Ổ rắn xuất hiện trong dàn lạnh máy điều hòa khiến nhiều người hoảng sợ
Như Dân trí đã đưa tin, trưa 27/4, gia đình chị N.T.H., trú tại xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, đã phát hiện một sự việc hy hữu khi mở máy điều hòa.
Theo lời kể của chị H., ban đầu gia đình chỉ thấy chiếc đuôi thò ra từ dàn lạnh và nghĩ rằng đó là chuột. Tuy nhiên, sau khi quan sát kỹ, họ nghi ngờ đó là đuôi rắn và quyết định gọi thợ sửa máy điều hòa đến kiểm tra.
Ổ rắn trong máy điều hòa tại Quảng Nam khiến dân mạng hoang mang (Video: Facebook).
Khi tháo dàn lạnh ra, gia đình chị H. hoảng hồn phát hiện nhiều đuôi rắn thò ra ngoài. Tổng cộng, thợ sửa điều hòa bắt được 7 con rắn trú ẩn bên trong.
Anh Nguyễn Văn Công, người trực tiếp sửa dàn lạnh điều hòa và bắt ổ rắn ra ngoài, cho biết đây là lần đầu tiên anh thấy rắn trong điều hòa nhiều như vậy. Trước đây, anh Công chỉ thấy chuột và chim làm tổ trong dàn lạnh điều hòa.
Nhóm thợ sửa điều hòa sau đó đã kéo hết ổ rắn ra ngoài và tiêu diệt chúng để đề phòng nguy hiểm.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên phát hiện ổ rắn trong dàn lạnh của máy điều hòa tại Việt Nam. Vào tháng 5/2023, một gia đình sống tại huyện Tân Châu, Tây Ninh, cũng gặp trường hợp tương tự.
Ổ rắn trong máy điều hòa nhiệt độ tại Tây Ninh (Video: Facebook).
Theo đó, chủ nhà cho biết nghe thấy những âm thanh lạ bên trong dàn lạnh điều hòa nên đã nhờ thợ đến kiểm tra. Khi thợ mở máy điều hòa để kiểm tra, người này và chủ nhà đã giật mình khi phát hiện bên trong dàn lạnh có 4 con rắn đang bò lổm ngổm.
Thợ sửa điều hòa sau đó đã sử dụng kìm và các thiết bị, đứng từ xa kéo rắn ra ngoài rồi giết chúng ngay dưới sàn nhà để đề phòng nguy hiểm.
Tương tự, cũng trong năm 2023, một gia đình sống tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang, cũng đã có phen thót tim khi phát hiện rắn nằm trong máy điều hòa.
Cá thể rắn nằm trong máy điều hòa tại tỉnh Kiên Giang (Video: Facebook).
Ổ rắn xuất hiện trong điều hòa là loài gì?
Dựa vào những hình ảnh và video được quay lại từ hiện trường có thể thấy ổ rắn nằm trong dàn lạnh điều hòa tại Tây Ninh và Kiên Giang giống với ổ rắn mới phát hiện gần đây tại Quảng Nam và đều chung một loài, có tên gọi rắn cườm.

Những con rắn bị bắt ra từ bên trong dàn lạnh điều hòa nhiệt độ tại Quảng Nam (Ảnh: Văn Công).
Rắn cườm, tên khoa học Chrysopelea Ornata, là một loài thuộc họ rắn nước. Rắn cườm là loài rắn có kích thước nhỏ, dài tối đa 1,3m, thân màu xanh lục nhạt với các viền đen vắt ngang người. Đôi khi rắn cườm cũng có những màu sắc khác như lớp vảy màu đỏ, vàng hoặc cam… nhưng không quá phổ biến.
Rắn cườm được phân bổ rộng khắp tại Việt Nam, trên cả 3 miền. Thức ăn chủ yếu của chúng là thằn lằn, các loài gặm nhấm nhỏ… Con cái đẻ từ 6 đến 12 trứng. Rắn non khi mới nở dài từ 15 đến 20cm, hình dạng giống như rắn trưởng thành, nhưng màu và hoa văn nhạt hơn.

Rắn cườm có kích thước nhỏ, màu sắc sặc sỡ và rất dễ nhận dạng (Ảnh: iNaturalist).
Rắn cườm có khả năng leo trèo rất tốt, thậm chí có thể leo lên cả những vách tường thẳng đứng không có điểm bám, do vậy chúng thường xuất hiện trên mái nhà. Thậm chí đôi khi rắn cườm còn chui vào bên trong máy điều hòa không khí của các hộ gia đình thông qua đường ống thoát nước của điều hòa.
Bên cạnh khả năng leo trèo tốt, rắn cườm là loài thuộc chi rắn bay. Chúng có thể thực hiện những cú phóng người từ trên cây cao xuống những vị trí ở dưới thấp. Trên thực tế, đây là hành động “rơi có kiểm soát”, khi rắn cườm có thể phán đoán trước vị trí rơi của chúng. Hành động này có thể giúp rắn cườm trốn thoát kẻ thù hoặc để săn mồi.

Rắn cườm thường xuất hiện ở những khu vực dân cư, nhưng không có khả năng gây nguy hiểm cho con người (Ảnh: Facebook).
Do rắn cườm rất phổ biến và được phân bố rộng, chúng thường xuất hiện ở những khu vực có con người sinh sống để săn mồi. Đặc biệt, loài rắn này thường hay bò vào nhà để bắt thạch sùng, một trong những món ăn ưa thích của chúng, do vậy rắn cườm và con người thường xuyên chạm mặt nhau.
Rắn cườm có gây nguy hiểm cho con người không?
Do rắn cườm sở hữu lớp vảy màu xanh lục, nhiều người cho rằng đây là một loài rắn lục với nọc độc nguy hiểm.
Trên thực tế, rắn cườm sở hữu nọc độc để săn mồi nhưng nọc của chúng không đủ mạnh để gây nguy hiểm cho con người. Vết cắn của loài rắn này vô hại với con người, nhưng có thể gây ngứa cho một số người nhạy cảm.
Một cá thể rắn cườm nằm trên cây cảnh ở tỉnh Quảng Nam (Video: SIFASV).
Nhìn chung, rắn cườm là một loài rắn có lợi trong hệ sinh thái, giúp kiểm soát số lượng các loài động vật gặm nhấm nhỏ, thằn lằn, tắc kè… Đồng thời, đây là loài rắn không có độc, do vậy, khi bắt gặp loài rắn này, mọi người không cần phải quá hoang mang, có thể bình tĩnh xua đuổi chúng đi nơi khác, thay vì tìm cách giết chết.