LTS: 50 năm trước, dân tộc Việt Nam đã viết nên một trang sử hào hùng và chói lọi với đại thắng mùa Xuân 1975. Đó là khúc khải hoàn của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, khát vọng độc lập và thống nhất đất nước, non sông liền một dải.
Nửa thế kỷ trôi qua, đất nước không ngừng vươn mình mạnh mẽ, từ tro tàn chiến tranh đến những bước tiến lớn trên bản đồ thế giới.
Trong không khí cả nước hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, báo Dân trí trân trọng gửi đến quý bạn đọc loạt bài viết về những nhân vật lịch sử đã góp phần xương máu, trí tuệ vào cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại, để cùng nhìn lại giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, tri ân những cống hiến, sự hy sinh lớn lao của nhiều thế hệ đi trước vì nền hòa bình, thống nhất đất nước, độc lập, tự do của dân tộc.
Những ngày tháng 4 lịch sử, Ban liên lạc cựu chiến binh Ban liên hợp quân sự (Ban Liên hợp) Trại Davis đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức cuộc gặp mặt truyền thống để kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong buổi gặp mặt, các cựu chiến binh dành cho nhau những cái ôm ấm áp, liên tục hỏi thăm về gia đình, sức khỏe của đồng đội. Buổi gặp mặt lần này, ban tổ chức đã trưng bày các hình ảnh, tư liệu về Trại Davis.
Trong số những khung ảnh được trưng bày, mọi người không khỏi bồi hồi, xúc động trước bức ảnh lá cờ Giải phóng tung bay trên tháp nước của Trại Davis vào 9h30 ngày 30/4/1975.
Hoạt động trong lòng địch
Nhờ sự giúp đỡ của các cựu chiến binh, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với ông Phạm Văn Lãi (73 tuổi, hiện sống tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), người cắm lá cờ Giải phóng trên tháp nước Trại Davis.
50 năm trôi qua, nhưng khi nhắc lại khoảnh khắc đầy thiêng liêng, tự hào ấy, cựu chiến binh Phạm Văn Lãi không khỏi bồi hồi. Với chất giọng hào sảng, ánh mắt đầy tự hào, ông chậm rãi kể, năm 1971, khi đang học tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh), ông xung phong nhập ngũ.
Sau quá trình huấn luyện, chàng trai trẻ Phạm Văn Lãi được điều về công tác tại Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết giữa 4 bên gồm: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, Đảng ta chủ trương tiếp tục đấu tranh trên ba mặt trận là chính trị, quân sự và ngoại giao để đảm bảo các bên thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris.

Ông Phạm Văn Lãi tại buổi gặp mặt cựu chiến binh Ban liên hợp Quân sự (CCBBLHQS) Trại Davis được tổ chức vào tháng 4 (Ảnh: Nguyễn Hải).
Khi đó, ông Phạm Văn Lãi được cử làm nhân viên Ban Chính trị, Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và âm thầm đấu tranh cách mạng ngay lòng địch.
Lúc này, địch bố trí Trại Davis (khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, nay thuộc địa bàn phường 4, quận Tân Bình, TPHCM) là nơi làm việc của phái đoàn đại biểu quân sự 4 bên, cũng là chỗ ở cho phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Nhằm phá hoại và cản trở việc thực thi Hiệp định Paris, chính quyền Sài Gòn đã cô lập Trại Davis bằng cách bao quanh nhiều tầng dây thép gai. Ngoài ra, địch còn triển khai nhiều hoạt động vũ trang để đe dọa, khủng bố tinh thần các thành viên phái đoàn, ngăn chặn Ban Liên hợp quân sự tiếp xúc với người dân miền Nam.
Sống và làm việc giữa lòng địch, ông Lãi cùng cán bộ, nhân viên phái đoàn của ta vừa phải khắc phục mọi khó khăn, gian khổ vừa phải đấu trí, đấu sức trước các thủ đoạn tấn công rất tinh vi của đối phương.

Chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn được lệnh của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lên đỉnh tháp nước Trại Davis (Ảnh: Tư liệu cựu chiến binh Ban liên hợp Quân sự).
“Chọn căn cứ không quân của địch là nơi đấu trí giữa các bên, đã thể hiện rõ ý đồ muốn giam lỏng ta, cách li chúng tôi khỏi nhân dân. Trại Davis được xây dựng kiểu dã chiến ngay cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, cứ năm phút lại có một chuyến máy bay cất và hạ cánh. Mái nhà lợp bằng fibro xi măng, chỉ cao quá đầu người, dưới cái nắng gay gắt của miền Nam khiến môi trường sống tại đây vô cùng khắc nghiệt, căng thẳng. Không chỉ có vậy, địch còn dùng mọi thủ đoạn để gây sức ép vào phái đoàn của ta”, cựu chiến binh Phạm Văn Lãi hồi tưởng.
Chờ chiến thắng
Những năm 1973-1974, ông Phạm Văn Lãi cùng đồng đội đón Xuân tại Trại Davis – ăn Tết trong lòng địch.
Ông vẫn nhớ như in vào sáng Mùng 1 Tết năm 1973, phía phái đoàn của ta treo cờ Tổ quốc lên trụ sở Trại Davis để hưởng ứng không khí Tết. Chỉ ít phút sau, địch xuất hiện bao vây, tạo sức ép buộc ta phải gỡ xuống.
Do ăn ở phụ thuộc vào chính quyền Sài Gòn nên các chiến sĩ trong phái đoàn của ta nuôi thêm gà, chó để tăng gia sản xuất, mặt khác sử dụng những con vật này thử thức ăn, đề phòng bị đầu độc.
“Những ngày tại Trại Davis các chiến sĩ quân y hàng ngày đều phải kiểm tra kỹ lưỡng đồ ăn, nước uống để tránh việc phái đoàn của ta bị đầu độc”, ông thuật lại.

Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi kể khoảnh khắc cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lên đỉnh tháp nước Trại Davis (Ảnh: Nguyễn Hải).
Thời điểm đó, khi nào phía địch bị thua trên chiến trường, phái đoàn của ta trong Trại Davis lại bị quấy rối như cắt điện, cắt nước, cắt chuyến bay liên lạc, không bố trí đoàn cho ta đi vào Tân Sơn Nhất để đưa công hàm đến ủy ban quốc tế …
Đặc biệt, khu vực xung quanh Trại Davis đều trang bị các thiết bị nghe lén, phá sóng, gây nhiễu thông tin liên lạc.
Không chỉ thế, chính quyền Sài Gòn còn cho các đoàn lính thị uy bên ngoài khu ăn ở của ta, hô hào những khẩu hiệu chia rẽ để làm giảm ý chí của cán bộ, chiến sĩ trong phái đoàn.
“Địch tìm đủ cách để làm lung lay ý chí của ta, nhưng các cán bộ rất kiên trung, tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng”, ánh mắt đầy tự hào, cựu chiến binh Phạm Văn Lãi nói.

Chính quyền Sài Gòn cho lập nhiều vọng gác bên ngoài hàng rào Trại Davis – 13 vọng gác khi hai Đoàn đại biểu quân sự ta tiếp quản, tăng lên hơn 20 trong cuộc Tổng tiến công Xuân 1975 (Ảnh: Tư liệu cựu chiến binh Ban liên hợp Quân sự).
Đến đầu năm 1975, cục diện chiến trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ, thời cơ chín muồi để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nên các cán bộ, chiến sĩ trong phái đoàn tại Trại Davis đã chuẩn bị tinh thần, cơ sở vật chất một cách chu đáo.
Mùng 1 Tết năm 1975, trên loa phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban liên hợp quân sự 2 bên Trung ương đã phát biểu chúc mừng năm mới, khích lệ tinh thần toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và tiếp thêm sức mạnh.
Lá cờ Giải phóng tung bay giữa lòng địch
Đến tháng 3/1975, khi ta giành thắng lợi lớn trong Chiến dịch Tây Nguyên, đối phương tăng cường các biện pháp uy hiếp mạnh hơn trong Trại Davis. Nhận thấy tình hình phức tạp, cấp trên lên kế hoạch đưa những chiến sĩ của ta trong trại Davis ra ngoài.
Song ông Phạm Văn Lãi và đồng đội vẫn quyết tâm ở lại, tiếp tục đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Lúc này, để bảo đảm an toàn, những chiến sĩ trong phái đoàn tổ chức đào hầm trú ẩn, đào hào công sự ngay trong lòng địch bằng những dụng cụ thô sơ như lưỡi lê, dao găm, thanh sắt cũ.
“Lúc đó, quân địch giám sát rất chặt chẽ, khu trại phái đoàn của ta lại nằm ở khu đất trống nên việc đào hầm rất dễ bị phát hiện. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải đào hầm ban đêm, đất đào lên giấu kín dưới sàn nhà.
Các cán bộ, chiến sĩ thay nhau đào khoảng 10 đêm thì hệ thống hầm, hào cơ bản hoàn thiện, có hầm chỉ huy chính, hầm chỉ huy dự phòng, hầm cứu thương, hầm dự trữ lương thực và nước uống”, ông Lãi kể.
Những ngày cuối tháng 3/1975, toàn Trại Davis được chia thành 7 khu chiến đấu liên hoàn, các giao thông hào được đậy nắp kín và lấp đất bên trên như địa đạo mà địch không hề hay biết.

Ông Phạm Văn Lãi bên bức ảnh cách đây 50 năm khi lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên đỉnh tháp nước Trại Davis (Ảnh: Nguyễn Hải).
Cuối tháng 4/1975, các cánh quân của ta ầm ầm tiến vào Sài Gòn. Trong đêm 28 và ngày 29/4/1975, pháo của quân giải phóng liên tục bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất nhằm chặn cầu hàng không của địch.
Mặc dù đã có hầm bảo vệ, các cán bộ, chiến sĩ trong Trại Davis luôn xác định tinh thần dù có hi sinh cũng tiếp tục bám trụ để giành chiến thắng trên mặt trận ngoại giao.
“Vào Trại Davis, các cán bộ, chiến sĩ đều xác định hy sinh. Chúng tôi luôn tự nhủ dù có hy sinh cũng quyết tâm bám trụ để giành chiến thắng trên mặt trận ngoại giao”, cựu chiến binh Phạm Văn Lãi bộc bạch.
Sáng 30/4/1975, quân ta tiếp tục tiến công ở tất cả các hướng vào Sài Gòn để giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ.

Trại Davis bị vây quanh bởi các hàng rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc (Ảnh: Tư liệu cựu chiến binh Ban liên hợp Quân sự)
Gần 8h hôm đó, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Trại Davis đã lệnh cho Trung tá Mười Sương, Trưởng ban Chính trị gọi chiến sĩ Phạm Văn Lãi lên giao nhiệm vụ vào kho lấy cờ trao cho vệ binh cắm ở điểm cao nhất khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi ông Lãi đem cờ xuống lại không thấy vệ binh ở đó để giao nhiệm vụ của cấp trên. Trong tình huống gấp gáp, ông Lãi nhanh chóng quyết định đem lá cờ chạy đến tháp nước cao nhất trong Trại Davis. Trên đường đi, ông gặp đồng đội là Nguyễn Văn Cẩn nên đề nghị hỗ trợ cùng làm nhiệm vụ.
Khi đó, hai người nhặt được một đoạn ống nước bằng sắt làm cán cờ và hai sợi dây thép. Đến chân tháp nước, ông Lãi chui vào lồng bảo vệ trèo lên trước, ông Cẩn đeo súng ngắn theo sau.
Lên đến đỉnh, ông Lãi buộc phía trên, ông Cẩn buộc phía dưới.
9h30 ngày 30/4, ông Phạm Văn Lãi buông tay để lá cờ tung bay trong gió. Thời điểm này, lực lượng đặc công được giao nhiệm vụ vào “mở đường máu” cho phái đoàn của ta cũng tiến vào trong Trại Davis.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Đoàn ĐBQS Chính phủ CMLT trong Ban LHQS 2 bên, chủ trì một cuộc họp báo ở Trại Davis (Ảnh: Tư liệu cựu chiến binh Ban liên hợp Quân sự)
Theo ông Lãi, mục đích của việc cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khiến cho địch hoang mang, không còn tinh thần chiến đấu mà bỏ súng đầu hàng.
Đặc biệt, lá cờ còn có nhiệm vụ để lực lượng của ta chỉnh làn, hướng pháo nhắm trúng mục tiêu; khuyến khích các mũi tấn công của ta vào thành phố phối hợp nhịp nhàng, nhanh hơn.
“Khi lá cờ tung bay trước gió, nhìn xuống dưới tôi thấy thủ trưởng và mọi người ai cũng phấn khởi, ôm nhau khóc”, ông Lãi nhớ lại thời khắc lịch sử.
Sáng 1/5, ông Phạm Văn Lãi lại được thủ trưởng giao nhiệm vụ trèo lên cột cờ Dinh Độc Lập, thay lá cờ Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm lúc 11h30 ngày 30/4/1975.
Lá cờ chiến sĩ Thận cắm bị mắc dây, không mở ra được, cũng không hạ dây kéo xuống được.
Khi đó, cột cờ cao, trơn nhẵn, ông Lãi bèn lấy dây dù buộc vào hai chân rồi ôm cột trèo lên như bà con Nam Bộ thường leo dừa. Sau ít phút, ông đã thay được lá cờ mới, to rộng hơn.
Đất nước thống nhất, ông tiếp tục làm việc ở Ủy ban Quân quản, phục vụ các cuộc mít tinh, hội nghị hiệp thương thống nhất hai miền.
Đến năm 1979, ông được điều về Văn phòng Chính phủ, được gần gũi, phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị… Năm 2012, ông nghỉ hưu và chuyển về huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, sinh sống.
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, nhưng ông Phạm Văn Lãi không bao giờ quên hai lần kéo cờ chiến thắng.