Sau hôm tổng duyệt diễu binh vừa qua, hình ảnh bà cụ tóc bạc trắng được con gái cõng băng băng qua dòng người vào xem được chia sẻ khắp các trang mạng xã hội. Nhiều người gọi hình ảnh con gái cõng mẹ là “khối hiếu thảo”, cần lan tỏa, chia sẻ.
“Tự hào lắm!”
Trưa 29.4, chia sẻ với PV Thanh Niên, cụ bà Đặng Thị Gái (100 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn lâng lâng hạnh phúc, hào hứng khi nhắc lại kỷ niệm lên TP.HCM xem tổng duyệt diễu binh ngày 27.4 vừa qua. “Vui lắm, tự hào lắm, chẳng thấy mệt gì cả”, bà cụ mở đầu câu chuyện.
Cõng mẹ 100 tuổi đi xem tổng duyệt diễu binh
Bà Gái nhận xét, xem diễu binh trực tiếp khác một trời một vực so với xem trên ti vi. Ngày trước, ở quê khi còn chiến tranh, dân và bộ đội ở chung với nhau, che chở cho bộ đội. Ngày nay, nhìn bộ đội xếp hàng thẳng tắp bước đi rầm rập trên đường trong tiếng hò reo của người dân rất tự hào, hạnh phúc.
Trước đó, các buổi hợp luyện, tổng hợp luyện, cụ bà 100 tuổi ngồi xem ti vi cùng con gái là bà Phạm Thị Oanh (55 tuổi). Thấy hình ảnh quá hào hùng, bà Oanh nói: “Chắc phải lên TP.HCM xem duyệt bình”. Cụ bà sống qua một thế kỷ đáp liền: “Cho tao đi với”.

Hình ảnh con gái cõng mẹ 100 tuổi đi xem diễu binh 30.4 được chia sẻ khắp mạng xã hội
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Nghe mẹ nói vậy, bà Oanh bối rối trong vài phút vì biết vào trung tâm TP.HCM xem duyệt binh là chuyện không hề đơn giản. Thời tiết nắng nóng, dòng người đông ngẹt, trong khi cụ bà tóc đã bạc trắng, đang ngồi xe lăn.
Nghĩ 50 năm mới có một lần, thời gian của mẹ cũng không thể đợi thêm 50 năm nữa, bà Oanh quyết định lên kế hoạch đưa mẹ đi xem diễu binh.
Hạnh phúc vì còn được cõng mẹ
14 giờ ngày 26.4, bà Oanh đón taxi đưa mẹ lên khách sạn trên đường Trần Cao Vân nghỉ ngơi. Cùng đi còn có con gái của bà Oanh – chị Lê Thị Ngọc Mai (22 tuổi). Để có vị trí đẹp cho mẹ xem diễu binh, từ 21 giờ, bà Oanh ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngồi chờ sẵn.
1 giờ sáng ngày 27.4, dòng người đổ về quá đông, chật kín hai bên đường. Bà vội gọi điện thoại cho con gái gọi bà ngoại dậy, cho bà ngoại ăn uống rồi đưa bà ra vị trí bà đang ngồi chờ. Khoảng 2 giờ sáng, chị Mai đẩy bà ngoại trên xe lăn từ khách sạn ra Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhưng nơi đây đã nghẹt người, không còn một khoảng trống nên không thể tiếp tục vào trong.

Cụ bà Đặng Thị Gái 100 tuổi tóc bạc trắng ngồi xe lăn xem diễu binh
ẢNH: NVCC
“Tôi nghĩ tôi sao cũng được, nhưng nhất định mẹ tôi phải vào được chỗ này xem diễu binh để hưởng trọn niềm vui kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Nghĩ vậy, tôi len qua dòng người để ra cõng mẹ vào. Đi tới đâu, tôi xin mọi người nhường cho đi tới đó. Mọi người đều vui vẻ nhường”, bà Oanh kể.
Dù ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng mắt cụ bà vẫn sáng, tai vẫn thính nên rất hào hứng chờ đợi xem đoàn diễu binh, diễu hành đi qua. Vào được đúng chỗ đã giữ từ trước, cụ bà tóc bạc trắng vui vẻ nói chuyện với những người trẻ ngồi xung quanh.
Thấy cụ bà ngồi trên xe lăn giữa dòng người, công an, bộ đội làm nhiệm vụ niềm nở tới hỏi thăm xem cụ bà cần trợ giúp gì không. Bà Oanh cười vui đáp: “Tôi chuẩn bị hết rồi, mấy anh cứ yên tâm”.


Bà Đặng Thị Gái vừa tròn 100 tuổi
ẢNH: NVCC
Nói rồi, bà Oanh cho biết đã mang theo nước uống, đồ ăn nhẹ, đóng bỉm và mang cả bình ô xy cho mẹ để phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng không khí hào hùng trong tiếng bước chân rầm rập, cùng lá cờ đỏ bay phấp phới, tâm trạng cụ bà luôn phấn khởi. Đoàn diễu binh nào đi qua, bà cụ ngồi xe lăn cũng vỗ tay chào đón.
Người con hiếu thảo tâm sự: “Mẹ tôi ngày trước hay kể ở quê thời chiến tranh rất khổ. Bây giờ cuộc sống đầy đủ hơn, đất nước kỷ niệm ngày vui, tôi đưa mẹ đến nơi ngồi xem, mẹ vui là tôi thấy hạnh phúc. Giờ này, tôi còn có mẹ để phụng dưỡng nên vô cùng biết ơn cuộc đời”.
Cho tới bây giờ, xem lại hình ảnh cõng mẹ được chia sẻ trên mạng xã hội, bà Oanh cho rằng bản thân rất mãn nguyện vì tất cả những gì tốt đẹp nhất trong khả năng bà đã dành cho mẹ.
Trước khi đưa mẹ đến nơi đông người xem diễu binh, bà Oanh cũng từng đẩy xe lăn hoặc cõng mẹ đi xem bắn pháo hoa, đi du lịch theo tour của các đoàn phật tử đi Nha Trang, Đà Lạt.
“Mẹ tôi 100 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, không có bệnh gì, sức khỏe dẻo dai có thể là nhờ ngày trước ở quê lao động nhiều, cơ địa tốt chứ không có bí quyết gì”, bà Oanh nói.
Chị Ngọc Mai, con gái bà Oanh khi xem đoạn clip quay lại khoảnh khắc của mẹ và bà ngoại cũng cho biết, bản thân rất tự hào về mẹ và mong muốn chia sẻ hình ảnh “khối hiếu thảo” này đến nhiều bạn trẻ.
Chị xúc động bày tỏ: “Thấy đoàn diễu binh qua là bà ngoại tôi lại vỗ tay khen. Không khí rất tự hào, ấn tượng. Cả nhà tôi đã xem đến cuối chương trình, sau đó về khách sạn cho bà nghỉ ngơi rồi mới đón xe về lại Biên Hòa”.