếng, chính bà Nga cũng từng chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình. 

Nữ xạ thủ 16 tuổi dùng pháo cối 82 ly đánh sở chỉ huy tướng Westmoreland - 8

Từng gắn bó với súng đạn, bà Nga lại là người rất yêu hoa (Ảnh: Mộc Khải).

Bà Nga kể, hồi ở căn cứ, các anh bộ đội rất thương bà, cứ đi ngang là gửi cho bà nhánh lan rừng. Có khi nhận hoa, bà Nga cũng không biết rõ tên tuổi, quê quán của người tặng bởi quy tắc về bảo mật khi xưa.

“Tôi vẫn nhớ như in, có một người chiến sĩ tên Trung, lớn hơn tôi 2 tuổi, đem lòng cảm mến tôi và cũng được nhiều người ủng hộ. Thế nhưng, tôi một lòng học tập, quyết hoàn thành nhiệm vụ, không màng tới chuyện yêu đương. Cứ gặp anh ấy là tôi lại lãng đi chuyện khác. Anh ấy nhỏ nhẹ với tôi bao nhiêu, tôi lại cộc cằn bấy nhiêu, cốt để anh không nhớ đến tôi.

Sau những trận đánh ở trung tâm thành phố, tôi lại nghĩ, dù mình có chấp nhận tình cảm của anh hay không cũng nên có câu trả lời nhẹ nhàng, dứt khoát. Ấy thế mà khi trở về căn cứ, tôi nghe tin bom rơi đạn lạc, 9 chiến sĩ trong đó có anh tan xác. Đó là nỗi ân hận tôi vẫn mang nặng trong lòng đến bây giờ”, bà Nga nhớ lại.

Ở tuổi 74, bà Nga đã về hưu sau thời gian từ quân đội chuyển sang làm việc tại Công ty Vật tư tổng hợp trực thuộc UBND TPHCM. Dù vậy, ngày nào bà Nga cũng bận rộn với công tác hỗ trợ cựu chiến binh. Hiện bà là Bí thư Chi bộ Khu phố 4, phường Hưng Phú (quận 8), quyền chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang – Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định.

Nữ xạ thủ 16 tuổi dùng pháo cối 82 ly đánh sở chỉ huy tướng Westmoreland - 9

Bà Nga hiện là quyền chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang – Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hòa bình lập lại đã 50 năm, nhưng những người từng sống trong chiến trận như bà Nga vẫn còn nhiều nỗi ám ảnh. Hằng ngày, bà đi sớm về khuya, vận động xây dựng các công trình tri ân, nhà tình thương, tình nghĩa cho đồng đội gặp khó khăn, như một cách vỗ về, an ủi chính con tim mình hậu chiến tranh tàn khốc. Bà tin đất nước sẽ ngày càng phồn thịnh, được dựng xây nên bởi chính lớp trẻ yêu nước.

Nhắc đến bà Bích Nga, ông Lâm Quốc Dũng (bí danh Dũng “Râu”) – cựu chiến sĩ quân báo của Biệt động Sài Gòn – cho biết, ngày xưa ông biết đến bà bằng bí danh Thủy “Đen”.

“Được bố trí vào đội pháo cối 82 ly thì không phải đơn giản. Có thể nói, Biệt động Sài Gòn là một khối với những cá nhân mưu lược, thông minh, gan dạ và cô Thủy là một trong số đó”.

Bà Chín Nghĩa (tên thật Vũ Minh Nghĩa) – cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – chia sẻ, thời chiến, bà không hoạt động cùng với bà Bích Nga, song cũng từng nghe đến danh tiếng của “nữ xạ thủ pháo cối”.

“Có giai đoạn, tôi và cô Bích Nga từng bị giam cùng một trại, nhưng khác phòng tại nhà tù Côn Đảo. Sau những năm tù đày, tôi được trao trả về trước, còn cô Nga thì được trao trả sau”, bà nói.

Theo bà Chín Nghĩa, bà và bà Bích Nga có sự tương đồng về nhiều mặt, là những người khảng khái, mạnh mẽ. Nhờ sự hòa hợp về tính cách, cộng thêm việc thường xuyên cùng nhau tham gia nhiều hoạt động, các buổi gặp gỡ, bà và bà Bích Nga ngày càng gắn bó với nhau hơn.

“Hòa bình lập lại, có thể nói Chín Nghĩa – Bích Nga là một đôi chị em, đôi bạn thân thiết”, bà Nghĩa nói.