Ngày 29.4, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ban hành và gửi khẩn phác đồ điều trị ngộ độc thực phẩm cho tất cả cơ sở y tế trên địa bàn.
Theo Sở Y tế TP.HCM, ngộ độc thực phẩm hiện đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả người lớn và trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này thường xuất phát từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn, chưa được chế biến kỹ, thực phẩm có chứa các tác nhân gây hại như vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn hoặc nhiễm các độc chất.
Bên cạnh việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác chẩn đoán và điều trị ngộ độc thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng cần được thực hiện khẩn trương, kịp thời. Việc này giúp giảm thiểu nhanh các triệu chứng và hồi phục sức khỏe cho người bệnh.

Học sinh ở TP.HCM nhập viện sau ăn bánh mì xảy ra vào tháng 3.2025 tại TP.HCM, nghi ngộ độc thực phẩm
ẢNH: D.T
Trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức buổi họp Hội đồng khoa học công nghệ gồm các chuyên gia đầu ngành, thống nhất đồng thuận tài liệu chuyên môn phác đồ điều trị ngộ độc thực phẩm.
Sở Y tế đề nghị thủ trưởng các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM triển khai thực hiện và phổ biến tài liệu chuyên môn phác đồ điều trị ngộ độc thực phẩm đến toàn thể nhân viên y tế. Trong đó lưu ý hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc thực phẩm. Quy trình phối hợp và cấp cứu ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Quy trình giám sát và tìm tác nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Theo Sở Y tế TP.HCM, người được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm là người có ăn hoặc uống thực phẩm nghi bị nhiễm khuẩn hoặc có chứa độc chất. Hoặc ăn cùng loại thực phẩm, nhiều người (trên 2 người) cùng có triệu chứng giống nhau.
Triệu chứng tiêu hóa thường xảy ra vài phút, vài giờ hoặc có thể 1 – 2 ngày sau khi dùng thức ăn, thức uống bị nhiễm khuẩn hoặc có độc tố. Cụ thể là bị đau bụng và nôn ói, tiêu chảy. Dấu hiệu mất nước do nôn ói, tiêu chảy. Sốt (thường gặp trong ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn). Dấu hiệu lâm sàng đặc hiệu tùy tác nhân trong ngộ độc thực phẩm.
Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn sơ cứu ban đầu tại nhà, hiện trường, đó là cho bệnh nhân nằm nghỉ. Khuyến khích nôn ở người lớn còn tỉnh táo và đặt tư thế ngồi hoặc nằm nghiêng để tránh hít sặc chất nôn. Uống Oresol nồng độ thẩm thấu thấp. Chăm sóc dinh dưỡng.
Gọi cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đi cấp cứu ngay khi có dấu hiệu nặng như: rối loạn tri giác, hôn mê, co giật, khó thở, than mệt hoặc có dấu hiệu mất nước hoặc sốt cao hơn 39 độ C.
Về nguyên tắc điều trị: điều trị tình huống cấp cứu; nhanh chóng loại bỏ độc chất; thuốc đối kháng đặc hiệu; điều trị triệu chứng và biến chứng.
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM ban hành kế hoạch đảm bảo công tác y tế phục vụ các hoạt động thuộc khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc năm 2025 sắp diễn ra tại TP.HCM.