Từ chuyện nhặt rác của ca sĩ Hòa Minzy

Từ chuyện nhặt rác của ca sĩ Hòa Minzy

bởi

trong

Lời kêu gọi “mỗi người một tay nhặt rác” của ca sĩ Hòa Minzy sau buổi tổng duyệt để chuẩn bị cho diễu binh dịp đại lễ vừa qua không chỉ gây sốt mạng xã hội, mà còn chạm vào nỗi trăn trở muôn thuở: Làm sao để xây dựng nếp sống ngày càng văn minh hơn trong cộng đồng.

Không chỉ riêng Việt Nam, trên khắp thế giới, với các sự kiện lớn, khi hàng nghìn người đổ về một không gian, việc quản lý rác không thể chỉ dựa vào ý thức tự phát hay vài chiếc thùng nhựa cũ kỹ đặt ngẫu hứng. Bài toán này đòi hỏi một hệ thống thiết kế bài bản – nơi mỗi thùng rác không chỉ là vật chứa đựng, mà còn là “người dẫn đường” văn minh.

Nếu bạn nghĩ việc đặt thùng rác chỉ là chuyện “thấy đâu đặt đó”, nghiên cứu của Nattapon Leeabai (đăng trên tạp chí Waste Management, 7/2019) sẽ khiến bạn giật mình. Bằng cách theo dõi hành vi của hàng nghìn người trước các loại thùng rác (đựng rác thải thông thường; chai PET – loại chai nhựa phổ biến dùng đựng nước và đồ uống; lon nhôm, thủy tinh), nhóm tác giả đã vẽ nên bức tranh đầy bất ngờ: Vài mét chênh lệch trong thiết kế có thể biến một lễ hội sạch thành… bãi rác di động!

Từ chuyện nhặt rác của ca sĩ Hòa Minzy

Hai học sinh cặm cụi nhặt rác trên đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM) sau buổi sơ duyệt diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) vào tối ngày 25/4 (Ảnh: MXH).

Khi thùng rác được đặt ngay trên lối đi, dù cách xa 8m hay 410m, người ta vẫn sẵn sàng bước đến vứt rác. Nhưng chỉ cần đẩy thùng ra ngoài lối đi, hiệu ứng “lười biếng” lập tức xuất hiện. Đặc biệt với rác thải thông thường, lượng thu gom trong thùng giảm mạnh chỉ vì… nó nằm xa thêm vài bước chân mọi người. Điều này giống như việc bạn nhìn thấy thùng rác cách 5m nhưng vẫn vứt rác ngay dưới chân – tâm lý “phiền phức” sẽ thắng thế.

Vấn đề đáng chú ý nhất nằm ở cách sắp xếp thùng phân loại. Nếu hai thùng chai PET và rác thải thông thường bị đặt xa nhau hoặc đổi chỗ, tỷ lệ phân loại đúng giảm rõ rệt. Thậm chí, chỉ cần “dịch chuyển” chúng xa nhau 3m – khoảng cách bằng chiều dài hai chiếc xe máy – đã khiến nhiều người bỏ cuộc, ném tất cả vào một thùng cho… tiện.  

Singapore – quốc gia tổ chức hàng trăm sự kiện lớn mỗi năm – đã chứng minh điều này bằng cách biến thùng rác thành “trợ thủ đắc lực”. Tại lễ hội Chingay Parade, họ bố trí cụm thùng phân loại màu sắc rực rỡ cứ 20- 30m một điểm, kèm biển hướng dẫn trực quan bằng ba thứ tiếng. Kết quả? Dù có hàng trăm nghìn khách tham dự, các con phố vẫn sạch bóng rác nhờ thiết kế thông minh và quy trình thu gom được vận hành như cỗ máy. Điều này cho thấy: Muốn mọi người tham gia lễ hội không xả rác, trước hết phải tạo điều kiện để họ vứt rác đúng cách.

Thiết kế thùng rác là một trong những yếu tố then chốt. Màu sắc không đơn thuần để trang trí – nó là ngôn ngữ im lặng hướng dẫn hành động. Ví dụ: Thùng xanh dương cho rác tái chế, thùng xanh lá cho thức ăn thừa, thùng đỏ cho vật dụng nguy hại… phải được chuẩn hóa và đặt ở vị trí “đắc địa”. Gần các quầy đồ ăn, thùng xanh lá cần chiếm ưu thế để xử lý ngay rác hữu cơ, tránh gây mùi. Quan trọng hơn, mỗi thùng rác phải đi kèm hình ảnh minh họa sinh động – như chiếc lon nước vẽ trên thùng xanh dương, hay hình ảnh ổ bánh mì, que kem cắm trên thùng xanh lá – để du khách dù không đọc chữ vẫn hiểu nhanh cách phân loại đúng cách.

Bí mật còn nằm ở những bộ khung gắn túi nilon – thứ tưởng chừng quá đơn giản nhưng theo tôi, lại là giải pháp hiệu quả bậc nhất. Thay vì nhét túi rác vào thùng rác to lớn cồng kềnh với nắp đậy dính đủ thứ chất thải, họ thiết kế hệ thống khung inox gọn nhẹ, túi nilon được móc vào hai bên mép như chiếc yếm đón rác. Khi túi đầy, công nhân chỉ cần kéo nhẹ dây buộc, túi rơi xuống, thay thế bằng túi mới trong 5 giây.

Từ chuyện nhặt rác của ca sĩ Hòa Minzy - 2

Những chiếc khung gắn túi nilon đơn giản với các màu khác nhau, được bố trí tập trung theo từng cụm phân loại với hình ảnh minh họa rõ ràng tại một lễ hội ở Vermont, Mỹ (Ảnh: Communitynews).

Điều này giải quyết hai vấn đề nhức nhối tại các lễ hội: Túi không bị lẫn (màu sắc túi đồng bộ với thùng) và không lo rơi vãi (khung cố định túi chắc chắn, dù gió lớn hay rác nặng). Tôi từng thắc mắc với một chị thu gom rác khi được hỏi: “Sao chị thay túi nhanh thế?”. Chị đáp: “Nhờ cái khung này, tôi không phải lôi cả thùng rác lên để lấy túi. Nhẹ như lấy kẹo từ túi áo!”.

Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ “khung gắn túi” này. Thử tưởng tượng ở khu phố đi bộ Hồ Gươm, mỗi khung túi màu xanh lá cây – xanh dương – đỏ được bố trí cố định dọc lối đi. Du khách vừa ăn kem xong, bước thêm một hai bước chân đã thấy túi rác treo lủng lẳng như đèn lồng sinh thái, chỉ việc vứt rác vào đúng túi. Công nhân không cần dùng tay mò mẫm trong thùng hay vất vả tháo đổ, chỉ việc kéo túi đầy, buộc miệng, và thả vào xe thu gom – nhanh gọn.

Lời kêu gọi nhặt rác dễ thương của ca sĩ Hòa Minzy đã chạm vào sợi dây nhạy cảm nhất của ý thức cộng đồng – sự tử tế tự thân. Nhưng như cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng tuyên bố trong chiến dịch làm sạch Singapore năm 1959: “Sự sạch sẽ và gọn gàng là chỉ dấu cho mức độ ngăn nắp của một dân tộc. Chúng ta phải nâng cao tiêu chuẩn để trở thành một trong những thành phố sạch nhất châu Á”. Câu nói ấy không chỉ là lời kêu gọi, mà là lời cảnh tỉnh: Ý thức cá nhân dù mạnh mẽ đến đâu cũng cần được dẫn lối bởi một hệ thống quản lý rác không khoan nhượng với sự bừa bãi.

Việt Nam hoàn toàn có thể viết nên kịch bản tương tự. Hãy để mỗi thùng rác không chỉ là vật dụng, mà là lời mời gọi văn minh. Một thành phố sạch không chỉ nhờ hàng nghìn bàn tay nhặt rác, mà nhờ hàng triệu bàn tay không xả rác bừa bãi.

Tác giả: Trình Phương Quân (Kiến trúc sư) tốt nghiệp thạc sĩ ngành kỹ thuật xây dựng và môi trường tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Trước đó, Quân theo học ngành thiết kế bền vững tại Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Kiến trúc TPHCM. Quân tham gia thiết kế kiến trúc, quy hoạch, đồng thời là tác giả cộng tác với nhiều tờ báo, tập trung vào các chủ đề về môi trường, thiết kế và văn hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!