Chúng tôi phải cố có ngày 30-4

Chúng tôi phải cố có ngày 30-4

bởi

trong
Chúng tôi phải cố có ngày 30-4

Nhà văn Nguyễn Bình Phương

Trên đường đi, tôi có kể cho anh bạn nhà văn Hàn Quốc về cảm giác khi xem qua vô tuyến hình ảnh cuộc gặp đoàn tụ giữa những người thân của hai miền Bắc Hàn và Nam Hàn.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, hiếm hoi những người ruột thịt bị chia cắt biền biệt hàng vài chục năm có dịp đoàn tụ với nhau.

Đa phần họ đều tê tái, sững sờ đến mức có những người chẳng thể hiện được gì, chỉ đứng khóc, làm như chạm vào nhau là cùng vỡ tan tành. Cho tới khi đồng hồ điểm đến giây cuối cùng của cuộc gặp thì họ sực tỉnh vồ ập lấy nhau như lần vĩnh biệt. Với tuổi tác của họ, tôi nghĩ đó thực sự là lần vĩnh biệt.

Lúc tới giới tuyến phân chia hai vùng đất, với một không gian bị cắt bởi hàng rào thép gai lạnh lùng, anh bạn nhà văn Hàn Quốc quay sang nói với tôi rằng anh rất buồn, thậm chí thấy xấu hổ: “Chẳng biết đến bao giờ thì chúng tôi mới được hưởng cái cảm giác của ngày thống nhất hai miền. Hãy kể cho tôi cảm giác đó của anh”.

Có một bí mật lẽo đẽo theo tâm trí tôi đến tận bây giờ: không hiểu sao mỗi khi giấy báo tử về thì trời nhiều gió lên, vì tôi thấy tờ báo tử nào cũng rung bần bật trên tay bất cứ người cầm nào, như bị ai đó vô hình đang vùng vằng cố gắng giật lấy để giấu biệt đi.

Ngày ấy

Tôi giật mình. Cảm giác ngày đất nước thống nhất? Lâu lắm rồi, gần nửa thế kỷ rồi.

Tôi cười đáp đó là một cảm giác rất chàng màng, không rõ ràng vì khi ấy tôi cũng chỉ cỡ mười tuổi, dù có nếm đạn bom sát sạt thì cũng chưa hiểu lắm giá trị của sự thống nhất. Bởi giới hạn hiểu biết của bọn trẻ con ở Linh Sơn (Thái Nguyên) thời ấy không như bây giờ. Ngoài tầm khoảng gần trăm cây số thì mọi thứ với bọn trẻ là xa, nói tới miền Nam thì càng xa xôi trong hình ảnh hàng dừa và người phụ nữ khăn rằn.

Nhưng để có cái ngày mọi người vỡ òa cảm xúc ấy thì trước đó, bọn trẻ chúng tôi đã thấy người lớn ở Linh Sơn hay tụm nhau hồ hởi bàn tán về tốc độ tiến quân của ta.

Hôm 29, bố tôi bảo với cả gia đình lúc đang ăn bữa cơm trưa độn khoai, tất cả quân mình đã tụ ở Biên Hòa, sắp xong rồi, mai mẹ mày cứ mạnh dạn cho thịt một con gà đi. Trưa hôm sau, chiếc loa công cộng trên cây xoan sang sảng cất lên bản tin toàn thắng… Và đúng ngày ấy, ngày 30-4, có hai chi tiết khiến tôi khó quên.

Chi tiết thứ nhất là tôi chứng kiến cậu bạn mình bị bố tát cho một cái trời giáng vì níu áo nằng nặc đòi theo ông lên ô tô sang thành phố Thái Nguyên để dự mít tinh mừng chiến thắng trong khi ông đang loay hoay leo lên thùng chiếc xe Gát 66 để kiếm một chỗ ngồi giữa cả đám đông chen lấn.

Ông tát con vì bị làm vướng chân, nhưng lại hồ hởi nói với nó như nói với người bạn đồng lứa khi đã ngồi được vào cái ghế băng: Nín đi, về bố thuật lại cho mà nghe. Cậu bạn tôi ôm má, gạt nước mắt hồ hởi gật đầu. Vậy đấy, khi niềm vui quá lớn thì mọi người đều hóa trẻ con hết.

Tôi hình dung cả Linh Sơn đều hóa trẻ con cả, trong cái ngày kỳ diệu ấy. Với lũ trẻ như chúng tôi thì giải phóng miền Nam chỉ là ngày mà người lớn mừng vui thì mình mừng vui theo. Điều ấy cũng không nên trách, vì trẻ con cũng chẳng cần phải là kẻ hiểu mọi thứ sâu xa quá sớm, vả lại ngày hội nào cũng đâu phải tất cả mọi người biết được giá trị và ý nghĩa đích thực của nó.

giấy báo tử - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương

Tờ giấy báo tử rung bần bật

Với các anh chị lớn hơn bọn tôi một chút, đó là ngày chắc chắn không còn bom ném xuống, không còn phải nghe tiếng loa rú lên: đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Thái Nguyên chúng ta 50km, có cả B52, rồi sau đó là mang cuốc xẻng đi lật đất tìm người bị vùi giữa hoang tàn đổ nát.

Với những người phụ nữ, đó là ngày họ sẽ không phải thấp thỏm khi thấy ông cán bộ xã quần ống cao ống thấp rụt rè bước vào sân nhà mình với chiếc xắc cốt sờn tróc bên hông. Chi tiết thứ hai thì liên quan tới gia đình người hàng xóm.

Bên cạnh nhà tôi là nhà cô Xoan. Cô Xoan có chồng đi B khi mới sinh con được mấy tháng. Thời gian đầu, cô Xoan vẫn nhận được thư của chồng và đem chia sẻ với hàng xóm, nhưng bặt đi đến hơn năm không thấy cô khoe gì cả.

Vào buổi chiều 30-4, trong khi mọi người đi lại hân hoan tưng bừng cờ hoa thì nhà cô Xoan đóng im ỉm. Đến sẩm tối, cô Xoan đột nhiên ra đứng giữa sân nhà kêu rất to, nhà em về, các bác ơi, nhà em về rồi.

Mọi người đổ xô ra và cực kỳ ngạc nhiên vì chẳng thấy ai ngoài cô Xoan, với tóc búi gọn gàng, áo quần tươm tất hơn mọi khi, hai tay giơ về phía trước, vồ vập, rối rít. Đứa con nhỏ của cô mếu máo đứng sau mẹ một quãng, hai cẳng chân gầy tong teo, mặt mũi lem luốc.

Cô Xoan cười nói lảm nhảm với chồng suốt đêm, tới sáng hôm sau mọi người nhận ra cô chính thức hóa điên. Phải hơn một tuần sau nữa giấy báo tử của chồng cô Xoan mới về tới Linh Sơn. Và tờ giấy ấy vẫn cứ rung bần bật trên tay ông xã đội trưởng như mọi giấy báo tử khác, nhưng lần này thì cộng thêm một chút ngơ ngác vì người nhận nó đã không còn tỉnh táo.

Nghe tôi kể, anh bạn nhà văn Hàn Quốc trầm ngâm không nói gì. Cho tới khi tôi sến sẩm cao giọng bảo đó là ngày những đứa con của Âu Cơ, Lạc Long Quân sum họp thì anh tròn mắt tò mò hỏi Âu Cơ với Lạc Long Quân là ai. Tôi đáp đó là bố mẹ của dân tộc tôi.

Giờ thi thoảng anh bạn nhà văn Hàn Quốc vẫn viết email hỏi thăm tôi, cuối thư nào anh cũng viết lại đúng một câu: Chúng tôi phải cố thôi, cố để có cái ngày như ngày 30-4 của các bạn.