50 năm non sông liền một dải: Trường học đổi thay cả vùng đất

50 năm non sông liền một dải: Trường học đổi thay cả vùng đất

bởi

trong

NHỮNG NGÔI TRƯỜNG HÀNG TRĂM TỈ ĐỒNG

Sáng 22.4.2025, cô Nguyễn Thị Thanh Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3 Trường tiểu học Hùng Vương, Q.Tân Bình, TP.HCM, đến lớp sớm hơn thường lệ. Hôm đó là lễ khánh thành Trường tiểu học Hùng Vương, Trường mầm non Sơn Ca, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi cùng công trình xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại khu đất công trình công cộng P.6, Q.Tân Bình. Trẻ em, học sinh, đội ngũ giáo viên như cô Thảo đều hân hoan.

“Các bé rất thích trường mới vì trường rộng đẹp, các con tha hồ chạy nhảy, vui chơi. Đặc biệt trường còn có nhà ăn, mỗi trưa, các con háo hức xếp hàng vào nhà ăn, không phải ngồi ăn cơm ngay trong lớp học”, cô Thảo nói.

50 năm non sông liền một dải: Trường học đổi thay cả vùng đất

Hình ảnh khu đất công cộng P.6, Q.Tân Bình hồi tháng 11.2023

ẢNH: THÚY HẰNG

Tháng 11.2023, khi PV Báo Thanh Niên có mặt ở khu đất này, nơi đây còn cây cối, cỏ mọc um tùm, các con đường dân sinh nhỏ hẹp. Đến ngày 12.12.2023, các dự án xây trường học, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật được khởi công. Và cho tới ngày 22.4.2025, khi bước chân tới cụm trường trong ngày khánh thành, tất cả đều bất ngờ vì nơi đây đã hoàn toàn lột xác. Từ khu đất công trình công cộng hoang hóa bao năm, đầy rác thải ô nhiễm, nay đã mọc lên 3 trường học vô cùng rộng lớn, khang trang, hiện đại.

Trường mầm non Sơn Ca có diện tích khuôn viên 6.348,5 m2 gồm 1 trệt, 3 lầu, 20 phòng học, các phòng chức năng và bếp ăn, tổng mức đầu tư hơn 122 tỉ đồng. Trường tiểu học Hùng Vương có diện tích khuôn viên 9.432,5 m2; 1 trệt, 3 lầu, 30 phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà thi đấu đa năng, tổng mức đầu tư hơn 147 tỉ đồng. Trường THCS Mạc Đĩnh Chi diện tích khuôn viên 12.283,5 m2, 1 trệt, 3 lầu, 45 phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn và hồ bơi; tổng mức đầu tư hơn 196 tỉ đồng.

Đặc biệt, xung quanh cụm 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, các con đường, hẻm dân cư được mở rộng, khang trang, hệ thống cây cối xanh tươi. Tổng mức đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, kỹ thuật là 690,001 tỉ đồng (chi phí xây lắp hơn 109 tỉ đồng; chi phí hỗ trợ quá trình sử dụng canh tác hoa màu của các hộ dân để thực hiện dự án là hơn 580 tỉ đồng).

Cả 3 trường học được khánh thành, tương đương tổng số 95 phòng học được đưa vào sử dụng, giúp toàn Q.Tân Bình đạt chỉ tiêu 301 phòng học trên 10.000 dân trong độ tuổi đi học. Đại diện UBND Q.Tân Bình đánh giá: “Dự án đã khơi dậy và củng cố mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn Q.Tân Bình, trở thành minh chứng rõ nét cho mô hình gắn kết giữa chính quyền và nhân dân trong kiến tạo tương lai giáo dục”.

Thay đổi diện mạo giáo dục tại TP . HCM với các trường học hiện đại - Ảnh 2.
Thay đổi diện mạo giáo dục tại TP . HCM với các trường học hiện đại - Ảnh 3.
Thay đổi diện mạo giáo dục tại TP . HCM với các trường học hiện đại - Ảnh 4.

Các ngôi trường hiện đại hôm nay tại P.6, Q.Tân Bình, tháng 4.2025

ẢNH: THÚY HẰNG

TỪ NHỮNG NHÀ KHO TỚI TRƯỜNG CHUẨN QUỐC GIA

Một ngày tháng 4.2025, ngồi trong quán cà phê 481/1D Ba Đình, sát bên Trường THCS Lý Thánh Tông, P.9, Q.8, ông Lê Văn Tấn, 69 tuổi, khách quen của quán, cho biết nơi ông ngồi bây giờ đã đổi thay hoàn toàn so với hơn 10 năm về trước. Theo ông Tấn, năm 2013, Trường THCS Lý Thánh Tông được thành lập trên khu đất nhiều năm trước là kho bãi cũ kỹ.

Kế bên trường học, chung cư 481 cũng được xây dựng khang trang, thay đổi diện mạo toàn bộ khu phố nơi đây. Từ ngày có trường học sạch sẽ, đường Ba Đình và các con hẻm xung quanh được quy hoạch gọn gàng, trẻ em thoải mái đạp xe đến trường trên con đường rộng đẹp; người lớn uống cà phê, nói chuyện ung dung dưới những tán cây trên vỉa hè. Buổi tối, đèn đường sáng trưng, trên đường luôn có trạm gác an ninh khu phố, khiến ai đi học, đi làm về khuya cũng an tâm.

50 năm non sông liền một dải: Trường học đổi thay cả vùng đất - Ảnh 1.

Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8 khang trang, trước đây là nhà kho cũ kỹ

ẢNH: THÚY HẰNG

Cũng ở P.9, Q.8, trên đường Nguyễn Duy, công trình Trường mầm non Phường 9 đang ở những bước hoàn thiện trước khi đưa vào sử dụng. Nơi này từng là nhà kho cũ của công ty chế biến thịt gia súc, nhiều năm để không, nhếch nhác và lãng phí. Từ ngày trường học được xây lên, cảnh quan thay đổi toàn bộ, người dân xung quanh phấn khởi không chỉ vì con em sắp có nơi học tập hiện đại mà khu phố, đường sá đều sạch đẹp, tiện nghi hơn trước.

TRƯỜNG HỌC HIỆN ĐẠI TỪ NHỮNG KHU NHÀ CŨ

Tháng 11.2023, PV Báo Thanh Niên có mặt tại buổi khánh thành Trường giáo dục chuyên biệt 15/5 tại Q.11, TP.HCM. Bà Trần Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường giáo dục chuyên biệt 15/5, cho biết trường cũ nằm bên trong một biệt thự được xây dựng từ trước năm 1975, nhiều hạng mục xuống cấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, không thu hút được sự quan tâm của phụ huynh. Cho tới hôm nay, nơi đây đã là ngôi trường khang trang để giảng dạy, chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ cần giáo dục đặc biệt. Trường có tổng diện tích 1.200 m2, gồm 1 trệt 3 lầu với 9 phòng học khang trang.

Gần đây, ai qua địa chỉ 785 đường Tạ Quang Bửu, P.4, Q.8 đều xuýt xoa trước Trường tiểu học Thái Hưng to lớn, đẹp đẽ trên diện tích 3.686,5 m2. Trường có 26 phòng học, nhiều phòng học bộ môn, phòng chức năng, tổng mức đầu tư 40 tỉ đồng. Trước đây, trường xuống cấp, cũ kỹ, không an toàn. Việc cải tạo, nâng cấp, xây mới trường được tiến hành từ tháng 7.2019. Tới ngày 5.9.2023, trường khánh thành đúng ngày khai giảng trong niềm vui chung của tất cả các em học sinh, phụ huynh, các thầy cô giáo.

Cùng với việc mở rộng, cải tạo đường Tạ Quang Bửu khang trang, sạch đẹp, hình ảnh ngôi trường Thái Hưng nổi bật trên con đường đẹp càng trở thành một trong những minh chứng cho thấy sự thay da đổi thịt của TP.HCM sau bao năm tháng.

50 năm non sông liền một dải: Trường học đổi thay cả vùng đất - Ảnh 2.

Trường tiểu học Thái Hưng, Q.8 ngày nay

ẢNH: THÚY HẰNG

TIẾP TỤC XÂY DỰNG THÊM NHIỀU TRƯỜNG LỚP MỚI

Tại buổi lễ khánh thành cụm trường ở Q.Tân Bình mới đây, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định việc cụm trường học đạt chuẩn quốc gia và các công trình giao thông, công viên được xây dựng khang trang trên khu đất công cộng P.6, Q.Tân Bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, phục vụ nhu cầu học tập, phát triển giáo dục cho nhân dân con em Q.Tân Bình.

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, đề án 4.500 phòng học của TP.HCM vẫn còn nhiều bước để hoàn thành. Công tác đầu tư cải tạo các khu vực đất công, vận động các đơn vị xã hội hóa để tiếp tục xây dựng trường, lớp trên địa bàn là một trách nhiệm rất lớn, đòi hỏi sự tham gia của tất cả lãnh đạo các cấp, chính quyền địa phương trong thời gian tới.

50 năm non sông liền một dải: Trường học đổi thay cả vùng đất - Ảnh 3.

Trường mầm non Phường 9, Q.8 đang được xây dựng, trước đây ở đây là nhà kho cũ xuống cấp

ẢNH: THÚY HẰNG

Bà Thúy cho hay những trường học mới được khánh thành cũng là lời khẳng định rất rõ ràng cho mục tiêu mà TP đang cố gắng xây dựng. Đó là không chỉ cung cấp môi trường học tập hiện đại, an toàn, thân thiện mà còn tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển toàn diện của học sinh. 

TP.HCM khánh thành hàng loạt trường học

Ngoài cụm trường chuẩn quốc gia tại P.6, Q.Tân Bình, trong tháng 4.2025, TP.HCM khánh thành hàng loạt trường học, đáp ứng nhu cầu đến trường của con em TP.HCM.

Như Trường mầm non Trường Thọ, TP.Thủ Đức với tổng mức đầu tư 23 tỉ đồng. Trường mầm non 12, Q.4, tổng diện tích sàn sử dụng 1.663,2 m² với tổng vốn đầu tư hơn 36 tỉ đồng. Trường mầm non 12, P.12, Q.3, xây dựng trên diện tích đất 836,7 m² với tổng mức đầu tư hơn 28 tỉ đồng. Cơ sở 2 Trường mầm non Vàng Anh, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, tổng kinh phí đầu tư gần 49 tỉ đồng, tổng diện tích sàn 2.900 m². Trường tiểu học Nguyễn Cửu Phú, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh; Trường THCS Tân Thạnh Đông 2, xã Tân Thạnh Đông, H.Củ Chi…