TP.HCM tiên phong làm những việc mới, việc khó

TP.HCM tiên phong làm những việc mới, việc khó

bởi

trong

Cải cách thể chế mạnh mẽ cùng sự chung sức, đồng lòng sẽ là nền tảng vững chắc giúp TP.HCM thực hiện những sứ mệnh lớn lao hơn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là thông điệp được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ với PV Thanh Niên khi nhìn lại chặng đường từ năm 1975 đến nay, cũng như khát vọng trong giai đoạn tới.

TP.HCM tiên phong làm những việc mới, việc khó

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

ẢNH: Nguyên Vũ

* Từ khi đất nước thống nhất (ngày 30.4.1975) đến nay, TP.HCM đã thể hiện vai trò đầu tàu như thế nào và đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa ông?

– Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan: Qua 50 năm xây dựng, phát triển và hàn gắn vết thương chiến tranh, TP.HCM đã thể hiện vai trò đầu tàu, đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Đầu tiên, nền kinh tế TP.HCM tăng trưởng cao nhất cả nước, luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng TP.HCM đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa, chiếm 16% quy mô kinh tế cả nước, 26 – 27% tổng thu ngân sách và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người gấp 1,7 lần cả nước. TP.HCM cũng là trung tâm tài chính, thương mại – dịch vụ, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao của khu vực phía nam và cả nước.

Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng không ngừng được cải thiện, năng suất lao động bằng 2,7 lần năng suất bình quân cả nước. TP.HCM cũng luôn là một trong những địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Khu công nghệ cao TP.HCM được đánh giá là mô hình thành công nhất trong các khu công nghệ cao cả nước. TP.HCM có Khu công viên phần mềm Quang Trung với 200 doanh nghiệp đầu tư, hơn 11.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin, hơn 10.000 sinh viên công nghệ thông tin học tập trong Khu công viên phần mềm Quang Trung…

 - Ảnh 2.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vận hành từ cuối năm 2024 mang lại nhiều niềm vui cho người dân TP.HCM

Ảnh: Nhật Thịnh

* Diện mạo đô thị, đời sống người dân TP.HCM đã được cải thiện ra sao, thưa ông?

– Theo thời gian, TP.HCM đã và đang khoác trên mình vẻ đẹp của một siêu đô thị với lối kiến trúc vừa hiện đại vừa hài hòa. Có thể kể đến một số công trình ấn tượng như tòa nhà Landmark 81 tầng, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Ba Son, khu đô thị Thủ Thiêm, công viên Bến Bạch Đằng, quảng trường Hồ Chí Minh, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên…

Ngoài việc nâng cấp các tuyến dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, TP.HCM đã rất nỗ lực cải tạo, nâng cấp kênh, rạch nội thành và vùng ven, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, giao thông, cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân 2 bên và các khu vực xung quanh, như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé.

Trên hành trình đạt đến Net Zero, TP.HCM xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai để hài hòa, cân bằng phát triển đô thị. Bên cạnh tạo cảnh quan và không gian xanh hai bên bờ sông Sài Gòn, thành phố chú trọng thu hút các dự án xanh, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bảo tồn công viên cây xanh, công trình công cộng, khu vui chơi. Các công viên lớn như công viên 23.9, công viên Tao Đàn, công viên Gia Định, công viên Lê Văn Tám, Thảo Cầm Viên Sài Gòn… như những “lá phổi xanh” giữa lòng đô thị nhộn nhịp, năng động.

Cùng với đó, TP.HCM dành nguồn lực đáng kể để đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải theo hướng tái chế, phát điện; khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà, công sở, nhà máy, khu cụm công nghiệp để giảm tiêu thụ điện lưới…

Song song với phát triển đô thị, TP.HCM cũng ưu tiên nguồn vốn ngân sách để duy trì, tôn tạo những kiến trúc xưa cũ, tạo nên nét văn hóa đan xen độc đáo riêng của thành phố. Tất cả đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội, mang lại nhiều tiện ích thiết thực, qua đó cải thiện đời sống người dân một cách rõ nét.

* Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TP.HCM nhận lãnh trách nhiệm tiên phong ở những lĩnh vực nào và chuẩn bị gì để thực hiện sứ mệnh đó?

– Theo tôi, khi bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò là đầu tàu kinh tế của vùng Đông Nam bộ và cả nước, TP.HCM cần củng cố nội lực bằng cách nhanh chóng hội đủ 3 yếu tố.

 - Ảnh 3.

Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn, nối trung tâm Q.1 với Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) có thiết kế đẹp, hình cánh cung biểu tượng cho sự vươn mình của TP.HCM

Ảnh: Nhật Thịnh

Đầu tiên là nắm bắt thời cơ, vận hội mới từ chính những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Thứ 2 là sẵn sàng hành động bằng tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Và thứ 3, thành phố phải ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào công tác quản trị điều hành.

Với 3 yếu tố trên, tôi cho rằng TP.HCM có thể nhận lãnh trách nhiệm tiên phong thí điểm triển khai những việc mới, việc khó, những vấn đề mới chưa có quy định cụ thể, điển hình như việc triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Về những việc cụ thể, TP.HCM đang đẩy nhanh xây dựng và triển khai thí điểm các trung tâm quan trọng như Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm tài chính quốc tế, Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, TP.HCM tiếp tục xây dựng, cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ để xứng tầm là trung tâm dịch vụ chất lượng cao của khu vực Đông Nam Á, khu vực châu Á, bao gồm y tế, văn hóa, giáo dục…

 - Ảnh 4.

Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo sau 116 năm xây dựng

Ảnh: Nhật Thịnh

* Để thực hiện những sứ mệnh lớn lao cần nền tảng vững chắc – thể chế, chính sách và điểm tựa tinh thần – sự đồng lòng, chung sức, xin ông chia sẻ thêm về 2 yếu tố này?

– Đúng vậy, để thực hiện những sứ mệnh lớn lao, rõ ràng chúng ta cần nền tảng vững chắc, đó là thể chế, chính sách. Thể chế đang được xem là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, không riêng TP.HCM mà còn của cả nước. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tư duy xây dựng pháp luật, tư duy trong phân cấp, phân quyền.

Đối với TP.HCM, việc triển khai thí điểm Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội với 44 cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực: quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị tài nguyên – môi trường, thu hút nhà đầu tư chiến lược, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy chính quyền… được coi như bước đầu tháo gỡ thế chế trong giai đoạn hiện nay.

Đây sẽ là nền tảng, tiền đề quan trọng giúp thành phố huy động các nguồn lực xã hội, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để tiếp tục là hạt nhân, là cực tăng trưởng của cả nước, hướng tới phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn, hạnh phúc hơn.

Để thực hiện sứ mệnh lớn lao cần thêm điểm tựa tinh thần mà theo tôi quan trọng nhất là sự chung sức, đồng lòng. Khi đứng trước vận hội mới với những cơ hội, thách thức đan xen và những biến động không ngừng của thế giới trong quá trình hội nhập, nếu không tạo được sức mạnh tập thể, cùng chung tiếng nói, đồng lòng hợp sức thì mọi giải pháp có đột phá, có khoa học cũng thất bại. Và như vậy, mọi khát vọng xây dựng thành phố đều vô nghĩa.

 - Ảnh 5.

Kiều bào về nước tham quan trung tâm TP.HCM bằng xe buýt 2 tầng,ngắm sự đổi thay của một đô thị hiện đại

Ảnh: Nhật Thịnh

* Xin ông cắt nghĩa thêm về thông điệp đồng hành mà lãnh đạo thành phố chia sẻ trong các buổi làm việc với địa phương, sở ngành cũng như gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp?

– Chúng tôi xác định tâm thế “đồng hành” để được lắng nghe tâm tư, hiến kế của mọi đối tượng. Trong đó, “đồng hành” cùng sở ngành, địa phương để phát huy sự sáng tạo, tạo ra tinh thần, năng lượng, cảm hứng để thu hút mọi cán bộ, công chức, viên chức tham gia. “Đồng hành” cùng doanh nghiệp để chia sẻ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ đó tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động.

Tôi tin tưởng sự “đồng hành” thực chất và hiệu quả sẽ giúp TP.HCM thu hút và huy động mọi nguồn lực xã hội vào công cuộc xây dựng, phát triển thành phố nhanh và bền vững hơn.

* Để kinh tế TP.HCM tăng trưởng đúng mục tiêu đề ra trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong nhiệm kỳ tới là thách thức lớn, địa phương đã chuẩn bị những giải pháp đột phá nào, thưa ông?

– Giải pháp đột phá để kinh tế TP.HCM tăng trưởng đúng mục tiêu năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong nhiệm kỳ tới, có thể tập trung vào nhiều nhóm quan trọng.

Đầu tiên là tập trung mọi nguồn lực giải quyết các vướng mắc, bất cập để giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Thứ 2 là triển khai ngay các trung tâm được hình thành như Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo để tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Thứ 3 là cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ bộ máy công quyền, đồng thời đẩy nhanh các nhiệm vụ còn lại được Thủ tướng giao về thực hiện Nghị quyết 98. Song song đó, kiện toàn bộ máy khi mở rộng địa giới hành chính để phát huy hiệu quả liên kết vùng. Cuối cùng là khơi thông điểm nghẽn để thị trường bất động sản hoạt động theo cơ chế thị trường đúng nghĩa.

* TP.HCM tiếp tục thực hiện mục tiêu “cùng cả nước, vì cả nước” và “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ra sao?

– Cùng chung với sự phát triển đất nước, sau 50 năm đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã phấn đấu không ngừng để xây dựng, phát triển quê hương ngày càng “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, xứng đáng với vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Với sự phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực, thành phố đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung cả nước.

Và lịch sử đã chứng minh, TP.HCM luôn đồng hành “vì cả nước, cùng cả nước”. Với con người có truyền thống tiên phong, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, đóng góp lớn về thu ngân sách, tạo tác động lan tỏa cho vùng, hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố khác để phát triển kinh tế, an sinh xã hội…

* Xin cảm ơn ông!

Tiên phong những lĩnh vực mới

TP.HCM là địa phương đầu tiên có quyết định xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2025, đang được triển khai tích cực. Trong đó, xây dựng Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP.HCM thúc đẩy quá trình chuyển đổi số công nghiệp; xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia tại TP.HCM giai đoạn 2025 – 2030 nhằm đẩy mạnh phát triển hạ tầng số theo tinh thần Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, TP.HCM đã quy hoạch và triển khai xây dựng khu đô thị sáng tạo phía đông với mục tiêu là động lực cho Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đạt nhiều kết quả thiết thực. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một phát triển, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, chăm lo đời sống các đối tượng nghèo, gia đình chính sách có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị được củng cố, hoạt động ngày càng hiệu quả; lòng tin trong nhân dân tiếp tục được củng cố, đóng góp quan trọng vào việc ổn định, bảo vệ và phát triển thành phố.